43 lao động Việt Nam ở Nhật không bị ngược đãi

Đại sứ quán xác định lao động Việt ở Nhật không bị ngược đãi

Đại diện Việt Nam đã trao đổi với các lao động Việt và xác định các điểm không chính xác trong thông tin 43 lao động Việt bị chèn ép tại công ty Nhật.

lao-dong-nhat-ban

Các lao động Việt tại công ty Sennai.

Liên quan đến thông tin trên mạng gây xôn xao dư luận, xuất phát từ đơn đề nghị giúp đỡ mà lao động Nguyễn Quang Hưng gửi đến Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản ngày 15/3, cho rằng 43 lao động Việt Nam tại nhà máy Seinan tỉnh Iwate bị công ty Nhật Bản chèn ép, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản chiều ngày 18/3 đã trực tiếp đến nhà máy Seinan, tỉnh Iwate để kiểm tra tình hình thực tế.

Tại đây, đại diện sứ quán Việt Nam đã gặp gỡ, trao đổi và kiểm tra các điều kiện sinh hoạt, làm việc hiện tại của các lao động Việt Nam tại Seinan. Trước hết, con số 43 lao động Việt Nam đang làm việc tại Seinan đang lan truyền trên mạng là không chính xác.

Hiện tại, nếu không tính lao động Nguyễn Quang Hưng, tổng số lao động Việt Nam tại nhà máy này là 8 người. Trong đơn đề nghị giúp đỡ, lao động Nguyễn Quang Hưng cũng nói rõ 43 người là số người cùng ăn trưa, trong đó bao gồm cả người Việt Nam và Nhật Bản.

Thu nhập và điều kiện làm việc

Về lịch trình sinh hoạt và làm việc, 8 lao động Việt Nam còn lại cho biết buổi sáng họ dậy sớm tập thể dục, chạy bộ rèn luyện sức khỏe, làm việc từ 8h đến 17h, trong đó nghỉ trưa một tiếng từ 12h15 đến 13h15, buổi chiều nghỉ giải lao 15 phút từ 15h15 đến 15h30, sau đó làm thêm hai tiếng đến 19h. Sau khi kết thúc công việc, họ nghỉ ăn tối và tham gia học tiếng Nhật trong ký túc xá do người Nhật dạy tình nguyện.

Về chế độ nghỉ lễ, các lao động Việt Nam khẳng định họ được nghỉ chủ nhật và ngày lễ của Nhật.

Đề cập đến vấn đề thu nhập, các lao động Việt Nam cho biết tổng thu nhập hàng tháng là hơn 200.000 yen (khoảng 40 triệu VND). Sau khi trừ chi phí tiền nhà, gas, điện, nước, bảo hiểm…, các lao động còn giữ lại khoảng 100.000 – 120.000 yen (từ 20 – 24 triệu VND) trong tài khoản.

8 lao động Việt tại Seinan cho biết họ hài lòng với điều kiện làm việc, công việc, sinh hoạt hiện tại. Về trang thiết bị lao động, theo quy định của công ty, cả người Nhật và lao động Việt đều phải tự trang bị đồ bảo hộ lao động gồm: mũ bảo hộ, ủng, khẩu trang. Các lao động cho biết chi phí mua các vật dụng bảo hộ này cũng không quá cao nên các em đều tự mua và chấp nhận việc này.

Đề cập đến nơi ở, theo các lao động Việt Nam, công ty Seinan bố trí cho họ ở tại ký túc trong khuôn viên nhà máy. Khu nhà đã xây khoảng 40 năm trước. Các lao động ở trên tầng hai của ngôi nhà với phòng ở rộng khoảng 25m2, trong đó có một tủ lạnh, một lò sưởi ấm. Có 4 giường đôi cho 8 người ở.

Bên cạnh đó, có một phòng khoảng 50m2 là nơi sinh hoạt chung dùng cho việc học tiếng Nhật và ăn uống. Công ty cho phép họ sử dụng phòng 50 m2 này để ở, tuy nhiên, các lao động Việt muốn ở tập trung một chỗ cho tiện sinh hoạt.

Dưới tầng một toà nhà có một phòng tắm tập thể, trong đó có một máy giặt và máy đun nước nóng được công ty cấp miễn phí. Cạnh phòng tắm có nhà vệ sinh đã cũ và xuống cấp. Công ty đã lưu ý nhắc nhở các lao động không sử dụng nhà vệ sinh này, thay vào đó sử dụng nhà vệ sinh mới trong xưởng làm việc, cách ký túc khoảng 100 m. Tuy nhiên, để tiện cho việc vệ sinh cá nhân nên đôi khi các lao động vẫn tự ý sử dụng nhà vệ sinh cũ.

Liên quan đến việc khấu trừ tiền nhà, theo phản ánh của 8 lao động Việt Nam, trước khi sang Nhật Bản, họ đã được nghe giải thích là sẽ phải tự chịu tiền nhà và phí sinh hoạt gas, điện, nước…nhưng không rõ mức cụ thể là bao nhiêu.

