Người Hàn Quốc trải nghiệm tang lễ của chính mình

Trong căn phòng lớn của một tòa nhà hiện đại ở Seoul, nhóm nhân viên của một công ty đang tổ chức đám tang cho chính mình. Khoác chiếc áo choàng màu trắng, họ ngồi vào bàn và bắt đầu viết lời trăng trối dành cho người thân.

cacs nhân viên vp tại tang lễ của mình

Các nhân viên văn phòng tại tang lễ giả của mình. Ảnh: BBC

Sau đó, họ đứng lên và bước vào trong cỗ quan tài gỗ được đặt ngay bên cạnh. Từng người một từ từ nằm xuống, bàn tay ôm chặt lấy ảnh chân dung của mình với dải ruy băng đen vắt chéo.

Tiếng sùi sụt dần vỡ òa thành những dòng nước mắt.

Nắp những chiếc quan tài được một người đàn ông mặc bộ đồ đen với chiếc mũ chóp cao truyền thống của Hàn Quốc đóng sập lại. Ông tượng trưng cho tử thần. Suốt thời gian nhốt mình trong bóng tối, các nhân viên này sẽ có cơ hội được suy ngẫm về ý nghĩa của cuộc sống.

Theo BBC, Hàn Quốc là một trong những nước có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới bởi người lao động thường xuyên rơi vào tình trạng căng thẳng do sức ép từ công việc. Để giúp mọi người trân trọng cuộc sống hơn, một số công ty đã cho nhân viên tự tổ chức và tham gia vào lễ tang giả của chính mình.

Trước khi bước vào quan tài, họ được xem một số đoạn phim về những người đang đấu tranh để giành lấy sự sống, như một người bị ung thư đang sống những ngày cuối cùng của cuộc đời hay quá trình tập bơi của một người sinh ra đã không có chân tay.

Tất cả đều được thiết kế để giúp nhóm nhân viên thẳng thắn đối diện với những vấn đề của cá nhân họ như một phần tất yếu của cuộc sống, ông Jeong Yong-mun, giám đốc Trung tâm Hyowon Healing, cho biết. Trước đây, ông từng làm việc tại một công ty tổ chức tang lễ.

 

Sau khi viết “di chúc”, họ nằm vào trong quan tài. Ảnh: BBC

Những người tham gia nghi lễ lần này được chính công ty của họ, một công ty nhân sự, gửi tới.

“Công ty của chúng vẫn luôn khuyến khích nhân viên thay đổi lối suy nghĩ cũ, nhưng thật sự rất khó. Tôi nghĩ, việc nằm trong quan tài sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ, giúp họ thay đổi hoàn toàn tâm trí để bắt đầu một quan điểm hoàn toàn mới”, giám đốc công ty, ông Park Chun-woong, nói.

“Sau trải nghiệm nằm trong quan tài, tôi nhận ra rằng mình phải có một cách sống mới. Tôi nhận ra là mình đã phạm quá nhiều sai lầm. Tôi hy vọng bản thân sẽ đam mê công việc hơn nữa và dành nhiều thời gian cho gia đình hơn”, nhân viên Cho Yong-tae chia sẻ.

Là giám đốc của công ty, ông Park Chun-woong tin rằng trách nhiệm của người lãnh đạo không chỉ gói gọn trong văn phòng làm việc. Ông từng gửi điện hoa tới cha mẹ của nhân viên, chỉ đơn giản để cảm ơn họ vì đã nuôi dưỡng nhân viên của ông.

Ông Park cũng khuyên nhân viên nên tập một bài tập khác vào mỗi buổi sáng khi tới văn phòng. Đó là cùng nhau tập cười thật lớn và thật lâu.

“Ban đầu, mọi người đều cảm thấy ngượng ngùng và tôi cũng chẳng hiểu làm thế có gì hay. Nhưng khi bạn bắt đầu cười, bạn sẽ không thể không nhìn vào gương mặt của các đồng nghiệp xung quanh và rồi mọi người sẽ phá lên cười cùng nhau”, một nữ nhân viên nói.

Cô cho rằng bài tập này thực sự có ảnh hưởng tích cực đến đội ngũ nhân viên: “Bình thường, mọi người rất ít khi cười trong công ty. Tôi cho rằng, bài tập cười kiểu này rất có ích cho chúng tôi”.

Trên thực tế, tiếng cười là điều rất cần thiết đối với môi trường làm việc khắt khe tại Hàn Quốc. Hiệp hội tâm thần kinh Hàn Quốc cho hay một phần tư số người được khảo sát thừa nhận bị căng thẳng cao độ mà nguyên nhân chính là do những vấn đề ở nơi làm việc.

 

Các nhân viên tập cười với nhau khi đến văn phòng. Ảnh: BBC

Năm ngoái, chính quyền thành phố Seoul đã tìm cách thay đổi văn hóa làm việc bằng cách cho phép nhân viên ngủ trưa một giờ trong ngày. Tuy nhiên để bù lại, họ phải đi làm sớm hơn một giờ hoặc ra về muộn hơn một giờ. Tuy vậy ý tưởng này cũng gây tranh cãi bởi có những người lo rằng với việc nới lỏng này, họ sẽ khó tăng tính cạnh tranh trong môi trường lao động.

Kim Dung

 

comments

Nội dung liên quan