Chiến tranh, xung đột ngày càng tăng ở Trung Đông đang tạo ra một lực đẩy khổng lồ đối với sự phát triển và mở rộng của các tập đoàn sản xuất vũ khí Mỹ.
Tên lửa Hellfire được sử dụng rộng rãi trong các cuộc xung đột ở Trung Đông, có thể trang bị cho nhiều loại máy bay chiến đấu, bao gồm cả trực thăng. Ảnh: US Navy
Các tập đoàn sản xuất vũ khí hàng đầu nước Mỹ đang căng mình hoạt động hết tốc lực để đáp ứng nhu cầu tăng vọt đối với các loại vũ khí được sử dụng trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) cũng như những xung đột khác ở Trung Đông, Reuters dẫn lời các quan chức và lãnh đạo trong ngành công nghiệp vũ khí Mỹ cho biết.
Nhu cầu về tên lửa và các loại bom thông minh do Mỹ chế tạo tăng đều đặn kể từ khi chúng được triển khai trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất. Nhưng giờ đây, Mỹ cùng nhiều đồng minh đang phải chạy đua với thời gian để bảo đảm nguồn cung vũ khí ổn định, nhằm phục vụ cho cuộc chiến chống IS được dự báo sẽ kéo dài.
Giới chức Mỹ cho hay dù đã tăng ca và tuyển dụng thêm công nhân, các tập đoàn vũ khí của nước này vẫn gặp không ít khó khăn bởi năng suất giới hạn. Các tập đoàn còn phải mở rộng nhà máy, thậm chí xây dựng phân xưởng mới để chắc chắn rằng vũ khí được cung ứng liên tục.
Vụ tấn công liên hoàn đẫm máu của IS ở thủ đô Paris, Pháp, hồi tháng trước khiến vai trò của những chiến dịch dội bom các mục tiêu khủng bố của liên minh do Mỹ dẫn đầu càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Tính đến ngày 2/12, có tổng cộng 8.605 vụ oanh tạc được triển khai với chi phí ước tính khoảng 5,2 tỷ USD.
Bên cạnh đó, dưới sự hậu thuẫn của Mỹ, một liên minh do Arab Saudi dẫn dắt gồm Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đang tiến hành chiến dịch quân sự đã kéo dài gần 9 tháng với mục tiêu chống lại lực lượng phiến quân do Iran chống lưng ở Yemen.
Các nước vùng Vịnh cũng đang cung cấp những loại vũ khí do Mỹ sản xuất cho phiến quân chống chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến đã kéo dài 4 năm tại quốc gia này.
“Đó là khu vực tăng trưởng khổng lồ đối với chúng tôi”, lãnh đạo của một tập đoàn vũ khí Mỹ nhận định. “Người ta đang tiến hành thảo luận về việc gia tăng nguồn cung vũ khí trong 5 – 10 năm tới. Cuộc chiến chống IS sẽ rất lâu dài”.
Tác động có thể được thấy rõ nét nhất ở thành phố Troy, hạt Pike, bang Alabama, nơi tập đoàn vũ khí Lockheed Martin sản xuất loại tên lửa không đối đất Hellfire tại một nhà máy được canh gác cẩn mật, có diện tích hơn 12.000 m2, bao xung quanh là những cánh rừng và đồng cỏ.
Các công ty môi giới đang tích cực làm đầy thêm nguồn nhân lực dự trữ để đón đầu nhu cầu tuyển dụng nhân viên mới ở nhà máy này.
“Những gì tốt đẹp cho Lockheed thì cũng tốt đẹp cho Troy”, Kathleen Sauer, Chủ tịch Phòng Thương mại hạt Pike, nói.
Theo bà, việc mở rộng sản xuất của Lockheed Martin sẽ hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế địa phương, nơi tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất bang Alabama.
“Hãy nhìn vào khu trung tâm của chúng tôi. Hầu hết các cửa hàng đều đang hoạt động và chúng tôi sẽ chứng kiến thêm nhiều cửa hàng khác khai trương trong thời gian tới”, bà Sauer nói.
Nhà máy của Lockheed Martin đã tăng thêm ca làm việc thứ ba và sử dụng 325 công nhân, theo số liệu tính đến tháng hai. Nhà máy giờ đây đang “hoạt động hết công suất”, một quản lý của Lockheed Martin khẳng định.
Lockheed Martin còn thông báo đến năm 2020 sẽ tuyển dụng thêm 240 công nhân và mở rộng quy mô nhà máy.
Theo Frank Kendall, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm, công nghệ và hậu cần, nhu cầu tên lửa Hellfire đang đặc biệt cao. Với giá 60.000 – 100.000 USD/quả, chúng khá rẻ so với nhiều loại tên lửa khác và có thể phóng đi từ bất cứ máy bay hay tàu chiến nào nhằm phá hủy các xe bọc thép hoặc làm sập nát các tòa nhà.
Ông Kendall và các quan chức cấp cao khác tiết lộ họ còn đang làm việc với các tập đoàn vũ khí như Lockheed Martin, Raytheon và Boeing để thúc đẩy tiến độ sản xuất các loại đạn dược chính xác và gia tăng công suất.
Doanh thu tăng vọt
Các cổ phiếu ngành công nghiệp quốc phòng đã có mức tăng mạnh mẽ trong những tháng gần đây dựa trên kỳ vọng kết quả kinh doanh tốt hơn, trong đó, nhiều cổ phiếu có bước nhảy vọt sau cuộc tấn công khủng bố ở Paris.
