Alveranga sống sót trở về hồi đầu năm 2014. Ảnh: Guardian |
Theo Guardian, câu chuyện bắt đầu hôm 18/11/2012, một ngày sau khi bão tới, Alveranga, ngư dân 36 tuổi, cố gắng bình tĩnh và động viên người bạn đồng hành thiếu kinh nghiệm Ezequiel Cordoba, khi cả hai đang cách xa đất liền 80 km, vạch lộ trình về bờ.
Trong khi Alveranga cố gắng điều khiển con thuyền bị hàng trăm lít sóng biển đổ vào, đang chực chìm, thì Cordoba điên cuồng tát nước ra ngoài. Con thuyền dài 7,6 mét, rộng cỡ chiếc xe bán tải, không kính, không đèn, nó hầu như vô hình trên biển. Trên boong tàu là một chiếc thùng to cỡ tủ lạnh, chứa đầy cá ngừ, mahimahi và cá mập mà họ bắt được sau hai ngày. Nếu có thể đưa nó lên bờ đem bán, đủ cho họ sống trong một tuần. Ngoài ra, tàu còn có 70 lít xăng, 16 lít nước ngọt, 23 kg cá mòi khô, 700 cái móc nhỏ, dây thừng, một cây lao, ba con dao, một chiếc điện thoại di động và một thiết bị GPS không thấm nước, đài bán dẫn hai chiều, 91 kg đá lạnh và vài thứ khác.
Họ chống chịu nhiều giờ trên biển, cho đến sáng ngày thứ hai, thì động cơ bắt đầu hỏng. Alverenga bật đài, gọi ông chủ: “Willy! Willy! Willy! Động cơ hỏng rồi!”
“Bình tĩnh nào, anh bạn, cho tôi tọa độ của anh”, Willy trả lời, từ cảng biển Costa Azul. “GPS hỏng rồi.”
“Thả neo xuống”, Willy hướng dẫn. “Chúng tôi không có neo”, Alverenga trả lời. Anh nhận thấy con tàu không có neo từ trước khi khởi hành, nhưng không quan tâm vì cho rằng, mình không cần dùng tới.
“Được rồi, chúng tôi đi tìm anh đây”, Willy phản hồi. “Đến nhanh lên, tôi thực sự đang mắc kẹt ở đây”, Alverenga hét lên. Đó là những lời cuối cùng của anh, trước khi mất tích 14 tháng.
Những con sóng dữ dội không ngừng đập vào mạn thuyền. Alverenga nhận thấy gần 500 kg cá đánh bắt được, chính là thủ phạm khiến đầu thuyền nặng và không ổn định. Không kịp tham khảo ý kiến ông chủ, anh và đồng đội quyết định đổ hết số cá đi. Những con cá tươi thơm mùi máu thu hút đàn cá mập vây quanh, họ phải hết sức cẩn thận, nếu không muốn rơi xuống nước và bị cá mập xé xác.
Họ lại tiếp tục đổ đá và xăng đi. Alverenga xâu 50 cái phao lại, tạo thành một cái neo nổi, giữ thuyển ổn định trên mặt biển. Đến 10h sáng, chiếc đài bán dẫn hỏng nốt. Alverenga dự kiến, cơn bão sẽ kéo dài ít nhất 5 ngày, mà họ đã hỏng tất cả mọi thứ, từ động cơ, đến thiết bị liên lạc vô tuyến, và cả GPS, vào ngay chiều ngày thứ nhất.
Mặt trời lặn, cơn bão tiếp tục hoành hành, trong khi Cordoba và Alverenga run rẩy vì lạnh. Họ lộn ngược thùng nước đá, trốn vào bên trong, ôm chặt lấy nhau để giữ ấm. Thế nhưng, nước biển không ngừng trút lên thuyền, hai người phải thay nhau ra ngoài mỗi 10-15 phút, để tát nước. Mưa bão che lấp bầu trời, cả hai không biết mình đang ở đâu, cũng không thể nhìn lên trời đoán sao tính khoảng cách.
