Biểu tình rầm rộ ở Montenegro phản đối gia nhập NATO

Chỉ ngay sau khi nỗ lực của Chính phủ Montenegro nhằm gia nhập Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được “bật đèn xanh”, hàng nghìn người dân nước này đã đổ ra đường phố thủ đô để phản đối và nhắc lại cuộc tấn công của khối này vào Montenegro năm 1999.

biểu tình

Người biểu tình giơ cao khẩu hiệu phản đối gia nhập NATO (Nguồn: AP)

Cựu Tổng thống Montenegro Momir Bulatovic cùng các thủ lĩnh phe đối lập đã kêu gọi tuần hành bắt đầu từ ngày 12/12 ở Podgorica – thủ đô của nước này. Họ đã nhận được sự ủng hộ của 5.000 người, tập trung bên ngoài tòa nhà Quốc hội. Những người biểu tình hòa bình mang theo quốc kỳ, cùng các biểu ngữ ủng hộ nước Nga.

“Không thể xóa đi những hành động đó mà không có một lời xin lỗi nào” – Hãng Sputnik dẫn lời ông Bulatovic, ám chỉ cuộc tấn công của NATO hồi năm 1999. Ông nói thêm: “NATO chỉ đơn giản là muốn thêm một vài binh sỹ chống lại nước Nga mà thôi”.

Phát biểu trước đám đông người biểu tình, thủ lĩnh Đảng Dân chủ Serbia mới đối lập, Andrija Madic, nêu rõ nếu Quốc hội cố tình thông qua quyết định gia nhập NATO mà không tiến hành trưng cầu ý dân, chắc chắn Montenegro sẽ bị đẩy tới bờ vực của một cuộc xung đột nghiêm trọng.

Những người biểu tình hô vang biểu ngữ “nước Nga” và “Không chiến tranh, không NATO”. Một số người còn mang theo bức ảnh chụp 6 thường dân từng bị thiệt mạng trong các cuộc không kích của NATO tại ngôi làng Murino của nước này hồi tháng 5-1999. Cho đến nay, sự việc đó vẫn khiến người dân nước này bức xúc, trong khi NATO chưa hề đưa ra lời xin lỗi nào.

Cuộc biểu tình rầm rộ diễn ra sau khi NATO đưa ra đề nghị trao tư cách thành viên cho Montenegro hôm 2-12 vừa qua trong một hội nghị thượng đỉnh. Tiến trình này được thúc đẩy bởi đương kim Tổng thống Milo Djukanovic, người có tư tưởng thân phương Tây. Montenegro từ năm 2006 đã bắt đầu tiến trình hội nhập vào các cấu trúc của EU và NATO.

Theo kết quả một bản khảo sát mới đây do Trung tâm nghiên cứu Dân chủ và Nhân quyền có trụ sở ở Podgorica thực hiện, có 37% người dân nước này phản đối việc nước này trở thành thành viên NATO, 36% người ủng hộ trong tổng số dân 600.000 người.

Trước đó, hồi đầu tháng 10, một cuộc biểu tình phản đối việc gia nhập NATO cũng đã diễn ra ở thủ đô của Montenegro, trong đó đoàn người biểu tình trên 5.000 người đã có cuộc xô xát với phía cảnh sát trong lúc yêu cầu Tổng thống Djukanovic từ chức vì quan điểm của ông.

Việc Montenegro được NATO “bật đèn xanh” trở thành thành viên của khối liên minh này được cho là động thái nhằm vào nước Nga. Trong những năm gần đây, NATO luôn tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng của tổ chức này về phía Đông. Nga còn nghi ngại rằng, những gì họ đang chứng kiến là hành động xâm lấn biên giới của mình, nói rằng NATO đang ngày càng trở thành một mối đe dọa quân sự đối với an ninh của nước Nga.

Bất đồng sâu sắc giữa Nga và NATO đã bắt đầu gia tăng kể từ hồi năm ngoái, sau khi Ukraine trải qua một làn sóng biểu tình bạo lực khiến chính phủ được bầu chọn của nước này bị lật đổ và bị thay thế bởi chính phủ thân phương Tây. Kể từ đó, chính quyền Kiev mới coi việc gia nhập NATO là một trong những mục tiêu chiến lược của họ, nói rằng họ cần sự bảo vệ do bị Nga đe dọa.

NATO liên tục cáo buộc Nga ngầm ủng hộ lực lượng ly khai ở Ukraine, cùng sự kiện Crimea trở về thành một phần của Nga. Như một hành động đáp trả, NATO ngày càng tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực Đông Âu và Baltic, với lý do cần phải bảo vệ các nước đồng minh như Ba Lan, Latvia, Lithuania và Estonia khỏi cái mà họ gọi là sự hung hăng của Nga. Về phần minh, Moscow cho hay họ xem các hành động trên là hiếu chiến và khiêu khích.

Khánh Duy

 

comments

Nội dung liên quan