Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh, giới chức quốc phòng Mỹ tiết lộ rằng một tàu ngầm Trung Quốc gần đây đã tiến hành một cuộc tấn công giả định nhằm vào tàu sân bay USS Reagan của Hải quân Mỹ.
Tàu sân bay Mỹ USS Reagan (Ảnh: Flickr/Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ)
Các thông tin chi tiết về cuộc chạm trán giữ tàu ngầm Trung Quốc và hàng không mẫu hạm của Mỹ tại Biển Nhật Bản hôm 24/10 chỉ được tiết lộ hồi đầu tháng 11. Theo đó, sau khi rời cảng tại Yokosuka, tàu sân bay Mỹ USS Reagan được cho là đã chám với một tàu ngầm Trung Quốc.
Theo trang web Washington Free Beacon, đây là “cuộc chạm trán ở cự ly gần nhất” giữa một tàu ngầm Trung Quốc và một tàu sân bay Mỹ trong gần 10 năm qua.
Nhưng các quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ với tờ Free Beacon rằng tàu ngầm Trung Quốc đã ngắm bắn hàng không mẫu hạm của Mỹ trong khuôn khổ một cuộc tập trận tấn công giả định.
“Nếu đúng, đây có thể là một trường hợp khác cho thấy Trung Quốc đang muốn chứng tỏ với chúng tôi rằng họ có thể đe dọa các lực lượng của chúng tôi trong khu vực”, Nghị sĩ Randy Forbes, Chủ tịch Tiểu ban Lực lượng và Sức mạnh trên biển thuộc Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ, nói với Free Beacon.
“Tiếp sau các vụ thử nghiệm chống vệ tinh và các hành động phô diễn khác, vụ việc mới là lời nhắc nhở về quá trình làm mất ổn định mà Trung Quốc đang thực hiện và những thách thức mà chúng ta phải đối mặt trong việc duy trì sự cân bằng quân sự ổn định tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, nghị sĩ Forbes nhấn mạnh.
Nếu đúng, một hành động như vậy của Trung Quốc có thể vi phạm Quy tắc ứng xử cho các cuộc đối đầu bất ngờ trên biển (CUES) mà 21 quốc gia Thái Bình Dương, trong đó có Trung Quốc và Mỹ, đã ký kết hồi tháng 4/2014.
Một phần trong thỏa thuận đa phương đó quy định rằng các tư lệnh hải quân nên tránh các hành động có thể gây rủi ro. Trong số những hành động cần tránh có “việc giả định các cuộc tấn công bằng cách ngắm súng, tên lửa, radar điều khiển hỏa lực, ống phóng ngư lôi và các tên lửa khác về phía các tàu hoặc máy bay gặp phải”.
Chính quyền Tổng thống Barack Obama khá kín tiếng về vụ việc do lo ngại có thể làm gia tăng căng thẳng giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc. Khi được khỏi về vụ việc, phát ngôn viên Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Darryn James thay vào đó lại khẳng định với báo giới về các khả năng của Hải quân Mỹ.
“Tôi không thể thảo luận về các hoạt động của tàu ngầm, các thông tin hay tin đồn về các hoạt động đó. Tôi chỉ có thể nói với các bạn rằng chúng tôi hoàn toàn tin tưởng về khả năng và sự hiệu quả của các tàu và máy bay của hải quân Mỹ”, ông James nói, theo Free Beacon.
Vụ việc trên xảy ra chỉ 2 ngày trước khi tàu khu trục USS Lassen của Hải quân Mỹ tiến hành cuộc tuần tra gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông hôm 26/10 nhằm phản đối tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh đối với vùng biển này.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đồng, chồng lấn lên các vùng biển của Malaysia, Philippines, Việt Nam và Brunei. Trong khi Washington cáo buộc Bắc Kinh đang muốn thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trong khu vực thì Trung Quốc khăng khăng rằng nước này có quyền xây dựng trên lãnh thổ của mình và bao biện rằng các đảo nhân tạo chỉ nhằm mục đích nhân đạo.
Hồi đầu tuần này, các nguồn tin cho biết Hải quân Mỹ đã tìm cách tăng cường các hệ thống tên lửa chống hạm, viện dẫn các lo ngại về sức mạnh quân sự của Trung Quốc.
An Bình