Cuộc chiến tranh giành khối tài sản trị giá ước tính tới 17 tỷ USD chứa bên trong một con thuyền chìm dưới đáy biển suốt 300 năm qua được dự báo sẽ vô cùng khốc liệt và dai dẳng.
Một số vật dụng còn sót lại của con thuyền San Jose được tìm thấy. Ảnh: AFP
Colombia hôm 27/11 khẳng định đã phát hiện ra con thuyền buồm San Jose của Tây Ban Nha, chở đầy vàng bạc, đá quý, có giá trị lên tới 17 tỷ USD, bị chìm trên biển Caribbean hơn 300 năm trước. Một cuộc tìm kiếm do Viện Nhân chủng học và Lịch sử phối hợp với hải quân Colombia thực hiện xác định con thuyền hiện nằm ở độ sâu 300m, cách bờ thành phố Cartagena hơn 25km, theo Guardian.
“Tin tức tuyệt vời: Chúng tôi đã tìm thấy thuyền San Jose!”, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos chia sẻ trên Twitter. “Việc phát hiện ra San Jose đánh dấu một cột mốc mang tính lịch sử đối với nền văn minh dưới đáy biển của chúng tôi”, ông Santos hôm 5/12 viết, đồng thời đăng kèm video cho thấy một đội tìm kiếm đang tiến hành rà soát trên biển.
San Jose được biết đến là một trong những con thuyền buồm mang theo lượng hàng hóa có giá trị lớn nhất trong lịch sử hàng hải thế giới. Năm 1708, nó bị một hạm đội của Anh, do Đô đốc Charles Wager dẫn dắt, bắn chìm ngoài khơi Cartagena khi đang trên đường vận chuyển kho báu từ các thuộc địa của Tây Ban Nha ở Nam Phi về nước.
“Chỉ tính riêng giá trị của lượng hàng hóa trên thuyền San Jose cũng đã vượt qua cả thu nhập hàng năm của Tây Ban Nhà tính từ mọi nguồn. Cộng tổng số vàng thỏi và tiền xu trên thuyền, con số còn lớn hơn thu nhập hàng năm của Tây Ban Nha tới hai đến ba lần. Thêm vào đó, nó còn chở cả các mặt hàng thương mại khác như ca cao, chàm, da thú, gỗ quý…”, một tài liệu đăng tải trên mạng viết.
Theo CNN, việc tìm thấy con thuyền ngoài khơi bờ biển Colombia chắc chắn sẽ thổi bùng lên những tranh luân gay gắt quanh câu hỏi khối tài sản khổng lồ này sẽ được phân chia như thế nào. Vấn đề trên cũng chính là tâm điểm của cuộc chiến pháp lý ba bên, bao gồm một công ty Mỹ có trụ sở ở Bellevue, Washington, chính quyền Colombia và Tây Ban Nha.
Cuộc chiến dai dẳng
Năm 1981, Sea Search Armada (SSA), một công ty chuyên về trục vớt dưới đáy biển, tuyên bố xác định được địa điểm thuyền San Jose chìm nhưng cáo buộc chính phủ Colombia tìm cách để “chiếm đoạt trái phép” những phát hiện của họ.
SSA nhiều lần đâm đơn kiện ở cả Mỹ và Colombia, trong đó có hai đơn bị tòa án Mỹ bác bỏ vào năm 2011 và 2015. Tuy nhiên, công ty này cam đoan Tòa án Tối cao Colombia đã phán quyết rằng kho báu trên phải được chia theo tỷ lệ 50/50 giữa SSA và chính quyền Colombia.
Song, trong một cuộc họp báo diễn ra cuối tuần trước, Bộ trưởng Văn hóa Colombia Garces Cordoba lại nói tất cả các thách thức pháp lý đều đã được phân xử theo hướng có lợi cho chính quyền Colombia.
Chính phủ Colombia tuyên bố họ đã giành chiến thắng trong phiên xử ở tòa án quận liên bang, quy định SSA không có quyền hành gì đối với kho báu trên thuyền San Jose. Nhưng, theo Jack Barbeston, giám đốc điều hành SSA, tất cả chỉ là những lời nói dối lặp đi lặp lại.