Nước tiểu và thịt sống
Đói bụng, không có móc câu, Alverenga nghĩ ra cách săn cá liều lĩnh. Anh quỳ gối, ép ngực chặt mạn thuyền, đảo mắt canh chừng cá mập, thò một cánh tay xuống ngập nước dụ cá. Khi con cá tới gần, anh đấm mạnh vào mõm, lấy móng tay cắm phập vào da thịt, lôi nó lên thuyền. Cordoba lấy dao xẻ thịt, cắt thành dải nhỏ, phơi nắng cho khô rồi cả hai cùng ăn. Alverenga nhồi đầy miệng thịt sống lẫn thịt khô, không bận tâm về mùi vị. Thi thoảng, họ bắt được rùa biển hoặc cá chuồn.
Rồi nước ngọt cũng hết, Alverenga bắt đầu uống nước tiểu của mình, động viên Cordoba làm theo. Nó có vị mặn, nhưng không đến nỗi khó uống. Chí ít, nó cung cấp thêm chút ít hydrat cho hai người. Alverenga từ lâu biết rằng, uống nước biển rất nguy hiểm. Do đó, tuy rất khát, nhưng hai người không dám uống giọt nước biển nào.
“Tôi đói đến nỗi phải ăn từng mẩu móng tay mình”, Alverenga nói. Anh vớt sứa lên, nuốt chửng cho đỡ đói. “Mới đầu có cảm giác như cổ họng bị đốt cháy, nhưng lúc sau cũng không đến nỗi tệ”.
Lênh đênh 14 ngày trên biển, Alvarenga đang ngồi tựa vào thùng đựng đá thì nghe thấy tiếng lộp bộp. “Mưa rồi”, Alverenga hét lên. Cả hai vội đem chiếc thùng đựng nước ra cọ rửa sạch sẽ, hứng mưa. Sau nhiều ngày bẩn thỉu, uống nước tiểu và máu rùa, cuối cùng, hai người được tắm rửa, uống nước mưa thỏa thích. Họ quyết định sẽ duy trì khẩu phần ăn nghiêm ngặt.
Chiếc thùng đựng nước đá trên tàu của Alverenga. Ảnh: Guardian |
Sau nhiều tuần trên biển, Alverenga và Cordoba trở thành những người nhặt và phân biệt rác cừ khôi. Họ túm lấy và lưu trữ tất cả những chai nhựa rỗng tìm thấy. Thậm chí, họ còn nhặt được một túi nhựa màu xanh, bên trong chứa kẹo cao su và hạnh nhân; hay một nửa cây bắp cải, vài củ cà rốt và một bịch sữa thiu, nhưng vẫn uống.
Có thực phẩm và nước uống dự trữ, Cordoba và Alverenga ngồi ngắm biển, tâm sự về mẹ.
“Chúng tôi kể cho nhau nghe về mẹ mình”, Alverenga nhớ lại. “Chuyện chúng tôi đã hư ra sao và cầu xin Chúa tha tội. Chúng tôi tưởng tượng rằng có thể trở về ôm hôn mẹ, hứa sẽ làm việc chăm chỉ hơn để mẹ không còn phải lao động vất vả nữa. Nhưng mọi điều lúc đó đều quá muộn”.
Mất bạn đồng hành
Sau hai tháng trên biển, Alverenga bắt đầu quen với việc bắt chim, cá, rùa thì Cordoba lại có dấu hiệu suy giảm thể chất và tinh thần. Cordoba bị ốm vì ăn thịt chim sống, anh ta ra một quyết định điên rồ: không ăn thứ gì ngoài uống nước. Cordoba nhanh chóng kiệt sức, không đủ lực đưa chai nước lên miệng. Alverenga đút từng mẩu nhỏ thịt chim, hoặc thịt rùa vào miệng Cordoba, nhưng anh ta cắn chặt răng lại.
Hai người thỏa thuận, nếu Cordoba còn sống, anh ta sẽ tới El Salvador và thăm cha mẹ của Alverenga. Nếu Alverenga còn sống, anh phải trở về Chiapas, Mexico, tìm mẹ của Cordoba.
“Tôi sắp chết rồi”, Cordoba nói trong một buổi sáng.
“Đừng nghĩ nữa, ngủ đi một tí”, Alverenga trả lời, nằm xuống cạnh Cordoba.
