Phiến quân thân khủng bố có thể tham gia kiến tạo hòa bình Syria

Ahrar al-Sham, phiến quân có liên quan đến al-Qaeda, đang là tâm điểm tranh cãi của phương Tây về khả năng đóng vai trò trong tiến trình chính trị của Syria.
fighters1-6763-1449631148
Chiến binh Ahrar al-Sham. Ảnh: Reuters
Theo Foreign Policy, thành công trong các cuộc đàm phán về hòa bình cho Syria có lẽ đang phụ thuộc nhiều vào việc một nhóm chiến binh Hồi giáo đã chiến đấu cùng al-Qaeda có được phép tham gia những vòng đối thoại mới hay không. Khả năng nhóm này giữ vai trò trong một chính phủ mới cũng không thể loại trừ, sau một chiến dịch truyền thông để khiến họ được xem như những chiến binh ôn hòa.

Arab Saudi đã mời nhóm Ahrar al-Sham, cùng với hơn 90 đại diện phe đối lập Syria khác tới thủ đô Riyadh để đối thoại trong tuần này, trong nỗ lực nhằm thống nhất thông điệp của họ trước cuộc đàm phán của các cường quốc, dự kiến diễn ra tại New York ngày 18/12 tới. Mỹ, Nga, Iran, Arab Saudi cùng nhiều thành viên chủ chốt khác tại cuộc họp ở New York, dự kiến sẽ bàn thảo vòng ba các vấn đề chính trị, với mục tiêu cuối cùng là tiến hành bầu cử tổng thống tại Syria. Đến nay, chính quyền Syria, các nhóm đối lập đều hầu hết phải đứng ngoài các cuộc thảo luận của nhóm cường quốc.

Tuy nhiên, Nga lại muốn Ahrar al-Sham, một trong những nhóm chống lại chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad mạnh mẽ nhất về mặt quân sự, bị liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố, và bị loại khỏi các cuộc đàm phán hòa bình.

Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), và chi nhánh chủ lực của al-Qaeda tại Syria, nhóm al-Nusra Front, đều đã bị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc liệt vào danh sách các nhóm khủng bố. Mỹ đến nay chưa ngăn cản Ahrar al-Sham tham gia đàm phán hòa bình, nhưng từng bày tỏ quan ngại về những mối liên hệ của nhóm này với các nhánh al-Qaeda tại Syria.

Ahrar al-Sham là ai?

Ahrar al-Sham, còn có tên khác là Phong trào Hồi giáo của người Syria Tự do được coi là nhóm phi jihad lớn mạnh nhất tại Syria. Nó được thành lập cuối năm 2011, bởi các cựu tù nhân chính trị để chống lại chính quyền Assad. Đây được xem như một trong những nhóm khả dĩ nhất để đối đầu với IS và lực lượng của Tổng thống Assad. Ahrar al-Sham chưa bị xem là tổ chức khủng bố.

Những năm qua, Ahrar al-Sham đã bắt tay với Quân Giải phóng Syria (FSA), al-Nusra Front và các nhóm chống Assad khác. Nhóm này được Thổ Nhĩ Kỳ cùng Qatar tài trợ.

Trong các bài viết năm nay trên Washington Post và Telegraph, người phát ngôn của Ahrar al-Sham là Labib al-Nahhas đã bác bỏ việc nhóm này có chung tư tưởng cực đoan với al-Qaeda. Người này cố gắng khắc họa nhóm của mình là người chơi chủ chốt trong lực lượng đối lập chính thống tại Syria.

Cùng lúc đó, nhóm vũ trang này đã đăng ký tham gia một liên minh được gọi là Jaish al-Fatah (Đạo quân Chinh phạt) bao gồm các chiến binh al-Nusra Front, chi nhánh của al-Qaeda, và các nhóm Hồi giáo cực đoan khác đang tìm cách lật đổ chính quyền Syria.

“Họ có mối quan hệ rất chặt chẽ với al-Nusra Front”, Joshua Landis, giám đốc Trung tâm Trung Đông, Đại học Oklahoma nói.

Trên thực tế, chính thành công về mặt quân sự của nhóm này đầu năm nay, khi chiếm các thành trì quan trọng tại Idlib và quanh Aleppo, đã khiến Iran phải gia tăng hỗ trợ quân sự cho chính quyền Assad. Cũng chính diễn biến này khiến Nga phải can thiệp vào Syria để chặn đà sụp đổ của chính phủ Syria.

