Vụ Arab Saudi xử tử một giáo sĩ nổi tiếng đã vấp phải phản ứng dữ dội từ Iran, có nguy cơ khoét sâu mâu thuẫn giữa người Hồi giáo thuộc hai phái Sunni và Shiite trên thế giới.
Giáo sĩ Nimr al-Nimr, người vừa bị Arab Saudi xử tử vì tội “kích động bạo lực”. Ảnh: ABC
Ngày 3/1, Arab Saudi tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran sau khi đại sứ quán nước này ở Tehran bị người biểu tình đốt phá để phản đối việc giáo sĩ Hồi giáo nổi tiếng dòng Shiite Nimr al-Nimr bị xử tử tại Ryadth, làm dấy lên những lo ngại về căng thẳng giáo phái giữa hai cường quốc khu vực Trung Đông, theo Reuters.
Giáo sĩ Nimr al-Nimr bị chặt đầu cuối tuần trước vì bị nhà chức trách Saudi kết tội kích động tín đồ theo đuổi bạo lực, trong khi các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng ông Nimr bị hành quyết vì có những quan điểm chính trị trái ngược với chính quyền Saudi.
46 người khác, trong đó có nhiều người là giáo sĩ, cũng bị xử tử với tội danh theo đuổi tư tưởng cực đoan, tham gia “các tổ chức khủng bố” và thực hiện nhiều “âm mưu phạm pháp”.
Vụ xử tử tập thể này đã ngay lập tức làm dấy lên làn sóng phản đối trong cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite ở Iran, Anh, Pakistan, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều khu vực khác ở Trung Đông. Hàng trăm người biểu tình đã tràn vào đại sứ quán Arab Saudi ở Tehran, phóng hỏa và phá hoại tòa nhà, khiến các nhân viên ngoại giao bên trong phải sơ tán. Iran tuyên bố đã bắt giữ 40 người có hành vi tấn công tòa nhà ngoại giao này bằng bom xăng.
Động thái trên của Tehran không khiến Ryadth hài lòng và ra lệnh cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, yêu cầu các nhân viên ngoại giao Iran và những người có liên quan phải rời khỏi nước này trong vòng 48 giờ, đồng thời khẳng định chính phủ nước này “quyết không cho phép Iran hủy hoại an ninh quốc gia”.
Hành động của Arab Saudi nhận được sự ủng hộ của một số quốc gia trong khu vực, nơi có đông đảo người Hồi giáo dòng Sunni sinh sống. Ngay trong hôm thứ bảy, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain đã tuyên bố “ủng hộ hoàn toàn” đối với bất cứ biện pháp răn đe nào của Arab Saudi nhằm chống lại chủ nghĩa cực đoan và khủng bố.
Đại giáo sĩ Abdulaziz Al Sheikh của Arab Saudi khẳng định những vụ xử tử trên được tiến hành theo luật Hồi giáo và là cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia. Ông này mô tả các vụ chặt đầu, xử bắn là “biện pháp nhân đạo đối với các tù nhân” vì chúng đã cứu họ “khỏi phạm thêm nhiều tội ác và ngăn ngừa bất ổn”.
Tuy nhiên, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei, lãnh tụ tối cao Iran, tuyên bố Arab Saudi sẽ bị “Thượng đế trừng phạt” vì đã xử tử ông Nimr. “Những cái chết oan ức của các giáo sĩ bị đàn áp không sớm thì muộn sẽ phô bày hệ luỵ, các chính trị gia Saudi sẽ chứng kiến đòn trả thù dã man”, ông Khamenei nói. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran ra thông báo hôm chủ nhật khẳng định cái chết của giáo sĩ này sẽ dẫn đến sự “suy vong” của vương triều Arab Saudi và thề sẽ “lật đổ” vương triều “chống đạo Hồi, ủng hộ khủng bố” này.
