Ngôi làng Bengkala có lẽ là ngôi làng yên tĩnh nhất trên thế giới vì hơn 3000 cư dân ở đây không nói với nhau câu nào, thay vào đó họ sử dụng một ngôn ngữ ký hiệu của riêng mình để giao tiếp với nhau.
Nhiều người có lẽ sẽ thấy ngạc nhiên và kỳ lạ khi biết ngôn ngữ phổ biến của ngôi làng này là một ngôn ngữ ký hiệu, nhưng đằng sau đó là cả một truyền thống được truyền từ đời này qua đời khác. Bengkala là một ngôi làng xa xôi của người Bali ở Indonesia, nơi hơn 3000 cư dân cùng sử dụng ngôn ngữ ký hiệu độc đáo có từ hàng trăm năm qua, có tên “kata kolok”.
Bengkala là ngôi làng nhỏ xa xôi ở Indonesia với hơn 3000 cư dân sinh sống.
Nguyên nhân chính là do ở Bengkala số lượng người gặp khó khăn về nghe nói là rất lớn. Một loại gen lặn có tên DFNB3 đã tồn tại ở ngôi làng này suốt 7 thế hệ, khiến cho tỷ lệ người câm điếc ở đây cao gấp 15 lần so với trung bình của thế giới. Cha mẹ bình thường có thể sinh ra những đứa con khiếm thính và ngược lại. Tuy nhiên, đối với người dân Benkala, tất cả mọi người đều được đối xử một cách tôn trọng và không hề có bất kỳ sự phân biệt nào.
Trải qua một thời gian dài, ngôn ngữ ký hiệu ở đây đã lấn át việc giao tiếp bằng lời nói một cách rất tự nhiên. Ngay cả những người bình thường cũng biết sử dụng thành thạo ngôn ngữ ký hiệu và không gặp khó khăn nào khi giao tiếp với người khiếm thính. Ở trường, học sinh khiếm thính cùng học với học sinh bình thường, còn giáo viên giảng dạy bằng cả lời nói và ngôn ngữ ký hiệu. Gia đình nào cũng dạy con cái mình “kata kolok” như một ngôn ngữ thứ 2 hay thứ 3, để truyền thống luôn được duy trì.
Thế hệ trẻ ở Bengkala đã bắt đầu được tiếp xúc nhiều hơn với bên ngoài. Những người “kolok” (tên gọi chỉ những người câm điếc) muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn. Chính quyền đang hướng đến việc phát triển du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân và đã có những tiến triển đầu tiên.
Theo Afamily/ Tri Thức Trẻ