“Tôi mệt quá, cho tôi ít nước”, Cordoba rên rỉ, thở khó nhọc. Alverenga cầm chai nước đổ vào miệng Cordoba, nhưng anh ta không nuốt, người bỗng giật lên từng cơn. Alvereanga hoảng sợ, hét lên:
“Đừng bỏ tôi một mình! Anh phải chiến đấu, phải sống tiếp! Tôi phải làm gì nếu thiếu anh?” Cordoba không đáp, anh đã chết, mắt mở to. “Tôi dựng anh ta lên, cố giữ không cho sóng đánh thi thể khỏi thuyền. Tôi khóc hàng tiếng trời”.
Sáng hôm sau, Alverenga nhìn chằm chằm vào Cordoba ở mũi thuyền, hỏi cái xác:
“Cậu thấy thế nào? Ngủ có ngon không?” – “Tôi ngủ ngon, anh thì sao? Ăn sáng chưa?” Alverenga tự trả lời, như thể đang nói chuyện với Cordoba ở thế giới bên kia. Cách dễ dàng nhất để chống chịu nỗi đau mất đi người bạn đồng hành duy nhất, là giả vờ anh ta không chết.
Sáu ngày sau khi Cordoba qua đời, Alverenga ngồi cạnh, chuyện trò với cái xác trong một đêm không trăng. Đột nhiên, Alverenga bừng tỉnh, bị sốc khi phát hiện mình đang nói chuyện với tử thi.
“Đầu tiên, tôi cọ rửa chân cậu ta. Quần áo cậu ấy vẫn dùng tốt, vì thế, tôi lột chiếc quần soóc và áo phông dài tay ra và mặc vào. Rồi sau đó, tôi đẩy cậu ta xuống nước, ngất lịm đi”.
Vài phút sau, Alverenga tỉnh dậy, sợ hãi. “Tôi biết làm gì một mình đây? Không ai nói chuyện cùng tôi cả? Tại sao người chết là cậu ấy mà không phải tôi? Tôi tự dằn vặt.”
Ý chí sống còn và nỗi sợ tự tử (mẹ anh vẫn dạy, những người tự tử không bao giờ được lên thiên đàng) vực anh dậy, tiếp tục tìm cách thoát nạn. Thị lực anh tốt dần lên, nhìn thấy cả tàu chở hàng phía đường chân trời. Anh nhảy lên, ra sức vẫy, nhưng những con tàu như máy bay không người lái, chẳng ai nhìn thấy anh.
Quãng đường trôi dạt của Alverenga từ Costa Azul tới đảo Ebon. Ảnh: Guardian. |
Alverenga để mặc cho trí tưởng tượng bay bổng. Mỗi sáng thức dậy, anh đi quanh thuyền, nghĩ rằng mình đang chu du khắp thế giới, thưởng thức những món ăn ngon lành bên cạnh người thân, cách ly bản thân khỏi thực tế ảm đạm.
Khi còn nhỏ, ông nội đã dạy anh cách theo dõi thời gian theo chu kỳ Mặt Trăng. Kiến thức này cực kỳ hữu ích, khi anh cô đơn giữa đại dương. Alverenga nhớ rõ từng kỳ trăng, đếm được 15 kỳ, và thuyết phục bản thân sắp được nhìn thấy thiên đường.
Nhìn thấy thiên đường
Cuối cùng, khi bầu trời đầy chim biển, Alverenga giật mình, phát hiện một hòn đảo nhiệt đới Thái Bình Dương xuất hiện trong sương mù. Anh cứ nghĩ mình bị ảo giác, nhưng không, nhìn kỹ, anh phát hiện đó là một hòn đảo nhỏ, không lớn hơn sân bóng đá, nhìn có vẻ như đảo hoang bởi không có đường xá, xe cộ hay nhà cửa.
Alvereanga đánh liều, dùng dao cắt phao neo thuyền, chấp nhận mạo hiểm con thuyền có thể bị sóng đánh chìm. Khi còn cách bờ 10 mét, Alverenga nhảy xuống, kéo thuyền vào bờ. Một cơn sóng lớn ném anh và thuyền lên bãi biển, úp mặt xuống cát.
“Tôi nắm chặt cát, như thể đó là kho báu”, Alverenga kể lại. Quần áo tơi tả, anh trườn qua một thảm lá cọ ướt sũng, mấy cái vỏ dừa và đám hoa thơm. Anh thậm chí không đứng vững được vài giây.