“Phía Colombia dường như không hề có ý định tốt đẹp gì trong việc thực thi phán quyết của Tòa án Tối cao Colombia để dàn xếp với SSA”, ông Harbeston nói. “Mục đích của họ có lẽ là ngăn chặn SSA thực hiện quyền viếng thăm các tài sản của mình. Việc chính phủ Colombia tước đi quyền sở hữu tài sản của các công dân Mỹ đang trực tiếp vi phạm hiệp định thương mại mà nước này ký với Mỹ”.
Harbeston cho hay Colombia thậm chí còn đe dọa sử dụng sức mạnh quân đội đối với SSA. “Điều này không khác gì hành động của những người Tây Ban Nha đi xâm chiếm Trung và Nam Mỹ khi xưa”, ông nhấn mạnh.
Theo các biên bản của tòa án Mỹ, SSA khẳng định họ là bên đánh dấu được vị trí của thuyền San Jose ở thềm lục địa ngoài khơi bờ biển Colombia vào năm 1981 và chính thức nộp hồ sơ lên chính quyền Colombia một năm sau đó.
Tuy nhiên, phía Colombia đã từ chối trao cho SSA 35% kho báu, phá vỡ một bản thỏa thuận được thống nhất năm 1984, đồng thời có những hành vi ngăn cản công ty Mỹ trục vớt con thuyền dưới đáy biển.
Quốc hội Colombia còn thông qua một luật mới trao cho nước này mọi quyền hành đối với kho báu bên trong thuyền đắm và chỉ chia cho SSA 5% giá trị kho tàng vì đã có công phát hiện ra con thuyền. Số tiền này sau đó cũng bị đánh thuế tới 45%, đơn kiện của SSA có ghi.
Theo SSA, một số tòa án ở Colombia cũng cho rằng luật mới là phi hiến. Tòa án Khu vực Barranquilla còn đưa ra phán quyết rằng kho báu bên trong San Jose sẽ được chia làm hai phần bằng nhau. Tòa án Tối cao Colombia cũng tán thành với cách phân chia này.
Những đồ vật được cho là thuộc về con thuyền đắm. Ảnh: AFP
Bên cạnh đó, chính quyền Tây Ban Nha cũng đang cân nhắc tới việc đòi quyền sở hữu đối với kho báu trên thuyền San Jose. Ông Jose Maria Lasalle, Bộ trưởng Văn hóa Tây Ban Nha, hôm 5/12 lên tiếng nhắc nhở Colombia về “vị thế rõ ràng” của Tây Ban Nha đối với “khối tài sản trong con thuyền chìm”.
Ông cho biết Tây Ban Nha đang kiểm tra các thông tin do Colombia cung cấp trước khi quyết định “nên hành động như thế nào”.
Lasalle đồng thời nhắc tới một vụ việc tương tự khi tàu khu trục nhỏ Nuestra Senora de las Mercedes của Tây Ban Nha bị chiến hạm Anh đánh chìm ngoài khơi phía nam Bồ Đào Nha vào năm 1804.
Năm 2007, xác tàu được phát hiện bởi công ty trục vớt Odyssey Marine Exploration. Họ thu về hơn 500.000 đồng tiền xu bằng vàng và bạc, nặng gần 17 tấn. Khi đó, có tất cả ba bên tham gia tranh chấp, gồm Odyssey, chính quyền Tây Ban Nha và Peru, bên tuyên bố số tài sản trên tàu là kho báu bị đánh cắp của người Inca. Đến năm 2012, vụ việc mới được phân giải khi tòa án Mỹ ra phán quyết tuyên bố Tây Ban Nhà là chủ sở hữu hợp pháp của kho báu.
Tuy nhiên, với lượng tài sản lớn hơn gấp nhiều lần được cho là chứa bên trong San Jose, giới chuyên gia đánh giá cuộc chiến pháp lý liên quan tới số phận của con thuyền này sẽ kéo dài trong rất nhiều năm.
Con thuyền chở kho báu được xác định nằm ở độ sâu 300m, cách bờ thành phố Cartagena hơn 25km. Đồ họa: BBC