Mỹ trước đây từng bày tỏ quan ngại về mối liên hệ giữa Ahrar al-Sham và al-Nusra Front, nhưng gần đây Washington dường như đã sẵn sàng hơn trong việc tìm kiếm một vai trò nào đó cho Ahrar al-Sham. Điều kiện giới chức Mỹ đề ra là nhóm này phải hậu thuẫn các nỗ lực quốc tế, để đạt được giải pháp chính trị với chính quyền Syria, các nhà ngoại giao theo dõi tiến trình chính trị tiết lộ.

Một người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ giấu tên từ chối nêu lên quan điểm của Mỹ về Ahrar al-Sham, nhưng cho biết Mỹ “hiểu rằng còn nhiều việc phải làm để giải quyết vấn đề này”.

Khủng bố hay ôn hòa?

Việc xác định ai là khủng bố, ai là thành viên chính đáng của lực lượng chống chính phủ tại Syria giữa vô vàn các nhóm vũ trang khác nhau hiện là trọng tâm của một nỗ lực quốc tế, nhằm khép lại cuộc nội chiến đã kéo dài gần 5 năm tại Syria. Đến nay hơn 250.000 người Syria đã thiệt mạng trong các vụ giao tranh, vốn khiến phong trào cực đoan không ngừng trỗi dậy.

“Định nghĩa của Nga về khủng bố thường chính là định nghĩa của chúng tôi về phiến quân đối lập ôn hòa”, một nhà ngoại giao phương Tây nói. “Các cuộc không kích của Nga thường nhắm tới các phiến quân đó, thay vì IS, còn chưa kể đến bệnh viện, trường học và dân thường”, nhà ngoại giao này nói. Chính phủ Nga đã nhiều lần bác bỏ những cáo buộc này.

Trong khi hầu hết đều thống nhất rằng IS phải bị loại khỏi các cuộc đàm phán chính trị, các người chơi chủ chốt, gồm Mỹ, Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Arab Saudi vẫn có những quan điểm khác nhau về việc nhóm nào nên được cho phép tham gia. Ví dụ Qatar đã hối thúc al-Nusra Front tách khỏi al-Qaeda với hy vọng nhóm này có thể có tiếng nói trong tiến trình chuyển tiếp chính trị.

Cuộc gặp tại Riyadh, diễn ra từ 8 – 11/12 , được kỳ vọng sẽ tập hợp một liên minh rộng rãi nhất các nhóm đối lập tại Syria cùng tới bàn nghị sự. Các nhóm được Mỹ hậu thuẫn, gồm Liên đoàn Dân tộc Syria và Quân Giải phóng Syria, cũng như một nhóm được Nga hậu thuẫn là Ủy ban điều phối quốc gia các Lực lượng Thay đổi Dân chủ, có mặt trong cuộc gặp

Ngoài ra, Jaish al-Islam – một liên minh được Arab Saudi tài trợ, ra đời tháng 9/2013 nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống chính quyền Assad, cũng được mời.

Najib Ghadbian, đại diện tại Mỹ của Liên đoàn Dân tộc Syria, nhận định cuộc họp tại Riyadh đánh dấu lần gặp gỡ lớn nhất của các lực lượng đối lập Syria kể từ khi cuộc chiến diễn ra. Ông hy vọng cuộc họp sẽ dẫn tới sự hình thành một “lập trường thống nhất” của phe đối lập Syria về tiến trình chính trị, đồng thời lựa chọn một số ứng viên để đại diện cho liên minh lớn này. Ông cũng bày tỏ sự ủng hộ việc Ahrar al-Sham tham gia cuộc họp.

Dù “chúng tôi không chắc 100% họ sẽ hoàn toàn cắt đứt với al-Qaeda để trở thành một nhóm ôn hòa như chúng tôi mong muốn, chúng tôi sẽ cho họ cơ hội”, Ghadbian nói. “Họ đang chiến đấu chống lại chính quyền, họ là một lực lượng có tiếng trên chiến trường, và họ cũng là người Syria”.

“Người Mỹ nói bên nào đồng ký thỏa thuận ngừng bắn có thể được loại khỏi danh sách khủng bố”, một quan chức tham gia tiền trình ngoại giao nói. “Ngược lại, bên nào không ký thì sẽ là đối tượng bị công kích”.

Tuyển dụng xuất khẩu lao động Đài loan

Thông báo tuyển trực tiếp xuất khẩu lao động Nhật Bản

comments

Nội dung liên quan