Cục Hàng không: ‘Trung Quốc trực tiếp đe dọa an toàn hàng không tại Biển Đông’

Việc Trung Quốc điều phi cơ vào vùng thông báo bay Hồ Chí Minh mà không thông báo, đồng thời đưa ra thông tin sai trái là hành động nguy hiểm, uy hiếp an toàn hàng không tại biển Đông.
Chủ tịch TCT Quản lý bay: ‘Phải rất căng thẳng đối phó máy bay Trung Quốc’ / Hàng chục chuyến bay Trung Quốc xâm phạm vùng kiểm soát của Việt Nam
Trong thông cáo báo chí phát đi chiều 12/1, Cục Hàng không cho biết, cơ quan này đã kiểm tra công văn, điện tín và liên lạc trực thoại của các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu từ ngày 28 đến 29/12/2015 (trong đó có hơn 19.000 điện văn) nhưng không nhận được bất kỳ thông báo bay nào từ phía Trung Quốc như nước này tuyên bố.

Cục Hàng không Việt Nam cho rằng thông báo của cơ quan ngoại giao Trung Quốc cho cơ quan ngoại giao Việt Nam không thể thay thế thông báo bay và thiết lập liên lạc thoại trong vùng trời có kiểm soát với cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu theo quy trình hàng không để đảm bảo an toàn và điều hòa hoạt động bay.


Đường đi của máy bay Trung Quốc (xanh, đỏ) trong vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh. Ảnh: Cục Hàng không
Bên cạnh đó, Cục cũng phản bác một số phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Cụ thể việc Trung Quốc tuyên bố “các chuyến bay thử nghiệm và hiệu chuẩn của Trung Quốc tới sân bay mới xây dựng trên Vĩnh Thử là hoạt động hoàn toàn nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc” là cố tình khẳng định toàn bộ hành lang bay từ đảo Hải Nam qua Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh đến bãi Chữ Thập thuộc vùng trời chủ quyền của Trung Quốc. Đây là tuyên bố sai trái và phi lý, trực tiếp đe dọa đến hoạt động bình thường và an toàn hàng không dân dụng tại biển Đông.

Tuyên bố “tàu bay của Trung Quốc bay vào, bay cắt ngang hệ thống đường hàng không quốc tế đã được các quốc gia liên quan và Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) thiết lập hoàn toàn là quyền tự do của Trung Quốc mà không phải tuân thủ bất kỳ quy định, quy tắc quốc tế nào về an toàn hàng không” làm dấy lên sự lo ngại sâu sắc của Việt Nam cũng như cộng đồng hàng không quốc tế về trách nhiệm của một quốc gia với vấn đề bảo đảm an toàn hàng không.

Cục Hàng không Việt Nam một lần nữa kiên quyết phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không tái diễn các hoạt động bay tương tự và có hành động thiết thực, cụ thể góp phần duy trì an toàn hàng không ở biển Đông.

Về phía các cơ quan quản lý điều hành bay của Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay vẫn nỗ lực giám sát chặt chẽ, bảo đảm an toàn cho các hoạt động bay bình thường trong Vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.

Ngày 11/1, tại cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngang ngược bác bỏ công hàm phản đối của Việt Nam và cho rằng không cần phải thông báo cho bất cứ ai việc máy bay nước này hạ cánh ở Trường Sa.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, từ ngày 1 đến 8/1, Trung Quốc đã tiến hành 46 chuyến bay vào Vùng FIR Hồ Chí Minh mà không thông báo, gây uy hiếp nghiêm trọng an toàn hàng không biển Đông. Cục đã gửi thư về vụ việc cho Văn phòng ICAO Châu Á – Thái Bình Dương và đề nghị ICAO có biện pháp giải quyết.

Ngày 7/1, Mỹ cảnh báo việc Trung Quốc điều phi cơ đến đường băng nước này xây phi pháp trên đá Chữ Thập đang làm gia tăng căng thẳng và bất ổn trong khu vực. “Chúng tôi quan ngại về những chuyến bay đó… và chúng tôi quan ngại về mọi hoạt động mà Trung Quốc đang thực hiện” ở Biển Đông, AFP dẫn lời Peter Cook, người phát ngôn Lầu Năm Góc, phát biểu với báo giới.

Philippines hôm 4/1 thông báo đang cân nhắc trao công hàm phản đối hành động của Trung Quốc. Trong khi đó, Nhật Bản khẳng định “không thể chấp nhận hành động làm leo thang căng thẳng” của Trung Quốc và gọi đây là “mối quan ngại chung của cộng đồng quốc tế”.

Tuyển dụng xuất khẩu lao động Đài loan

Thông báo tuyển trực tiếp xuất khẩu lao động Nhật Bản

comments

Nội dung liên quan