Các ngư dân Trung Quốc đang cố tình phá hủy những rặng san hô gần một số đảo mà Philippines tuyên bố thuộc chủ quyền của mình. Dưới đây là ghi nhận của ông Rupert Wingfielf-Hayes của hãng BBC.
Theo lời kể của một trường làng trên đảo Palawan (Philippines), hoạt động phá rặng san hô “kéo dài cả ngày lẫn đêm trong nhiều tháng liên tục”. Ông tin rằng đây là hành động cố ý của Trung Quốc, “như thể đang trừng phạt chúng tôi vậy”.
Tàu cá của Trung Quốc neo đậu tại một rặng san hô.
Thoat nghe, đó có thể chỉ là lời của một người có ác cảm với Trung Quốc. Tuy nhiên, khi đến gần đảo Pagasa của Philippines, có thể thấy ít nhất hàng chục thuyền lớn nhỏ đang neo đậu ở gần một bãi san hô gần đó, cát và sỏi nổi lên trên mặt nước.
Sau đó, cùng với một ngư dân người Philippines, nhóm phóng viên BBC đã tiếp cận con tàu của Trung Quốc. “Bọn họ dùng chân vịt tàu để phá san hô”, ngư dân này cho biết. Khi lặn xuống dưới biển, mức độ tàn phá môi trường có thể thấy rất rõ.
Khu vực này đã từng là một rặng san hô rất lớn. Giờ đây, đáy biển chỉ còn hàng triệu nhánh san hộ vụn, trắng xóa và chết dưới đáy biển. Cảnh tượng này kéo dài hàng trăm mét và đâu đâu cũng thấy hàng đống san hô nát vụn bị con người chặt phá. Cả một hệ sinh thái dưới biển đã hoàn toàn bị hủy hoại.
Ngay bên dưới, nhóm phóng viên đã phát hiện hai thợ lặn đang cố gắng kéo một vật rất nặng từ dưới biển. Đó là một con trai khổng lồ, chiều rộng ít nhất khoảng 1m.
Nhiều nhánh san hô chết trắng dưới đáy biển sau khi bị ngư dân Trung Quốc chặt phá.
Nhóm thợ lặn bỏ nó lên một đống sò khác mà họ đã lôi lên từ dưới biển trước đó. Những con trai loại này có thể đã có 100 năm tuổi, và giá thị trường hiện tại của chúng vào khoảng 1.000 đến 2.000 USD một đôi. Những người này không hề tỏ ra sợ hãi khi có camera ghi hình.
Rời khỏi khu vực này và tiến ra xa ngoài khơi, nhóm phóng viên BBC nhìn thấy những con tàu đánh cá lớn, trên boong có hàng trăm vỏ trai không lồ chất thành một đống lớn. Mạn của các tàu này đều ghi tên Tanmen. Đây là cảng Đàm Môn, một trong số những cảng biển của các tàu đánh cá trên đảo Hải Nam (Trung Quốc).
Vào tháng 5/2014, thuyền của cảng Đàm Môn đã bị cảnh sát biển Philippines bắt giữ tại một rặng san hộ có tên là bãi Trăng Khuyết. Trên tàu, các sĩ quan đã phát hiện 500 con rùa biển Hawksbill, phần lớn đều đã chết.
Rùa Hawksbill là một trong những loài đang có nguy cơ tuyệt chủng và được bảo vệ bởi Công ước Buôn bán Quốc tế các Loài Quý hiếm (CITES). Sau đó, tòa án Philippines tuyên án 1 năm tù đối với 9 ngư dân tham gia hoạt động săn bắt loài động vật này.
Ngư dân Trung Quốc không hề tỏ ra sợ hãi khi bị chụp hình.
Bắc Kinh tỏ ra giận dữ trước sự kiện này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu những ngư dân đánh bắt trái phép trên được thả tự do ngay lập tức, đồng thời cáo buộc Philippines “vi phạm chủ quyền của Trung Quốc khi đã bắt giữ tàu và ngư dân của Trung Quốc trên đảo Nam Sa (tên Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa)”.
Tại đảo Pagasa, một sĩ quan lực lượng lính thủy đánh bộ của Philippines cho biết Trung Quốc đã ngày đêm tàn phá các rặng san hô trong vòng 2 năm qua.
Khi các phóng viên BBC hỏi: “Các anh có vũ khí, tại sao không dùng ca nô để đuổi họ đi hoặc bắt giữ họ?”, viên sĩ quan này trả lời: “Việc này quá nguy hiểm. Chúng tôi không muốn gây chiến với Hải quân Trung Quốc”.
Tại sao những ngư dân Trung Quốc này lại tàn phá những rặng san hô trên Biển Đông? Nguyên nhân rất có thể là bởi lòng tham. Vào thời điểm Trung Quốc phát triển kinh tế mạnh mẽ, đánh bắt những loài vật quý hiểm mang lại nhiều tiền hơn cho ngư dân hơn là đánh cá thông thường.
Trong khi đó, hoạt động cải tạo và xây dựng đảo của Trung Quốc ở gần đó cũng đã khiến môi trường biển bị hủy hoại nghiêm trọng. Mới đây, Trung Quốc đã bồi đắp đảo nhân tạo ở bãi đá Vành Khăn, có chiều dài hơn 9km. Điều đó có nghĩa là cả một rặng san hô dài 9km đã bị chặt phá và nay bị chôn vùi dưới hàng tấn lớp cát và sỏi.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo hãng tin BBC của Anh. BBC được thành lập năm 1922. BBC có các chương trình thông tin trên TV, trên đài phát thanh và trên Internet.
Anh Tuấn