‘Thiên nga trắng’ Tu-160 – vũ khí răn đe chiến lược của Nga

Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 là biểu tượng cho sức mạnh răn đe hạt nhân của Nga thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Nga điều máy bay ném bom chiến lược không kích IS ở Syria
2-4792-1447931145
“Thiên nga trắng” Tu-160 của Nga. Ảnh: Sputnik
Ngày 17/11, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận máy bay ném bom chiến lược siêu thanh Tupolev Tu-160 Blacjack lần đầu tiên tham gia chiến dịch không kích phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria.

“Thiên nga trắng” Tu-160 là loại máy bay ném bom chiến lược tầm xa tàng hình tiên tiến nhất hiện nay của không quân Nga. Biệt danh “Thiên nga trắng” của Tu-160 xuất phát từ lớp sơn chống phản xạ ánh sáng bên ngoài và kiểu dáng thiết kế thanh mảnh của nó.

Là loại máy bay ném bom chiến lược cuối cùng được Liên Xô phát triển nhằm mục đích ném bom nhiệt hạch xuống nước Mỹ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Tu-160 được Nga điều chỉnh cho phù hợp với vai trò tác chiến thông thường. Đây được coi là cách đáp trả của Nga trước máy bay tàng hình B-2 Spirit của Mỹ, theo chuyên gia Dave Majumdar của National Interest.

Liên Xô bắt đầu thiết kế máy bay ném bom Tu-160 vào đầu những năm 1970, ngay trước khi Mỹ bắt đầu phát triển máy bay B-2. Nguyên mẫu đầu tiên bay thử vào ngày 18/10/1981. Năm 1984, tập đoàn sản xuất máy bay Tupolev trang bị 19 chiếc Tu-160 cho Trung đoàn ném bom hạng nặng 184 đóng quân tại Pryluky, Ukraine. Hiện nay chỉ có Nga là nước duy nhất sở hữu Tu-160 sau khi đã nâng cấp hệ thống vũ khí và điện tử mới.

Trong khi B-2 có ưu thế về khả năng tàng hình thì Tu-160 dựa vào sự kết hợp giữa tốc độ vượt trội và các tên lửa hành trình tầm xa để hủy diệt mục tiêu đối phương. Được trang bị 4 động cơ tuabin “khủng” NK-32 Kuznetsov, mỗi động cơ tạo lực đẩy lên tới 25.000 kg ở tốc độ tối đa, “Thiên nga trắng” có thể đạt vận tốc Mach 2,05 (hơn 2.500 km/h). Tuy nhiên, các oanh tạc cơ Tu-160 hiện nay chỉ giới hạn ở tốc độ Mach 1,5 để duy trì độ bền cho khung máy bay.

Nguyên lý cơ bản của Tu-160 là tận dụng lợi thế về tốc độ để tiếp cận mục tiêu và phóng tên lửa hành trình một cách nhanh chóng làm cho đối phương không kịp trở tay. Các phi công của không quân và hải quân Mỹ cho rằng việc đánh chặn một mục tiêu bay cao và nhanh ở vận tốc March 2.0 là cực kỳ khó khăn, ngay cả với những tiêm kích chuyên đánh chặn như F-15C Eagle.

Trang bị vũ khí cơ bản của Tu-160 gồm 2 ống phóng 12 tên lửa hành trình bên trong khoang vũ khí. Vũ khí phổ biến nhất dùng cho vai trò răn đe chiến lược của nó là các tên lửa hành trình chứa đầu đạn hạt nhân Raduga Kh-55 có tầm bắn lên tới 2.560 km. Tên lửa này có phiên bản mang đầu đạn thông thường là Kh-555. Tuy nhiên, những vũ khí này sắp bị thay thế bằng loại tên lửa hành trình tàng hình mới.

4-4956-1447931145
Tu-160 phóng tên lửa hành trình Kh-555M. Ảnh: DefenseNews
Trong video mới được Bộ Quốc phòng Nga công bố, oanh tạc cơ Tu-160 đã phóng các tên lửa hành trình tàng hình mới Kh-101 vào các mục tiêu ở Syria. Điều này có nghĩa là biến thể đầu đạn hạt nhân Kh-102 của nó có thể đã được đưa vào sử dụng trong không quân Nga.

Việc được trang bị thêm các loại vũ khí mới này chứng tỏ Tu-160 vẫn sẽ là đối thủ cực kỳ đáng gờm. Tu-160 có tải trọng lên tới 39,6 tấn, tương đương toàn bộ trọng lượng một chiếc tiêm kích F-15E mang đầy đủ vũ khí. Trọng tải cất cánh tối đa của nó là 272,7 tấn, đồng nghĩa với việc Tu-160 là chiếc oanh tạc cơ lớn nhất thế giới từng được chế tạo.

Tu-160 được coi là đối thủ đáng gờm của B-2, nhưng hai loại oanh tạc cơ hiện đại này được thiết kế trên nền tảng khái niệm tác chiến hoàn toàn khác biệt. Máy bay B-2 được thiết kế để tận dụng khả năng tàng hình, thâm nhập sâu vào trong không phận của địch để không kích, trong khi “Thiên nga trắng” Tu-160 được chế tạo để phóng tên lửa hành trình tốc độ cao từ khoảng cách xa.

Bởi vậy, B-2 có bộ khung cực kỳ đắt đỏ để đảm bảo khả năng tàng hình, còn vũ khí của nó có thể rẻ hơn, đơn giản hơn. Tu-160 có bộ khung không phức tạp đến vậy, nhưng tên lửa hành trình của nó phải tối tân hơn rất nhiều để xuyên thủng các lớp lá chắn của đối phương. Dù sao, cả hai đều là những phương tiện rất hiệu quả để thực hiện các đòn tấn công sấm sét bằng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí thông thường vào kẻ thù.

Nga đang lên kế hoạch tái sản xuất tiếp hơn 50 chiếc Tu-160 phiên bản mới từ năm 2023, trong lúc chờ loại máy bay ném bom tàng hình PAK-FA mới được thiết kế.

Biến thể mới của “Thiên nga trắng” là Tu-160M2 có bộ khung gần như giữ nguyên, còn hệ thống điện tử, hệ thống nhiệm vụ và động cơ có thể sẽ được cải tiến hoàn toàn.

“Sẽ không còn gì sót lại của phiên bản Tu-160 trước đây trừ bộ khung. Nhiều thiết bị tiên tiến hơn sẽ được lắp đặt vào phiên bản mới”, Vladimir Mikheev, quan chức Viện Công nghệ Vô tuyến Điện tử Nga, cho biết.

Tuyển dụng xuất khẩu lao động Đài loan

Thông báo tuyển trực tiếp xuất khẩu lao động Nhật Bản

comments

Nội dung liên quan