Doanh thu bán vũ khí cho nước ngoài của Mỹ tăng 36% lên mức 46,6 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2015, so với mức 34 tỷ USD vào cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu bán tên lửa, các loại bom thông minh và đạn dược cho các đồng minh của Mỹ cũng lên mức 6 tỷ USD trong năm tài khóa 2015 so với mức 3,5 tỷ vào năm trước đó.
Chỉ tính riêng năm nay, Mỹ đồng ý bán tên lửa Hellfire cho Hàn Quốc, Pakistan, Arab Saudi, Lebanon, Pháp, Italy và Anh.
Tháng 6/2015, lục quân Mỹ còn yêu cầu Lockheed Martin tăng cường sản xuất tên lửa Hellfire từ 500 quả/tháng lên 650 quả/tháng.
“Có một danh sách các nước quan trọng đang chờ mua tên lửa Hellfire nhưng họ không thể sản xuất kịp”, một quan chức ngoại giao Mỹ giấu tên nói.
Lockheed Martin trong khi đó từ chối cung cấp bất cứ chi tiết nào về biện pháp đáp ứng nhu cầu đang ngày càng tăng đối với tên lửa Hellfire và các loại đạn dược khác.
Ngoài các thương vụ bán vũ khí cho nước ngoài được thực hiện thông qua Bộ Quốc phòng, còn nhiều thương vụ bán vũ khí khác, do Bộ Thương mại giám sát, đang được thương lượng trực tiếp giữa chính quyền các nước và những công ty vũ khí Mỹ. Các tập đoàn vũ khí Mỹ thường không báo cáo những giao dịch như vậy và không phân tách doanh thu của các loại vũ khí cụ thể.
Theo Kendall, một mặt hàng quốc phòng khác đang có nhu cầu cao là bộ công cụ đạn tấn công trực tiếp hỗn hợp (JDAM) của Boeing. Khi được gắn bộ công cụ này, những quả bom không định hướng sẽ biến thành bom thông minh nhờ vào các hệ thống dẫn đường. Bom có gắn JDAM đang được sử dụng nhiều để oanh tạc các mục tiêu IS ở Syria và Iraq.
Bộ Ngoại giao Mỹ tháng trước phê duyệt thương vụ bán 22.000 quả bom gắn JDAM cùng các loại bom chính xác khác cho Arab Saudi với giá 1,29 tỷ USD.
Boeing cho biết từ hồi tháng 7 đã tăng 80% sản lượng hàng ngày của bộ công cụ JDAM ở một nhà máy bên ngoài thành phố St. Louis, bang Missouri, để đáp ứng nhu cầu của quân đội Mỹ và 25 nước khác.
Theo ông Kendall, các tập đoàn vũ khí Mỹ rất cố gắng để thỏa mãn yêu cầu của thị trường nhưng một số nhà máy đã chạm mức công suất tối đa và phải mất nhiều năm họ mới có thể đạt đến công suất cần thiết. Chính phủ Mỹ có thể hỗ trợ chi phí xây dựng nhà máy mới và trang bị máy móc nhưng chỉ đủ khả năng giải quyết trên từng trường hợp cụ thể.
Theo phó đô đốc Joe Rixey, giám đốc Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Lầu Năm Góc, ngành công nghiệp vũ khí Mỹ đang theo kịp nhu cầu nhưng các áp lực thì liên tục gia tăng.
Tập đoàn vũ khí Raytheon hồi tháng 10 thông báo thu nhập từ bán tên lửa chiếm 28% tổng doanh thu, tăng 11% trong quý ba và hứa hẹn sẽ tăng trưởng hơn nữa trong quý 4.
Lockheed Martin và Boeing không cung cấp số liệu về doanh thu bán tên lửa nhưng theo các nhà phân tích, chúng tương đối nhỏ song đang có chiều hướng tăng mạnh.
Tăng trưởng dài hạn về nhu cầu vũ khí được kỳ vọng còn giúp nâng cao doanh thu cho các nhà cung cấp quan trọng khác như Orbital ATK và Aerojet Rocketdyne Holdings Inc, hai doanh nghiệp sản xuất hệ thống đẩy cho nhiều loại tên lửa.
Tướng Mark Welsh, Tham mưu trưởng không quân Mỹ, nhấn mạnh quân đội nước này đã gia tăng đơn hàng trong những năm gần đây để bổ sung và mở rộng kho dự trữ vũ khí. Ông cho rằng Washington nên khuyến khích các đồng minh làm điều tương tự.
“Chúng ta phải làm tốt hơn trong việc hoạch định trước nguồn đạn dược vì chúng rất đắt và ta không thể xây dựng một cơ sở công nghiệp chỉ trong một đêm để sản xuất chúng”, ông Welsh phát biểu tại tổ chức tư vấn Hội đồng Ấn Độ Dương ở Washington.
Theo Reuters, đối với các thị trấn và thành phố Mỹ có nền kinh tế phụ thuộc vào ngành công nghiệp vũ khí, tăng trưởng doanh thu thực sự là một tin tức tốt lành dù điều này có nghĩa các cuộc xung đột, chiến tranh trên thế giới đang gia tăng.
Một mục tiêu của IS ở thị trấn Kobani, Syria, bị máy bay Mỹ oanh tạc. Ảnh: Reuters