Thủ tướng trả lời chất vấn về chủ quyền

10h sáng, Thủ tướng bắt đầu trả lời chất vấn về những vấn đề chủ quyền, tranh chấp biển Đông, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc.
10h15
Thủ tướng kết thúc phần đăng đàn, không có phần đại biểu chất vấn tiếp, làm rõ thêm vấn đề.
10h00
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Anh Sơn, Trương Trọng Nghĩa, Lê Nam liên quan đến tranh chấp chủ quyền, tình hình diễn biến phức tạp trên biển Đông, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã nhiều lần trình bày trước Quốc hội về lập trường quan điểm, chủ trương của Đảng và nhà nước là rõ ràng, nhất quán, cơ bản là phù hợp và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng cũng còn không ít khó khăn, thách thức.
“Chúng ta cần tiếp tục kiên định, kiên trì thực hiện sáng tạo, hiệu quả các lập trường, quan điểm, chủ trương của Đảng, nhà nước đối với các vấn đề mà đại biểu đã chất vấn”, Thủ tướng nói. Thủ tướng xin không nhắc lại mà chỉ nhấn mạnh ba điểm. Trước hết là chân thành làm hết sức mình để tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng cùng có lợi, cùng phát triển với Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, Việt Nam cũng kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia theo đúng chủ trương, nghị quyết của Đảng, hiến pháp, pháp luật của nhà nước, cũng như hiến chương Liên Hợp Quốc, Luật pháp quốc tế, nhất là công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, các cam kết khu vực như DOC, tuyên bố giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên liên quan trên biển Đông.
“Đồng thời với phát triển kinh tế xã hội phải tăng cường quốc phòng an ninh, quan hệ đối ngoại, tăng cường khối đại đoàn kết và sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế về chân lý, lẽ phải của chúng ta; gìn giữ hòa bình, ổn định để tạo môi trường cho xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc”, Thủ tướng nhấn mạnh.
9h45
Thủ tướng cho biết, với chuẩn nghèo đa chiều, trong đó tiêu chí thu nhập là 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn, 900.000 đồng/người/tháng thì tỷ lệ hộ nghèo khoảng 12%, hộ cận nghèo 6%. Dự kiến ngân sách với hộ nghèo, cận nghèo năm 2016 tăng 15.000 tỷ đồng so với năm 2015. Chính phủ sẽ rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn mới và chuẩn bị điều kiện thực hiện trong năm 2016 gắn với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2016 -2020 vừa được Quốc hội thông qua, đồng thời tiếp tục hoàn thiện các chính sách đặc thù đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn đặc biệt khó khăn, nhất là về đất ở, nhà ở, nước sạch, y tế giáo dục, phát triển ngành nghề khuyến nông, khuyến lâm, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển nguồn nhân lực cho xã nghèo.
Về vấn đề lao động trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, Thủ tướng khẳng định đây là vấn đề được đồng bào cử tri cả nước, nhất là người lao động rất quan tâm. Các đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Trần Ngọc Vinh, Võ Kim Cự đã chất vấn Thủ tướng vấn đề này. Theo Thủ tướng, với cách tiếp cận người lao động là người trực tiếp làm ra các sản phẩm hàng hóa dịch vụ trong thương mại quốc tế nên trước hết họ phải được hưởng thành quả của quá trình này. Năm 1988, Tổ chức lao động quốc tế (ILO) ra Tuyên bố về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động. Đến năm 2008 tiếp tục thông qua Tuyên bố về thúc đẩy việc đảm bảo quyền lợi của người lao động trong quá trình Toàn cầu hóa thương mại. Đây cũng là cách tiếp cận của Hiệp định thương mại hóa tự do thế hệ mới, và đang trở thành xu thế toàn cầu. Nếu như vào thời điểm thành lập WTO năm 1995 mới có 4 hiệp định thương mại tự do với nội dung về lao động thì đến tháng 1/2015 đã có 72 hiệp định thương mại tự do quy định về nội dung này
9h30
​Quốc hội nghỉ giải lao.
9h25
