Tuần này, Thượng viện Mỹ dự kiến tổ chức 7 phiên điều trần để phê chuẩn một số chức danh nội các do Tổng thống đắc cử Donald Trump đề cử. Đây có thể coi là tuần thử thách nhất với ông Trump trước khi tuyên thệ nhậm chức vào 20/1 tới.
Tổng thống đắc cử Donald Trump. (Ảnh: AFP)
Những ứng cử viên trong nội các chính phủ Mỹ được chỉ định bởi Tổng thống đắc cử Trump sẽ có mặt tại Điện Capitol trong tuần này để tham dự các buổi điều trần. Bên cạnh đó, Tổng thống đắc cử Trump cũng sẽ tổ chức cuộc họp báo chính thức đầu tiên kể từ khi chính thức thắng cử vào ngày 11/1 tới để đưa ra các quan điểm về những chính sách hoặc giải quyết các xung đột lợi ích tiềm tàng liên quan tới vị trí tổng thống với sự nghiệp kinh doanh của gia đình.
Các phiên điều trần
Một trong những bổ nhiệm gây tranh cãi của ông Trump là chức Ngoại trưởng cho CEO của ExxonMobil. (Ảnh: Reuters)
Tại Điện Capitol, những ứng cử viên được Tổng thống đắc cử Trump chỉ định cho các vị trí trong nội các sẽ phải trải qua các phiên điều trần. Đây được coi là cơ hội để các nghị sĩ của đảng Dân chủ đặt ra những câu hỏi liên quan tới chủng tộc, chính sách với Nga hoặc các vấn đề liên quan khác với chính quyền sắp tới.
Thượng nghị sĩ Jefff Sessions – lựa chọn của Tổng thống đắc cử Trump cho vị trí Bộ trưởng Tư pháp – đang đối diện với những cáo buộc lạm quyền khi còn giữ chức ở bang Alabama. Trong khi đó, người được lựa chọn cho vị trí Ngoại trưởng – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Rex Tillerson của tập đoàn ExxonMobil – được dự đoán sẽ phải trải qua một cuộc điều tra nhiều cam go khi các câu hỏi sẽ tập trung vào mối quan hệ cá nhân giữa ông này với Tổng thống Nga Vladimir Putin, cũng như quan điểm của ông trong các vấn đề quan trọng khác như tình trạng nóng lên của trái đất.
Trong một tuyên bố mới nhất, Tổng thống đắc cử Trump cho biết ông tin rằng các lựa chọn của mình sẽ vượt qua được các phiên điều trần tại Điện Capitol. Tuy nhiên, trong trường hợp các lựa chọn của ông Trump gặp “trục trặc”, buổi họp báo đầu tiên của Tổng thống Mỹ đắc cử, dự kiến sẽ thu hút sự tập trung của truyền thông Mỹ và quốc tế, có thể “phủ bóng” lên tất cả.
Cuộc tranh cãi với nữ diễn viên Maryl Streep
Nữ diễn viên Maryl Streep không tiếc lời chỉ trích khéo Tổng thống đắc cử Donald Trump. (Ảnh: Hollywood Reporter)
Trong 24 giờ đồng hồ qua, cuộc tranh cãi giữa Tổng thống đắc cử Trump và nữ diễn viên Maryl Streep đã trở thành đề tài nóng trên các báo và mạng xã hội. Sau khi bị bà Streep cáo buộc ông Trump việc mỉa mai một người tàn tật, tỷ phú New York đã sử dụng mạng Twitter để bác bỏ thông tin này và cáo buộc nữ diễn viên gạo cội của Hollywood chỉ là “kẻ nịnh hót bà Hillary Clinton”.
Cuộc tranh cãi giữa ông Trump và bà Streep một lần nữa cho thấy vấn đề xung đột văn hóa ngày càng sâu sắc tại Mỹ. Và vị Tổng thống đắc cử Mỹ có vẻ như sẽ không bỏ thói quen sử dụng Twitter để nêu quan điểm của mình khi bị các cá nhân khác nhắc tới. Theo đánh giá của giới quan sát, thói quen chia sẻ quan điểm cá nhân qua mạng xã hội của Tổng thống đắc cử Trump có thể tạo ra một cuộc cách mạng về phương cách một tổng thống Mỹ kết nối với người dân nước này.
Đạo luật chăm sóc y tế
(Ảnh minh họa: Miami Heral)
Phiên điều trần của các nhân vật được Tổng thống đắc cử Trump lựa chọn sẽ diễn ra trong thời điểm các nghị sĩ của đảng Cộng hòa đang tìm cách hủy bỏ đạo luật chăm sóc y tế hay còn gọi là Obamacare.
Trong khi các nghị sĩ của đảng Dân chủ nhận được sự khích lệ từ chuyến đi tới Điện Capitol của Tổng thống Obama hồi tuần trước để thuyết phục lưỡng viện giữ lại đạo luật này thì các nghị sĩ của đảng Cộng hòa dù phản đối Obamacare nhưng vẫn đang chưa đưa ra được phương án khác hoặc ấn định lộ trình thay thế. Nhiều chuyên gia cho rằng đảng Dân chủ sẽ chờ đợi thời cơ phản kích chính phủ của Tổng thống đắc cử Trump nếu việc hủy bỏ Obamacare gây ra nhiều rắc rối tới hệ thống bảo hiểm xã hội ở Mỹ.
Bên cạnh đó, các nghị sĩ của đảng Dân chủ cũng lên tiếng nhắc nhở Tổng thống sắp tới của Mỹ về quan điểm của ông đối với chính sách đối ngoại. Theo đó, việc lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn quá cảnh bị phía Dân chủ coi như một “quả bom” nhằm vào quan hệ Mỹ – Trung. Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cũng cảnh báo rằng Bắc Kinh sẽ chuẩn bị các phương án đáp trả nếu Tổng thống đắc cử Trump không tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc”.
Ngoài ra, Triều Tiên cũng đang nổi lên như một vấn đề đối ngoại đầu tiên dưới thời chính phủ mới của Tổng thống đắc cử Trump. Một số nguồn tin cho biết Bình Nhưỡng đang chuẩn bị cho kế hoạch phóng thử tên lửa đạn đạo. Nếu việc này xảy ra, cách phản ứng của Tổng thống đắc cử Trump và chính phủ mới của Mỹ sẽ thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận.