Sau vụ Su-24 Nga bị bắn hạ, truyền thông nước này liên tục có những lời lẽ gay gắt, truyền tải hình ảnh tiêu cực về Thổ Nhĩ Kỳ tới người dân trong nước.
Người dân Nga biểu tình bên ngoài đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ bắn rơi Su-24. Ảnh: NYTimes
Truyền thông Nga đã có kẻ thù số một mới: Thổ Nhĩ Kỳ. Các kênh truyền hình của chính phủ Nga đã mô tả Thổ Nhĩ Kỳ như “một sào huyệt khủng bố tài trợ cho phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS)” kể từ khi chiếc Su-24 Nga bị bắn rơi gần biên giới Syria, theo Wall Street Journal.
Nhiều năm qua, truyền thông Nga đã giới thiệu đến người dân hình ảnh Thổ Nhĩ Kỳ là một địa điểm nghỉ mát giá rẻ, có nguồn rau quả, vải vóc phong phú và là một đối tác đáng tin cậy trong các dự án xây dựng.
Nhưng sau khi chiếc Su-24 bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ, đã có sự thay đổi đáng kể trong giọng điệu của truyền thông Nga về đất nước này. Sự kiện đó đã biến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một trong những kẻ thù địa chính trị của Nga, đưa nước này vào tầm ngắm của truyền thông Nga.
“Một quốc gia với danh nghĩa thành viên NATO mà tiếp tay cho khủng bố sẽ khiến cho cả liên minh đó mất uy tín”, theo người dẫn chương trình Vladimir Solovyov của Nga trên kênh quốc gia Rossiya 1.
“Chúng ta giờ đã có thêm một kẻ thù mới bên cạnh mình”, ông Andrei Kolesnikov, chuyên viên cao cấp tại Trung tâm Carnegie Moscow, một tổ chức tư vấn phi chính phủ, tuyên bố. “Một pháo đài càng bị vây hãm sẽ càng trở nên vững chãi để có thể tự bảo vệ mình một cách hiệu quả, tập hợp được nhiều lực lượng quanh nhà lãnh đạo của mình và căm ghét thế giới bên ngoài hơn nữa”.
“Qua vụ việc này, Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt ra một dấu hỏi khiến NATO phải đau đầu: Liệu Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiếp tục là một thành viên của NATO không khi nước này là kẻ tiếp tay dung túng cho khủng bố?” Solovyov phát biểu trên sóng truyền hình vào ngày 25/11, một ngày sau vụ bắn hạ máy bay.
Cũng trên kênh Rossiya 1, người dẫn chương trình Dmitry Kiselyov đã dành phần lớn chương trình tin tức hàng tuần của mình để truyền đi thông điệp nổi bật là Thổ Nhĩ Kỳ không phải như mọi người vẫn nghĩ.
Một loạt các thông tin trong chương trình đó đã mô tả đất nước Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan là hậu thuẫn cho IS, công khai cho phép liên lạc với chiến binh jihad, xuất khẩu nông sản hỏng có thể gây ung thư cho người Nga, và cố ý mở cửa cho làn sóng người nhập cư vào châu Âu.
Một phần chương trình còn khẳng định con trai của ông Erdogan là Bilal đang kiếm lời từ một thương vụ kinh doanh dầu bí mật để tài trợ cho IS. Một đoạn tin khác lại cho rằng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Grey Wolves – một tổ chức theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Thổ Nhĩ Kỳ, trong cuộc chiến chống lại người Kurd và Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Hôm thứ hai ở Paris, ông Erdogan đã phản bác lại tuyên bố của Nga rằng Thổ Nhĩ Kỳ cấu kết với IS vì dầu mỏ. “Chúng tôi không thể nào chấp nhận cáo buộc cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang mua dầu mỏ từ IS. Chúng tôi không hèn hạ đến nỗi phải giao dịch với những tổ chức khủng bố”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu.
Cảm giác bị phản bội
Trên truyền hình Nga, ông Kiselyov cũng chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ kịch liệt vì không đưa ra lời xin lỗi nào sau vụ bắn rơi máy bay. Kiselyov chỉ ra rằng sau khi một băng đảng ám sát đại sứ Nga ở Tehran năm 1829, vua Iran lúc bấy giờ đã gửi viên kim cương Shah khổng lồ tới Nga để chuộc lỗi. Thời nay có lẽ người ta không làm vậy nhưng việc xin lỗi vẫn là lẽ thường tình, phép lịch sự tối thiểu, Kiselyov khẳng định.
Ông Kiselyov còn buộc tội ông Erdogan có mưu đồ chiếm Crimea, bán đảo mà Nga sáp nhập từ Ukraine hồi năm ngoái, nơi những người Tatar vẫn duy trì mối quan hệ mật thiết với Thổ Nhĩ Kỳ kể từ thời đế quốc Ottoman. “Đối với Erdogan thì Crimea là một giấc mộng đẹp – quả anh đào trang trí trên miếng bánh to là đế quốc Ottoman mới”, ông này nói.
Truyền thông Nga còn cáo buộc ông Erdogan đàn áp phe đối lập, củng cố phe phái của mình, tài trợ cho các nhóm cực hữu để chiến đấu chống lại nước láng giềng và nỗ lực để làm hồi sinh một đế chế đã bị sụp đổ.
Theo ông Gleb Pavlovsky, chuyên gia chính trị và cựu cố vấn của điện Kremlin, cảm giác bị phản bội đã khiến cho Nga trở nên cay nghiệt với Thổ Nhĩ Kỳ. Những nhà bình luận trên truyền hình quốc gia liên tục lặp đi lặp lại lời buộc tội của Putin rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã “đâm một nhát dao sau lưng Nga”.
Tất cả những bản tin gần như hàng ngày trên truyền hình đã truyền tải một thông điệp rõ ràng với người dân Nga rằng Thổ Nhĩ Kỳ giờ là vùng đất cấm, theo giới phân tích.
“Đối với người Nga thì Thổ Nhĩ Kỳ không còn như trước. Có những thứ quan trọng hơn nhiều so với bãi biển đầy nắng và tour du lịch trọn gói. Giờ đây nó đầy rẫy hiểm họa khôn lường”, Kiselyov tuyên bố trong bản tin hôm chủ nhật.