Trong khi đó, đại diện công ty giải thích, theo quy định của Tổng công ty Freesia, tất cả lao động Việt Nam gồm 33 người (bao gồm cả lao động ở tỉnh Akita và Tokyo) được công ty bảo lãnh sang Nhật ngày 17/9/2015, đều bị áp dụng mức trừ tiền nhà hàng tháng là 39.000 yen (khoảng 8 triệu VND) và tiền gas, điện nước là 8.000 yen (khoảg 1,6 triệu VND).

Trong 39.000 yen tiền nhà, công ty chỉ thu 25.000 yen/người/tháng (5 triệu VND), còn lại 14.000 yen, công ty giữ giúp các lao động trong thời gian một năm, để sau một năm các lao động muốn tự thuê nhà sẽ dùng số tiền tiết kiệm đó làm tiền đặt cọc thuê nhà. Theo thông lệ, trong việc thuê nhà ở Nhật Bản, người thuê thường phải đặt cọc hai tháng tiền thuê nhà và một tháng tiền lễ, một tháng tiền môi giới cho chủ nhà và công ty môi giới thuê nhà. Ngoài ra, đối với người nước ngoài còn phải có một người Nhật hoặc pháp nhân Nhật Bản đứng ra làm người bảo lãnh.

Bữa ăn

Đối với khẩu phần ăn uống, các lao động Việt Nam cho biết, mỗi ngày các em đóng 500 yen tiền ăn, công ty cung cấp bữa ăn trưa và tối. Cả hai bữa đều nấu ở công ty (vì công ty ngay cạnh khu nhà ở ký túc xá).

Theo phản ánh của công ty và lao động Việt, bữa trưa của các lao động thay đổi theo thực đơn hàng ngày, người Nhật đi chợ mua đồ ăn, sau đó một lao động Việt Nam và một người Nhật cùng chuẩn bị bữa ăn hàng ngày. Họ có thể ăn thịt, cá, trứng và các thực phẩm khác theo nhu cầu, chứ không bị cấm đoán.

Số tiền 500 yen hàng ngày được dùng để mua thức ăn, số dư còn lại được sử dụng để họ liên hoan trong những dịp tụ tập đông. Công ty không can thiệp vào khoản tiền này. Theo các lao động, khẩu phần ăn bữa trưa hàng ngày đảm bảo và phù hợp. Tuy nhiên, các lao động cũng thừa nhận ban đầu chưa quen ăn gạo lức nên thấy không hợp khẩu vị. Hiện tại, các em đã quen với thực đơn này và thấy bình thường.

Các lao động Việt Nam cho biết công ty thỉnh thoảng tổ chức cho các lao động Việt đi Tokyo để họp toàn công ty gồm cả người Nhật và Việt, chi phí đi lại tàu Shinkansen do công ty trả. Trong lúc người Nhật họp, các lao động Việt Nam tham dự hoặc có thể học tiếng Nhật. Ngoài các vấn đề nói trên, công ty cũng tổ chức cho các lao động tham gia vào các lễ hội, tham quan trong dịp nghỉ lễ tại địa phương.

Khi đề cập đến lao động Nguyễn Quang Hưng, người đã gửi đơn đề nghị giúp đỡ đến sứ quán, 8 lao động Việt Nam cho biết anh Hưng sống cùng nhưng không hoà nhập với tập thể và các lao động khác. Đại diện công ty cho biết sau khi đến nhà máy, do thời tiết lạnh nên anh Hưng đã đề nghị công ty cho chuyển sang nhà máy khác.

Trong công việc, anh Hưng cũng không có sự chủ động, tự giác trong công việc mà phải nghe sự nhắc nhở của người Nhật làm cùng thì mới làm việc. Anh Hưng cũng không chịu khó học tiếng Nhật để làm tốt công việc được giao. Từ ngày 1/3, công ty thông báo chấm dứt hợp đồng lao động Nguyễn Quang Hưng và cho về nước. Đến ngày 14/3, công ty đã có quyết định chính thức, nên anh Hưng đã rời khỏi nhà máy Seinan đi đến ở trung tâm của Tổng Công ty Freesia ở Tokyo để tiếp tục giải quyết.

Sau khi xem xét thực tế tình hình và trao đổi với người lao động, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã trao đổi với công ty Seinan và Tổng công ty Freesia House cho rằng việc trừ tiền thuê nhà theo mức chung với toàn bộ số lao động nói trên là không phù hợp mà phải theo điều kiện thực tế ngôi nhà và địa phương.

Đại diện Đại sứ quán đề nghị công ty xem xét để đưa ra mức tiền nhà phù hợp hơn cũng như cải thiện các điều kiện nhà ở cho người lao động. Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho biết sẽ tiếp tục làm việc với công ty về các vấn đề trên để đảm bảo quyền lợi phù hợp cho người lao động.

Thông báo tuyển trực tiếp xuất khẩu lao động Nhật Bản

Thông báo tuyển dụng trực tiếp xuất khẩu lao động Đài Loan

comments

Nội dung liên quan