ĐH Kinh doanh và Công nghệ được tuyển sinh ngành Dược

Đoàn kiểm tra liên bộ Giáo dục, Y tế đồng ý cho Đại học Kinh doanh và Công nghệ tuyển sinh đào tạo ngành Dược học từ năm 2016 nếu thực hiện xong hợp đồng mua bán thiết bị đã ký trị giá 23 tỷ đồng.
5 chuyên gia kiểm tra điều kiện đào tạo y dược ở ĐH Kinh doanh Công nghệ
5 chuyên gia kiểm tra điều kiện đào tạo y dược ở ĐH Kinh doanh Công nghệ
Tại buổi họp báo chiều 28/12, đại diện liên bộ Giáo dục, Y tế cho biết, sau khi kiểm tra điều kiện đào tạo ngành Y Dược tại Đại học Kinh doanh và Công nghệ, hai bộ thống nhất đồng ý để trường đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo ngành Dược học từ năm 2016 nếu thực hiện xong hợp đồng mua bán thiết bị đã ký trị giá 23 tỷ đồng, bổ sung tối thiểu một thạc sĩ môn Phân tích kiểm nghiệm và báo cáo hai bộ.

Đối với ngành Y đa khoa, hai bộ Giáo dục và Y tế sẽ xem xét cho phép trường đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh sau khi bổ sung đội ngũ, trong đó có một tiến sĩ sản khoa, 6 giảng viên cơ hữu đúng chuyên ngành của 6 môn học và thực hiện các hợp đồng mua bán trang thiết bị đã ký trị giá 11 tỷ đồng.

Liên bộ đề nghị trường khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để sớm công nhận phân hiệu của trường tại Từ Sơn (Bắc Ninh).


Cơ cở đào tạo của Đại học Kinh doanh và Công nghệ ở Từ Sơn (Bắc Ninh). Ảnh: Bá Đô.
Đại diện hai bộ cho biết, sau khi kiểm tra điều kiện của Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tại khu đô thị Đền Đô (thị trấn Từ Sơn, Bắc Ninh) ngày 23/12, đoàn kết luận: Trường đã bổ sung cơ sở vật chất và đội ngũ theo góp ý của các thành viên trong Đoàn thẩm định liên ngành tại biên bản ngày 5/10.

Về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho đào tạo ngành Y của Đại học Kinh doanh và Công nghệ đã đảm bảo được yêu cầu tối thiểu của chương trình đào tạo; còn thiếu một số thiết bị thực hành, thí nghiệm. Nhà trường phải bổ sung danh mục thiết bị theo hợp đồng mua bán trị giá 11 tỷ đồng và giao hàng tháng 1/2016.

Đội ngũ giảng viên ngành y có 34 người trình độ thạc sĩ trở lên trên 56 giảng viên cơ hữu, trong đó 23 tiến sĩ và 11 thạc sĩ; 10 chuyên khoa I và 12 chuyên khoa II. Hiện trường thiếu một tiến sĩ sản khoa và 6 môn học chưa có giảng viên cơ hữu đúng chuyên ngành là Chẩn đoán hình ảnh, Truyền nhiễm, Tâm thần, Ký sinh trùng, Sinh lý bệnh miễn dịch, Mô phôi.

Ngành Dược học có 20 giảng viên trình độ tiến sĩ, thạc sĩ; 2 chuyên khoa I; một chuyên khoa II. Hiện trường còn thiếu giảng viên chuyên ngành dạy môn Phân tích kiểm nghiệm. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho đào tạo ngành Dược học cơ bản đảm bảo theo yêu cầu của chương trình đào tạo, còn thiếu một số trang thiết bị. Trường cần bổ sung danh mục thiết bị theo hợp đồng mua bán 23 tỷ đồng và giao hàng trước ngày 22/2/2016.

Về cơ sở thực hành, trường có đủ bệnh viện đa khoa đảm bảo yêu cầu thực hành, thực tập của sinh viên, có hướng dẫn, đánh giá của các giảng viên cơ hữu.

Theo báo cáo của Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, sau khi nghiên cứu, khảo sát nhu cầu xã hội trên địa bàn thủ đô và một số tỉnh đồng bằng sông Hồng về việc chăm sóc sức khoẻ cho cộng đồng, kết hợp với việc tham khảo một số trường đa ngành có đào tạo Y khoa và Dược học của cả nước, trường đã đăng ký mở ngành Y đa khoa và Dược học. Trường đã mời ông Nguyễn Quốc Triệu, nguyên Bộ trưởng Y tế và ông Trịnh Quân Huấn về làm cố vấn.

Trường đã quyết định thành lập khoa Y, mời GS Lê Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Y tế Hà Nội làm trưởng khoa; thành lập khoa Dược, mời GS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Y tế làm trưởng khoa. Đơn vị này cũng đã lập tờ trình và đề án đăng ký mở hai ngành nói trên căn cứ vào các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Y tế.

Ngày 19/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định cho phép Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được phép đào tạo Y đa khoa, Dược học trình độ đại học. Quyết định này gây nhiều tranh cãi bởi một năm trước đó hai bộ Y tế, Giáo dục đã thống nhất không cấp phép đào tạo ngành Y đa khoa, Dược học ở các trường đa ngành không thuộc khối chuyên ngành Y dược.

Lý giải về quyết định này, quyền Vụ trưởng Giáo dục đại học Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết trường đã có quá trình chuẩn bị điều kiện vật chất, nhân lực. Hơn nữa, các đơn vị chức năng của hai Bộ thẩm định thực tế, thấy trường đảm bảo đủ điều kiện giảng dạy.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế lại cho rằng trường chưa đủ điều kiện. 2 ngày trước khi Bộ Giáo dục cấp phép, Bộ Y tế đã có văn bản gửi trường khuyến cáo cần bổ sung, hoàn thiện và làm rõ đội ngũ giảng viên cơ hữu chuyên ngành, cơ sở thực tập tại trường, cơ sở thực hành ngoài trường và sự tham gia của các giảng viên cơ hữu chuyên ngành tại cơ sở thực hành ngoài trường.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam sau đó chỉ đạo hai bộ Y tế, Giáo dục kiểm tra lại các điều kiện thành lập trường.

Tuyển dụng xuất khẩu lao động Đài loan

Thông báo tuyển trực tiếp xuất khẩu lao động Nhật Bản

comments

Nội dung liên quan