Nhật Bản xâu chuỗi tên lửa trên 200 đảo đối phó Trung Quốc

Nguồn tin quân sự và chính phủ Nhật Bản cho biết Tokyo đang ra sức củng cố hệ thống phòng thủ và hạ tầng ở các đảo xa trên biển Hoa Đông, nơi nước này và Trung Quốc vẫn tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Nhật ngưng dịch chuyển căn cứ không quân Mỹ về đảo Okinawa

Nhật bảo vệ đảo biên giới, tránh Trung Quốc dòm ngó

Theo một số nguồn tin nội bộ của Reuters, Tokyo đang tìm cách xâu chuỗi các hệ thống tên lửa chống hạm và chống máy bay dọc 200 hòn đảo ở biển Hoa Đông, trải dài trên phạm vi 1.400 km từ thềm lục địa Nhật Bản tới giáp lãnh thổ Đài Loan.

Các nhà hoạch định quân sự và chính sách của chính phủ Nhật Bản tiết lộ mục tiêu chính của Thủ tướng Shinzo Abe khi tăng cường sức mạnh quân đội bao gồm cả một chiến lược thống trị trên biển và trên không xung quanh các đảo xa, từ đó kiềm chế sự ảnh hưởng của Trung Quốc.

Một khi chuỗi hệ thống tên lửa nối liền 200 đảo hoàn thành, đây sẽ là rào cản lớn đối với tàu thuyền Trung Quốc muốn đi từ bờ biển phía Đông của họ tới Tây Thái Bình Dương.

lực lượng phòng vệ Nhật Bản

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) diễn tập quân sự trên đảo Eniyabanare. Ảnh: Reuters

 

Nghị sĩ Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) Akihisa Nagashima cho rằng sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và sự suy giảm tương đối của Mỹ là một yếu tố thúc đẩy Nhật Bản chuyển trọng tâm phòng thủ từ đảo Hokkaido ở phía Bắc (do lo ngại Liên Xô và sau là Nga) sang chuỗi đảo phía Tây Nam.

Ông Yosuke Isozaki, từng là cố vấn an ninh cho Thủ tướng Abe, nói thêm Nhật Bản muốn gia tăng lợi thế hàng hải và hàng không để phù hợp với sức mạnh của quân đội Mỹ. Số lượng nhân viên quân sự của Nhật Bản trên các đảo ở biển Hoa Đông sẽ tăng lên khoảng 10.000 người trong vòng 5 năm tới.

Họ sẽ được hỗ trợ bởi lực lượng thủy quân lục chiến, tàu ngầm tàng hình, máy bay chiến đấu F-35, xe chiến đấu đổ bộ và tàu sân bay. Ngoài ra còn có sự hậu thuẫn của Hạm đội 7 Mỹ đóng tại Yokosuka, phía Nam Tokyo.

Trong khi Bắc Kinh gần như hoàn tất công cuộc bồi lấn trái phép các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam), họ cũng đã kịp “vẽ ra” khái niệm gọi là “chuỗi đảo thứ nhất” chạy qua biển Hoa Đông và phía Nam tới Philippines nhằm xác định ranh giới ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc.

“Trong 5 hoặc 6 năm tới, chuỗi đảo đầu tiên sẽ rất quan trọng trong cán cân quân sự giữa Trung Quốc và Nhật Bản – Mỹ” – giáo sư Satoshi Morimoto của Đại học Takushoku, đồng thời là nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản năm 2012, nhận xét.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc trong một email gửi Reuters nói rằng bất kỳ hành động nào của quân đội Nhật Bản cũng dẫn đến sự nghi ngại từ các nước láng giềng. “Chúng tôi kêu gọi Nhật Bản nhìn lịch sử như một tấm gương và hành động nhiều hơn vì lợi ích dựa trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau” – email viết.

Trong khi đó, ông Toshi Yoshihara, giáo sư tại Trường ĐH Chiến tranh hải quân (Mỹ), đánh giá Tokyo có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giới hạn ảnh hưởng của Trung Quốc.

Để tạo điều kiện cho kế hoạch của mình, quân đội Nhật Bản lần đầu tiên đề xuất tăng ngân sách quốc phòng lên 5.000 tỉ yên (40 tỉ USD) vào năm sau.

P.Nghĩa

 

comments

Nội dung liên quan