‘Mức nhiệt 5,4 độ C ở Hà Đông sáng 24/1 là thấp nhất từ năm 1977 tới nay, Ba Vì chưa bao giờ có tuyết kéo dài như vậy’, ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, trao đổi với VnExpress.
Tuyết rơi trên núi Ba Vì, Hà Nội
– Ông đánh giá thế nào về đợt rét này?
Ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia.
– So với trung bình nhiều năm, rét đậm, rét hại mùa đông 2015-2016 đến hơi muộn. Bình thường đợt rét nhất mùa đông rơi vào cuối tháng 12 sau Noel, nhưng nay phải đến cuối tháng 1 mới có.
Về mức độ, đợt rét này thực sự khốc liệt với hàng loạt kỷ lục được ghi nhận. Nhiệt độ Hà Đông (Hà Nội) lúc 9h sáng 24/1 xuống 5,4 độ C, thấp nhất từ năm 1977 tới nay. Lần đầu tiên đỉnh núi Ba Vì, cách trung tâm thủ đô 60 km, có tuyết rơi kéo dài.
Lần đầu tiên trạm khí tượng Sa Pa (Lào Cai) nhiệt độ xuống -4,2 độ C; trạm Mẫu Sơn (Lạng Sơn) chưa khi nào ghi nhận mức nhiệt -4,4 độ C như 13h trưa 24/1. Tuyết rơi, băng giá xuất hiện khá dày ở hầu khắp các điểm cao.
Năm 2008 miền Bắc từng trải qua đợt rét đậm, rét hại kéo dài 38 ngày từ 13/1 đến 20/2, băng tuyết cũng xuất hiện trên đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn) và Hoàng Liên Sơn (Lào Cai) khi nhiệt độ chỉ còn -2 và -3 độ C. Nhưng Hà Nội khi ấy nền nhiệt vẫn cao hơn bây giờ, đạt 6,7 độ C.
– Vì sao miền Bắc và Bắc Trung Bộ lại rét khốc liệt như vậy?
– Không khí lạnh ở vùng trung tâm Siberia (Nga) tràn qua Trung Quốc đã gây ra đợt rét kỷ lục trong 30 năm qua ở nước này, nhiệt độ thấp nhất xuống gần -48 độ C, phần lớn diện tích đất nước bị băng bao phủ. Khi tràn qua Việt Nam, không khí lạnh đã giảm cường độ do quãng đường di chuyển xa nhưng vẫn gây ra đợt rét khốc liệt ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ.
Cũng phải nói thêm, ngày 31/1/1977, nhiệt độ Hà Nội từng xuống 5,4 độ C, các tỉnh miền núi chắc chắn thấp hơn nữa. Nhưng thời đó người dân không có các thiết bị công nghệ để ghi lại hình ảnh, các trạm đo khí tượng cũng không nhiều như bây giờ để ghi nhận mức nhiệt cụ thể, từ đó có sự đối chiếu chính xác.
– Khả năng băng giá, tuyết rơi những ngày tới thế nào và từ nay đến hết mùa đông còn có bao nhiêu đợt rét đậm, rét hại nữa?
– Mức nhiệt 5,4 độ ở Hà Nội, -4,4 độ ở Mẫu Sơn nhiều khả năng chỉ duy trì hết đêm 24/1, tuyết cũng chỉ rơi hết đêm nay là dứt. Từ mai nhiệt độ nhích lên, nhưng chậm và nhìn chung 2-3 ngày tới miền Bắc vẫn trong ngưỡng rét hại (trung bình ngày từ 13 độ trở xuống), băng giá duy trì. Đến ngày 28-29/1, nhiệt độ tăng lên ngưỡng rét đậm (trung bình ngày từ 15 độ C trở xuống).
Dự báo trong tháng 2 còn 2-3 đợt rét đậm, rét hại nữa, nhưng khả năng lặp lại như đợt kỷ lục lần này rất ít.
Tuyết rơi dày ở xã vùng biên Y Tý (Bát Xát, Lào Cai). Ảnh: Hoàng Phương.
– Đầu mùa cơ quan khí tượng dự báo do ảnh hưởng của El Nino, đông 2015-2016 sẽ ấm áp, nhưng đợt rét này lại khốc liệt. Ông lý giải thế nào về điều này?
– Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và gần nhất là El Nino, thời tiết có những thay đổi cực đoan, bất thường, lúc cực nóng, lúc lại cực lạnh. Thực tế, chúng ta đã trải qua mùa hè 2015 quá nóng và nền nhiệt từ khi lập đông đến giữa tháng 1/2016 đều cao hơn so với trung bình nhiều năm. Chỉ đến những ngày cuối tháng 1, nhiệt độ xuống thấp kỷ lục. Giả sử mức nhiệt này duy trì hết tháng thì trung bình nhiệt độ tháng 1/2016 vẫn bằng và có thể cao hơn so với trung bình nhiều năm. Vì thế, nói mùa đông 2015-2016 ấm là phù hợp với thực tế.
El Nino chi phối khiến hè năm 2015 ghi nhận nhiều bất thường. Hà Nội nóng nhất trong hơn 40 năm với mức nhiệt cao nhất đạt 40,3 độ C; nhiều nơi ở miền Trung xấp xỉ 43 độ C. Vậy nhưng vào ngày 6/7 Sa Pa lại rét 12,7 độ C, các điểm cao khác cũng rất lạnh, như Sìn Hồ (Lai Châu) 16,5 độ C, Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Pha Đin (Sơn La) 17,2 độ C. Điều này cho thấy thời tiết ngày càng biến đổi bất thường, theo hướng cực đoan.