“Tôi chỉ còn da bọc xương”, Alverenga kể. Hòn đảo nơi Alverenga dạt vào là Tile Islet, một phần của Ebon Atoll, mũi phía nam trong số 1.156 hòn đảo của đảo quốc Marshall, một trong những vùng xa xôi cách biệt nhất Trái Đất. Vượt qua những lùm cây, Alverenga nhận ra, mình đang đứng giữa một con kênh nhỏ nối từ bãi biển đến nhà của Emi Libokmeto và chồng cô, Russel Laikidrik.
“Tôi đang nhìn quanh thì thấy một người đàn ông da trắng”, Emi nói. Cô xay xát và sấy dừa trên đảo. “Anh ta đang la hét, trông có vẻ yếu và đói khát. Tôi chợt nghĩ, người này chắc hẳn rơi từ một con tàu nào đó và bơi vào đây”.
Họ mời Alverenga vào nhà, anh vẽ một chiếc thuyền, một người đàn ông và bờ biển, nhưng rồi không vẽ nữa. Làm sao anh có thể giải thích chuyến trôi dạt hàng trăm km trên biển chỉ bằng vài nét vẽ. Anh hỏi xin thuốc, bác sĩ, nhưng vợ chồng Emi chỉ lắc đầu và cười.
“Mặc dù chúng tôi không hiểu ngôn ngữ của nhau, nhưng tôi cứ mở miệng nói suốt”, Alverenga kể lại. “Tôi càng nói, cả ba càng phá lên cười. Tôi cũng không hiểu lý do họ cười, còn tôi, cười vì mình đã sống”.
Sau khi chăm sóc Alverenga cả buổi sáng, Russel đi thuyền lên thị trấn và cảng biển đảo Ebon để báo chính quyền xin giúp đỡ. Vài giờ sau, một nhóm cảnh sát, y tá, đến nơi, thuyết phục anh ngồi thuyền để đưa về Ebon chăm sóc.
Trong lúc đó, câu chuyện về Alverenga lan truyền khắp nơi, khởi nguồn từ một bài báo trên AFP đăng hôm 31/1/2014. Phóng viên khắp nơi đổ về đảo Ebon, hy vọng khai thác chuyện giật gân về Alverenga, hoặc cho rằng câu chuyện sống sót của anh là vụ lừa đảo.
Tuy nhiên, kiểm tra lại mã số trên con tàu của Alverenga cho thấy, trùng khớp với con tàu khởi hành hôm 17/11/2012 và biến mất. Đội tìm kiếm cứu nạn Mexico cũng xác nhận, họ đã bỏ cuộc tìm kiếm Alverenga và Cordoba vì bão to và tầm nhìn kém.
Những người đi biển dày dạn kinh nghiệm cũng cho rằng, thương tích trên người Alverenga cho thấy, anh đã phải trải qua quãng thời gian dài trên biển. Đại sứ quán Mỹ tại Marshall cũng công nhận điều này.
Alverenga phải mất hơn một năm, mới trở lại bình thường. Ảnh: Guardian |
Về phía Alverenga, sức khỏe của anh xấu dần đi. Chân sưng vù do mất nước lâu ngày. Qua 11 ngày điều trị, anh mới ổn định, đủ để về quê nhà El Salvador đoàn tụ với gia đình.
Alverenga bị chẩn đoán thiếu máu, gan nhiễm ký sinh trùng, có thể do chế độ ăn thịt rùa và chim biển sống. Alverenga cho rằng, ký sinh trùng có lẽ đã bò lên đầu và tấn công não anh. Anh không thể ngủ sâu giấc, và thường xuyên bị ám ảnh vì cái chết của Cordoba. Ngay khi đủ sức khỏe, anh lên đường tới Mexico, hoàn thành lời hứa gặp mẹ của Cordoba.
Nhiều tháng sau khi về nhà, Alverenga vẫn còn bị sốc. Anh không chỉ sợ nhìn thấy biển, mà còn sợ nước. Khi đi ngủ, anh luôn phải để đèn sáng, và có người bên cạnh. Phải mất đến một năm, Alverenga mới bình thường trở lại.
“Tôi đã phải chịu đói, khát, cô đơn cùng cực, nhưng không tự tử”, Alverenga nói. “Ta chỉ có một cơ hội để sống, vì thế, phải trân trọng nó”, người trải qua hơn 14 tháng phi thường trên biển kết luận.