Mất lãnh thổ, IS vẫn duy trì vị thế

Dù mất nhiều lãnh thổ trong năm 2015, sức mạnh và ảnh hưởng của IS không suy giảm nhờ kiểm soát được những vị trí chiến lược và đa dạng hóa phương thức hoạt động.

Lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Ảnh: AFP
Tạp chí nghiên cứu quân sự của Anh IHS Jane’s ngày 22/12 cho biết từ đầu năm đến nay, diện tích lãnh thổ do Nhà nước Hồi giáo (IS) kiểm soát giảm 14%, từ 12.800 km2 xuống còn 78.000 km2. Tuy nhiên, con số này không phản ánh sức mạnh cũng như ảnh hưởng của phiến quân trên phạm vi toàn cầu trong năm 2015, theo Le Monde.

Theo bình luận viên Louis Lambert, việc IS đánh mất 14% lãnh thổ kiểm soát không có nhiều ý nghĩa, bởi đây chủ yếu là các hoang mạc không có căn cứ quân sự của phiến quân, ngoại trừ 2 thành phố là Tal Abyad ở biên giới Syria và Baiji ở Iraq.

“Trên thực tế, hai thành phố này đều từng thuộc quyền kiểm soát của dân quân người Kurd, nơi IS không nhận được sự ủng hộ của người dân địa phương. Thất bại tại những vị trí này đã nằm trong dự kiến của các chỉ huy phiến quân, bởi nhóm chưa hề giành được lợi thế quân sự trước lực lượng vũ trang người Kurd được máy bay liên quân yểm trợ trong suốt thời gian dài”, ông Lambert đánh giá.

Thất bại đáng chú ý duy nhất của phiến quân là thành phố Tirkrit, nơi đa số người Hồi giáo Sunni sinh sống và từng là thành trì của của cố tổng thống Iraq Saddam Hussein.

Quân đội Iraq dưới sự yểm trợ của Mỹ và liên quân sắp tái chiếm thành công thành phố chiến lược Ramadi, tuy nhiên ông Lambert cho rằng chiến thắng đó không đồng nghĩa với việc quân chính phủ Iraq có thể làm chủ hoàn toàn tỉnh Anbar, nơi người dân đa số thuộc dòng Hồi giáo Sunni có quan điểm chống đối chính quyền rất quyết liệt.

Bình luận viên Virgine Robert của Les Echos phân tích sức mạnh chính của IS hiện nay nằm ở hai thành phố chiến lược Mossul (Iraq) và Raqqa (Syria), nơi nhóm nhận được sự ủng hộ của người Sunni. Thực tế cho thấy chiến lược phòng thủ của IS ở hai thành phố này tỏ ra rất vững chắc và hiệu quả trước các đợt không kích của cả Nga và liên quân.

“Liên quân cùng các lực lượng đối địch với IS chưa giành được thắng lợi nào mang tính bước ngoặt đe dọa đến sự tồn vong của IS. Về mặt chiến thuật, liên quân đang chiếm ưu thế trên chiến trường, nhưng về chiến lược, IS đã thành công trong mục tiêu giữ vững địa bàn, duy trì ảnh hưởng trên toàn khu vực”, ông Robert khẳng định.

Bù đắp bằng ảnh hưởng ở nước ngoài

Fabrice Balanche, chuyên gia về Syria thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, nhận định rằng việc IS bị mất lãnh thổ tại Trung Đông trong năm 2015 đã được bù đắp bằng sự mở rộng ảnh hưởng ra các nhóm Hồi giáo cực đoan trên các châu lục khác, nơi IS không buộc phải tiến hành các hoạt động tranh giành đất đai và chịu tổn thất lớn về lực lượng.

Trong năm, IS đã di chuyển một phần lực lượng từ Iraq sang Lybia, chiêu mộ và thực hiện thành công các cuộc tấn công ở Tunisia, nhận được cam kết trung thành của các nhóm khủng bố như Boko Haram và chi nhánh Hồi giáo tại tỉnh Sinai, Ai Cập. Ngoài ra, phiến quân cũng đã mở rộng ảnh hưởng ở Afghanistan, Pakistan, Yemen, Saudi Arab, Malaysia và Bangladesh thông qua các nhóm Hồi giáo cực đoan bản địa.

Nhật báo Le Parisien ngày 20/12 nhận định trong năm 2015, hoạt động gieo rắc sợ hãi trên toàn cầu của phiến quân đã đạt đến đỉnh điểm. Trước các cuộc không kích mạnh mẽ của Nga và liên quân, tổ chức này đã không còn quan tâm đến việc tranh giành lãnh thổ mà chuyển trọng tâm sang tấn công các kẻ thù “ở xa”. Chính vì thế việc mất 1/10 lãnh thổ không hề ảnh hưởng đến “sức mạnh” của IS.

Từ cuộc thảm sát ở Paris cho đến vụ xả súng tại San Bernardino, Mỹ, cho thấy IS thực sự đang mở rộng các phương thức hoạt động, khiến thế giới trở nên dễ tổn thương hơn bao giờ hết.

Ông Richard Barrett, phó chủ tịch tổ chức tư vấn Soufan Group ở New York đánh giá điểm khác biệt lớn nhất giữa IS và các tổ chức khủng bố cực đoan trước kia chính là nhóm này có thể huy động các “điệp viên nằm vùng” và những người bản địa có cảm tình với IS tổ chức các cuộc tấn công trong lòng xã hội phương Tây.

Theo ông Robert, trong năm 2015, IS đã bước đầu đi vào hoàn thiện về cơ cấu tổ chức theo hướng “chuyên nghiệp hóa” hơn so với những giai đoạn trước. Các chỉ huy phiến quân đang duy trì một chiến lược hành động kép, theo đó “quân đội” được chia làm hai bộ phận riêng biệt. Lực lượng thứ nhất là “quân đội chính quy” đặt dưới quyền các chỉ huy cao cấp người Iraq, xuất thân là sĩ quan quân đội thời Saddam Hussein, có nhiệm vụ tiến chiếm và bảo vệ lãnh thổ chiếm đóng.

Lực lượng thứ hai là “quân đội dự bị”, sử dụng các phương thức tác chiến riêng biệt, có nhiệm vụ thực hiện các cuộc tấn công khủng bố, đánh bom liều chết, cài bom vào các phương tiện cơ giới…, gieo rắc sợ hãi cho người dân và chính quyền trong khu vực.

“IS vẫn đang trong giai đoạn phát triển mạnh cả về ảnh hưởng và sức mạnh. Nhóm này đang thực sự củng cố được địa bàn, vươn đến các khu vực ‘phương xa’ phi truyền thống”, ông Robert nhận định.

Tuyển dụng xuất khẩu lao động Đài loan

Thông báo tuyển trực tiếp xuất khẩu lao động Nhật Bản

comments

Nội dung liên quan