Sau một thời gian khiến nhiều quốc gia phản ứng khi được cho là liên tục bị phá giá, đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc vừa chính thức được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa vào giỏ tiền tệ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) sau phiên họp hội đồng ở Washington (Mỹ).
Sự kiện đồng tiền này gia nhập giỏ tiền tệ mà IMF sử dụng như một tài sản dự trữ quốc tế cùng với đồng USD, euro, yên Nhật và bảng Anh được xem là sự thừa nhận của quốc tế đối với những tiến bộ về tài chính mà Trung Quốc đạt được sau nhiều năm cải cách nền kinh tế.
IMF vừa đưa nhân dân tệ của Trung Quốc vào giỏ tiền tệ quốc tế.
Như một bước đi cần thiết trong nỗ lực quốc tế hóa đồng nội tệ, từ năm 2009 Trung Quốc đã ký nhiều thỏa thuận trao đổi tiền tệ với Ngân hàng trung ương các nước như Anh, Brazil, Canada, Indonesia, Hàn Quốc… Các chi nhánh của Ngân hàng trung ương Trung Quốc tại Anh, Australia, Đức, Thụy Sĩ, Nga, Pháp và Singapore cũng đã được cấp phép nhận tài sản thế chấp hoặc giải quyết các giao dịch liên quan bằng đồng NDT. Đặc biệt trong năm qua, Trung Quốc đã có những bước thay đổi lớn đối với hệ thống tài chính của nước này khi dỡ bỏ sự kiểm soát đối với lãi suất huy động và cho vay. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã mở cửa thị trường trái phiếu liên ngân hàng cho các ngân hàng trung ương nước ngoài; điều chỉnh các cơ chế hình thành tỷ giá (hối đoái) đồng NDT nhằm giúp các lực lượng thị trường đóng vai trò lớn hơn và tăng tần số phát hành một số dữ liệu tài chính của đất nước. Một trong những thành công lớn của Bắc Kinh được nhắc đến nhiều là việc lôi léo được các đồng minh của Mỹ và thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB), được coi là một đối trọng với Ngân hàng Thế giới (WB) do Mỹ
chi phối.
Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ, thời gian qua Trung Quốc đã không ngừng nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu đưa đồng NDT vào giỏ tiền tệ quốc tế như một phần chiến lược dài hạn nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Vì thế, việc đồng NDT gia nhập SDR không chỉ là thắng lợi ngoại giao mang tính biểu tượng đối với nền kinh tế đầu tàu Châu Á này mà còn góp phần chuyển hướng trong đấu tranh tài chính giữa Mỹ và Trung Quốc.
Với nền kinh tế hơn 1,3 tỷ dân, việc đồng NDT gia nhập SDR là thành công lớn khi dòng tiền từ các ngân hàng trung ương sẽ chảy vào Trung Quốc thông qua việc tăng cường dự trữ bằng đồng NDT là điều đang được dự báo. Điều này sẽ góp phần hạn chế bớt ảnh hưởng tiêu cực từ việc các nhà đầu tư rút vốn khỏi Trung Quốc khi tăng trưởng của nền kinh tế nước này suy giảm. Với Mỹ, việc đồng NDT gia nhập SDR có ý nghĩa quan trọng bởi khả năng đồng tiền này phá giá như đã từng xảy ra sẽ bị loại bỏ. Vì thế, sắp tới nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, đồng USD sẽ tăng giá và đương nhiên đồng NDT cũng sẽ phải tăng giá theo. Điều này sẽ giúp giảm nhẹ áp lực đối với kinh tế Mỹ, nhất là đối với lĩnh vực xuất khẩu. Với việc gia nhập giỏ tiền tệ quốc tế, về lâu dài Trung Quốc sẽ phải tiến hành hàng loạt cải cách tài chính tương ứng như mở cửa hơn nữa đối với thị trường tài chính, tài khoản vốn… Mỹ là cường quốc tài chính toàn cầu, chỉ cần thị trường tài chính của Trung Quốc càng ngày càng mở cửa, cơ hội đến với ngành Tài chính Mỹ càng lớn.
Theo ước tính của Tổ chức Giám sát các giao dịch tài chính liên ngân hàng (SWIFT), NDT là đồng tiền được sử dụng nhiều thứ 4 trong các giao dịch quốc tế, đặc biệt là các giao dịch thương mại trên quy mô toàn cầu. Trong bối cảnh đó, quyết định vừa đưa ra của IMF – sẽ có hiệu lực từ ngày 1-10-2016 – được xem là bước đột phá trong nỗ lực quốc tế hóa tiền tệ của Trung Quốc. Quyết định của IMF cũng xua tan sự hoài nghi về quyết tâm của Trung Quốc trong thực thi những cải cách tài chính cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế dài hạn.
Thế nhưng, nhiều chuyên gia kinh tế cũng tỏ ra không mấy lạc quan khi nghi ngại rằng, ngay cả khi đồng NDT tham gia SDR thì nó chưa thể thay đồng USD để trở thành tiền tệ hàng đầu thế giới. Vì trên thực tế, USD vẫn chiếm khoảng 64% tổng lượng tiền tệ dự trữ toàn cầu và gần 90% giao dịch ngoại hối. Bên cạnh đó, việc gia nhập giỏ tiền tệ quốc tế giúp giá trị của đồng NDT tăng lên nhưng nó cũng tạo áp lực hơn đối với cơ quan quản lý của Trung Quốc khi nước này muốn đẩy mạnh xuất khẩu vì đồng NDT tăng sẽ không có lợi cho xuất khẩu. Một giải pháp được giới kinh tế đưa ra là Trung Quốc cần tăng độ sâu của thị trường tiền tệ bằng cách phát triển các thị trường vốn, đặc biệt thị trường trái phiếu bằng đồng NDT và thị trường chứng khoán để khuyến khích giới đầu tư nước ngoài giữ đồng NDT nhiều hơn.
Đình Hiệp