Các nước đồng minh thuộc khối NATO ngày 18/12 đã nhất trí cử máy bay chiến đấu và tàu chiến nhằm trợ giúp Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường phòng không dọc biên giới với Syria cũng như giúp ngăn chặn các sự cố bắn rơi máy bay quân sự Nga tương tự xảy ra vào cuối tháng trước.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (phải) và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu (trái) (Ảnh: AP)
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu với Reuters rằng đại diện các nước thành viên NATO đã thông qua kế hoạch trên và giờ là lúc NATO quyết định cử phương tiện nào đến trợ giúp Ankara.
Người đứng đầu khối NATO gọi đây là bước đi mang tính phòng thủ. “Chúng tôi đã nhất trí về gói các giải pháp hỗ trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ trong tình huống nguy hiểm trong khu vực”, Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho hay mặc dù ông né tránh nhắc đến sự can thiệp của Điện Kremlin vào tình hình Syria.
Trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ có lực lượng không quân hùng mạnh, theo các nhà ngoại giao và chuyên gia quân sự NATO, bước đi trên của khối quân sự NATO sẽ nhằm hạn chế tối đa bất cứ rủi ro nào lặp lại sự cố Ankara bắn rơi máy bay Su-24 của Nga hôm 24/11. Đây là sự cố đầu tiên và nghiêm trọng nhất kể từ hồi Chiến tranh Lạnh và đẩy quan hệ Moscow-Ankara rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Điện Kremlin đã đáp trả với việc áp dụng các lệnh trừng phạt.
Theo gói hỗ trợ trên, NATO sẽ cử máy bay tuần tra AWACS, theo ông Stoltenberg mô tả, là nhằm tăng cường khả năng tuần tra trên không và gia tăng sự hiện diện tàu hải quân trong khi máy bay tuần tra vùng biển. Đức và Đan Mạch sẽ phụ trách điều tàu chiến đến miền đông Địa Trung Hải.
Các máy bay tuần tra AWACS sẽ kiểm soát không lưu trong vòng bán kính hơn 400km và trao đổi thông tin qua các đường truyền kỹ thuật số với các tư lệnh trên bộ, trên biển và trên không.
Khi được hỏi liệu gói hỗ trợ trên có kiểm soát không phận Thổ Nhĩ Kỳ một cách thận trọng hơn với những gì mà Ankara đã từng triển khai trong quá khứ hay không, Tổng thư ký NATO Stoltenberg nêu rõ: “Điều này sẽ giúp chúng tôi nắm rõ tình hình tốt hơn, minh bạch hơn, và có thể dự báo tình hình và giúp ổn định tình hình trong khu vực cũng như giảm nhiệt căng thẳng”.
Các nhà ngoại giao phương Tây nhận định Mỹ và khối NATO đang gặp tình huống khó xử trong việc hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ cần làm nhiều hơn nữa để tiêu diệt các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS tại Syria, trong đó có việc phong tỏa một phần biên giới nhằm ngăn chặn các tay súng và những kẻ buôn dầu lậu. Trong khi đó, phương Tây lại hối thúc Ankara tránh các sự cố với Moscow và duy trì tiến trình hòa bình với lực lượng người Kurd ở miền tây nam Thổ Nhĩ Kỳ.
“Chúng tôi quan ngại về việc tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực. NATO có thể sẽ tăng cường tuần tra trên không cho khu vực Baltic nhằm tránh các sự cố và tại nạn tương tự”, ông Stoltenberg nhấn mạnh.
Các nhà ngoại giao NATO cũng bày tỏ lo ngại vì Thổ Nhĩ Kỳ đã tỏ ra quá khiêu khích sau khi không quân nước này bắn rơi máy bay quân sự của Nga vào cuối tháng trước khiến một phi công Nga tử nạn. Điều này đã khiến tình hình leo thang căng thẳng vì sau đó Nga đã triển khai hệ thống phòng không hiện đại S-400 trên lãnh thổ Syria. Hệ thống phòng không có thể tiêu diệt các tên lửa và máy bay chiến đấu trong phạm vi 400km.