Trả lời chất vấn của các đại biểu Hà Sĩ Đồng, Trần Ngọc Vinh, Trương Trọng Nghĩa về nội dung của giảm nghèo đa chiều và các giải pháp mà Chính phủ sẽ triển khai, Thủ tướng khẳng định đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là mục tiêu của phát triển bền vững được nhân dân và cộng đồng quốc tế ủng hộ. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% năm 2011 xuống còn 4,5% năm 2015. Riêng các huyện nghèo giảm từ 58,3% xuống còn 28%. “Nhìn lại 20 năm, nước ta có khoảng 30 triệu người thoát nghèo. Đây là thành tựu nổi bật của công cuộc đổi mới, được toàn xã hội và cộng đồng đánh giá cao”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Việc xác định chuẩn nghèo đơn chiều chỉ dựa vào thu nhập bộc lộ nhiều hạn chế. Việc phân loại, đánh giá, xác định đối tượng nghèo, chính sách giảm nghèo thiếu tính tổng thể, toàn diện. Để khắc phục, các tổ chức quốc tế khuyến cáo 30 quốc gia nghiên cứu và áp dụng phương pháp đo lường nghèo đa chiều. Xác định nghèo đa chiều ngoài dựa vào thu nhập còn thêm các tiêu chí như tiếp cận nhu cầu cơ bản ở mức tối thiểu. Đây cũng là phương pháp phù hợp với chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc vì sự phát triển bền vững.
Chính phủ trình, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 76 về đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo bền vững đến 2020. Trong đó, giao Chính phủ chỉ đạo xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án tổng thể chuyển đổi phương pháp xác định hộ nghèo từ đơn chiều sang đa chiều. Trong đó, quy định chuẩn nghèo bao gồm cả tiêu chí thu nhập và tiếp cận dịch vụ cơ bản: như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch. Thủ tướng sẽ sớm ban hành chuẩn nghèo đa chiều mới áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. “Trong tuần tới, chúng tôi sẽ ký quyết định ban hành”, Thủ tướng nói.
tt2-6105-1447815160
Hai ngày qua, 18 đại biểu với 27 câu hỏi chất vấn trực tiếp về những vấn đề quan trọng của đất nước như chủ quyền lãnh thổ, tham nhũng, lãng phí, hàng giả, hàng nhái, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… đã được gửi đến Thủ tướng. Ảnh: Giang Huy.
Thủ tướng cho biết, các đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Lê Như Tiến, Trịnh Ngọc Phương, Võ Kim Cự chất vấn nói rõ nội hàm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và những giải pháp mà Chính phủ đã, đang thực hiện. Đây là nội dung lớn nên Thủ tướng chỉ nhấn mạnh một số. Nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường hiện đại với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế vận hành theo quy luật kinh tế thị trường. Nhà nước sử dụng thể chế luật pháp, công cụ điều tiết để phát triển văn hóa, thực hiện công bằng và an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và bảo vệ môi trường… Nhà nước tập trung tạo môi trường cho người dân và doanh nghiệp bình đẳng trong đầu tư kinh doanh, phát huy cao nhất quyền làm chủ của nhân dân. Các nguồn lực được tận dụng tối đa để xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Để thực hiện được các nội dung trên, Chính phủ đã và đang triển khai nhiều giải pháp: hoàn thiện thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển cho phù hợp với yêu cầu của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; chủ động mở cửa thị trường, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng hàng hóa dịch vụ; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, quản lý hiệu quả nợ công, nợ xấu, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia…
Riêng đối với hàng hóa dịch vụ công thiết yếu như y tế, giáo dục, Chính phủ kiên định thực hiện cơ chế giá thị trường theo lộ trình phù hợp, tính đúng, tính đủ, công khai các yếu tố hình thành giá đồng thời hỗ trợ phù hợp cho người nghèo, đồng bào dân tộc.
9h20
Thủ tướng báo cáo chung về tình hình kinh tế xã hội của đất nước, những mặt đã làm được trong thời gian qua. Cụ thể, trong tháng 10 và tháng 11, kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng 11 tháng tăng 0,6-0,7 %, dư nợ tín dụng cả năm tăng 17%, mặt bằng lãi suất, tỷ giá và thị trường ngoại hối tiếp tục ổn định. Xuất khẩu 11 tháng đạt 149 tỷ USD (tăng 8,5%); vốn FDI thực hiện 13,2 tỷ USD (tăng 17%), thu ngân sách ước đạt 94,1% dự toán (tăng 8,3%) chi ngân sách 88,4% dự toán (tăng 7,4%). Khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 7 triệu lượt.
An sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo, tạo việc làm cho 1,5 triệu lao động (tăng 2,8%), các lĩnh vực văn hóa, môi trường, an toàn, an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực. “Chúng ta đạt được các mục tiêu Quốc hội đề ra. Chính phủ sẽ nỗ lực tập trung để đạt mức cao nhất, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt trên 6,5%, khẩn trương triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ngay ngày đầu 2016″, Thủ tướng nói.