Đại sứ quán Arab Saudi ở Tehran bị người biểu tình đốt phá. Ảnh: AFP
Vụ hành quyết giáo sĩ Nimr làm dấy lên nỗi lo ngại trong dư luận rằng cuộc xung đột tôn giáo giữa Iran và Arab Saudi cũng như giữa người Hồi giáo dòng Sunni và Shiite trên khắp thế giới sẽ càng trở nên trầm trọng hơn.
Cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng cái chết của giáo sĩ Nimr sẽ thổi bùng ngọn lửa căng thẳng giáo phái ở Trung Đông, và việc hành quyết ông này “không phải là một quyết định khôn ngoan”. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã ra tuyên bố kêu gọi các lãnh đạo Trung Đông có biện pháp xoa dịu căng thẳng trong khu vực, đồng thời nối lại quan hệ ngoại giao để xóa bỏ những bất đồng, theo VOA.
Tại Lebanon, lãnh đạo phong trào Hezbollah Hassan Nasrallah đã cáo buộc Arab Saudi muốn “khoét sâu mâu thuẫn” giữa người Hồi giáo dòng Sunni và Shiite. “Ở Afghanistan, Pakistan, Nigeria, Indonesia, Lebanon, Syria và Iraq, chúng tôi phải quan tâm tới người Saudi mỗi khi có bất cứ vấn đề nào xảy ra giữa người Sunni và Shiite”, ông nói.
Bà Jane Kinninmont, phó chủ nhiệm chương trình Trung Đông tại tổ chức tư vấn Chatham House ở London (Anh) cũng có cùng quan điểm trên, khi cho rằng dù ý định của Arab Saudi khi xử tử giáo sĩ nổi tiếng Nimr là gì đi chăng nữa, người Hồi giáo dòng Shiite sẽ coi đây là một hành động “mang tính khiêu khích” và có thể khoét sâu thêm thù hận, căng thẳng vốn đã lên cao giữa người Sunni và Shiite vì những cuộc xung đột đẫm máu ở Syria, Iraq và Yemen hiện nay.
Theo bà Kinninmont, chính quyền Arab Saudi quyết định xử tử giáo sĩ Nimr nhiều khả năng là để thể hiện quyết tâm chống lại những kẻ chống đối, hơn là khơi mào căng thẳng tôn giáo, bởi ông Nimr là người thường xuyên tổ chức các cuộc biểu tình phản đối và chỉ trích nhà cầm quyền Saudi.
“Trên khắp Trung Đông, gần như chỉ có người Hồi giáo dòng Shiite lên tiếng ủng hộ ông này, và thật không may điều đó càng củng cố niềm tin của không ít người Sunni ở Arab Saudi rằng giáo sĩ Nimr là kẻ phản bội đại diện cho Iran, và chính niềm tin đó đã tạo nên phản ứng phòng thủ tiêu cực trong rất nhiều người dân Saudi”, bà nói.
Chuyên gia phân tích này cho rằng cuộc ganh đua, đối đầu giữa các quốc gia theo dòng Sunni và Shiite như Arab Saudi và Iran đã góp phần tạo nên cuộc xung đột tôn giáo ở khu vực, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) trỗi dậy.
“Cả Arab Saudi và Iran đều góp phần vào tình hình địa chính trị hỗn loạn ở Trung Đông, làm tồi tệ thêm các xu hướng chia rẽ, để lại một di sản xấu trên khắp khu vực”, bà nhấn mạnh.
Theo chuyên gia này, trong thời gian tới, cộng đồng quốc tế cần phải xúc tiến một tiến trình ngoại giao mới để đưa Arab Saudi và Iran ngồi vào bàn đàm phán để “giải quyết những vấn đề phức tạp lớn hơn giữa hai quốc gia”.
“Nếu không làm được điều này, mâu thuẫn giữa Arab Saudi và Iran sẽ càng gieo rắc thêm xung đột ở Trung Đông, khiến phần còn lại của thế giới phải gánh chịu hậu quả với sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố và dòng người tị nạn rất lớn”, bà Kinninmont đánh giá.