Taliban hôm nay bác bỏ thông tin cho rằng lãnh đạo của nhóm phiến quân này đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin để trao đổi về mối đe dọa chung từ nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS).
Phiến quân Taliban tại tỉnh Farah, Afghanistan. Ảnh: AFP
Theo Reuters, trong một thông cáo, Taliban cho biết đã liên lạc với các nước khác trong khu vực nhưng không thảo luận về việc chống lại IS, nhóm còn được gọi là Daesh theo tiếng Arab.
“Tiểu Vương quốc Arab đã và sẽ tiếp tục liên lạc với nhiều quốc gia trong khu vực để chấm dứt sự chiếm đóng của Mỹ ở quốc gia của chúng tôi và chúng tôi xem đây là quyền hợp pháp của chúng tôi”, nhóm này nói, dùng tên chính thức của mình. “Nhưng chúng tôi không nhận thấy sự cần thiết phải nhận hỗ trợ từ bất kỳ ai đang lo ngại về cái gọi là Daesh và cũng không liên lạc hay trao đổi với bất kỳ ai về vấn đề này”.
Tờ Sunday Times của Anh tuần này dẫn lời một “chỉ huy Taliban cấp cao” giấu tên nói rằng ông Putin đã gặp lãnh đạo nhóm này là Mullah Akhtar Mansour hồi tháng 9 để trao đổi về sự ủng hộ của Nga với Taliban.
“Ông Putin được cho là đã ăn tối với Mansour trong một cuộc gặp vào lúc tối muộn ở căn cứ quân sự tại Tajikistan hồi tháng 9”, tờ báo viết. Tuy nhiên, phát ngôn viên điện Kremlin cho biết thông tin này là “không liên quan”.
Mansour từ lâu giữ vị trí phó thủ lĩnh bên cạnh kẻ sáng lập Taliban là Mullah Mohammad Omar. Hồi tháng 7, Mansour đảm nhận vai trò lãnh đạo phong trào sau khi tuyên bố Omar đã chết từ hơn hai năm trước và chuyện này được giấu kín.
Tuần trước, một quan chức cấp cao của Nga cũng nói rằng lợi ích của Moscow “trùng hợp khách quan” với Taliban trong cuộc chiến chống IS khi nhóm cực đoan này vừa thành lập chi nhánh tại đông Afghanistan.
Ông này cho hay các kênh liên lạc đã được thành lập với Taliban để trao đổi thông tin.
Moscow đang tiến hành chiến dịch đánh bom IS ở Syria và lo ngại về khả năng mở rộng phạm vi ảnh hưởng của nhóm cực đoan này từ Afghanistan sang các nước láng giềng trong đó có Tajikistan hoặc Uzbekistan.
Các phiến quân Taliban đang tham gia vào cuộc chiến đẫm máu với các nhóm tuyên bố trung thành với IS, nhất là ở tỉnh phía đông Nangarhar, nơi vai trò lãnh đạo phong trào nổi dậy của Taliban đang bị thách thức.
Cuộc chiến này còn liên quan tới một cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ Taliban, khi nhiều phe phái không chấp nhận việc Mansour lên làm thủ lĩnh.