Chính phủ cũng huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội và khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa các đơn vị sự nghiệp công và ngoài công lập. Nhà nước cũng tạo môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi và quản lý, điều hành bằng pháp luật, kiểm soát tốt độc quyền kinh doanh, đặt doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong kinh tế thị trường và thực hiện nhiệm vụ do nhà nước giao. Chính phủ cũng có nhiều chính sách phát triển đồng bộ văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục. Nền hành chính công cũng được thay đổi đáp ứng yêu cầu của người dân.
Liên quan đến việc triển khai chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc vì sự phát triển bền vững, Thủ tướng cho biết, trong phiên họp đại hội đồng Liên Hợp Quốc tháng 9/2015, Việt Nam được đánh giá là một trong 6 quốc gia hoàn thành trước thời hạn và là điểm sáng của việc hoàn thành mục tiêu giảm nghèo, trong khi mục tiêu này vẫn còn là thách thức lớn của toàn cầu. Việt Nam cũng đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học, đạt được bình đẳng giới, giảm tử vong bà mẹ, trẻ em, kiểm soát sốt rét và bệnh lao…
Theo Thủ tướng, chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc có 17 mục tiêu: xóa nghèo dưới mọi hình thức, xóa đói và bảo đảm an ninh lương thực, bảo đảm sức khỏe và sống khỏe mạnh cho mọi người, bảo đảm chất lượng giáo dục công bằng toàn diện và cơ hội học tập suốt đời, bảo đảm bình đẳng giới, bảo đảm nước sạch, năng lượng sách, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, xây dựng cộng đồng dân cư an toàn, sản xuất tiêu dùng có trách nhiệm, ứng phó với biến đổi khí hậu… Những mục tiêu trên là khát vọng chung của toàn nhân loại về thế giới hòa bình, không có chiến tranh…, cũng là khát vọng của Việt Nam về một đất nước phát triển nhanh, bền vững, dân giàu, nước mạnh, công bằng, văn minh.
Với tinh thần đó, Chính phủ sẽ xây dựng chương trình tổng thể cho giai đoạn 15 năm, kế hoạch hành động 5 năm và hàng năm, trong đó xác định những mục tiêu ưu tiên, những trọng tâm, trọng điểm theo lộ trình phù hợp. “Chúng ta sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn thành chương trình nghị sự này của Liên Hợp Quốc phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam”, Thủ tướng nói.
9h00
Dù còn nhiều câu hỏi gửi tới các bộ trưởng, trưởng ngành, nhưng do số lượng chất vấn dành cho Thủ tướng nhiều nên Quốc hội đã dành thời lượng để người đứng đầu Chính phủ báo cáo và trả lời chất vấn trực tiếp của đại biểu. Thời gian đăng đàn của Thủ tướng vì thế sớm hơn kế hoạch một tiếng.
thutuong1-7786-1447812806
Thủ tướng trả lời chất vấn. Ảnh: Giang Huy.
Hai ngày qua, 18 đại biểu với 27 câu hỏi chất vấn trực tiếp về những vấn đề quan trọng của đất nước như chủ quyền lãnh thổ, tham nhũng, lãng phí, hàng giả, hàng nhái, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… đã được gửi đến Thủ tướng.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề: Cử tri đề nghị không vay tiền và không nhận viện trợ từ Trung Quốc, ít nhất là trong thời điểm này bởi Trung Quốc đang tranh chấp, thậm chí là chiếm lãnh thổ của Việt Nam, đe dọa tiếp tục chiếm nhiều hơn. Nhận viện trợ hay vay vốn ODA của Trung Quốc cho dù rẻ thì sau này có kiện để đòi lãnh thổ được không? “Nếu trưng cầu ý dân, tôi tin đa số nhân dân sẽ không đồng ý nhận viện trợ hay vay tiền từ Trung Quốc vì còn nhiều nguồn khác để vay”, ông nói.
Cho rằng lãng phí là “kẻ thù khó tiêu diệt nhất”, đại biểu Bùi Thị An đề nghị Thủ tướng cho biết năm 2016 dự kiến tiết kiệm được bao nhiêu tỷ trong vấn đề chống lãng phí? Bà An cũng đặc biệt lo lắng trước tình trạng trên bảo dưới không nghe, Thủ tướng chỉ đạo một đằng, địa phương làm một nẻo. “Đề nghị Thủ tướng đánh giá thứ tự việc thực hiện kỷ cương phép nước của các địa phương, bộ ngành”, nữ đại biểu Hà Nội đề nghị.

Thông báo tuyển trực tiếp xuất khẩu lao động Nhật Bản

Tuyển dụng xuất khẩu lao động Đài loan

comments

Nội dung liên quan