Biện pháp đáp trả Thổ Nhĩ Kỳ của ông Putin vừa phải đủ sức răn đe để trấn an dư luận, vừa không quá cứng rắn để làm bùng nổ Thế Chiến III.
Su-24 Nga bốc cháy và lao xuống sau khi bị trúng tên lửa của F-16 Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: RT
Sau khi chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiếc Su-24 của Nga hôm 24/11, lãnh đạo các nước phương Tây đều có những phản ứng thận trọng và chờ đợi xem liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ phản ứng như thế nào đối với hành động mà ông mô tả là “đồng lõa với khủng bố”, theo Fiscal Times.
Theo chuyên gia chính sách công Rob Garver tại Đại học Georgetown, sự cố này đã đặt ông Putin vào một tình thế rất nhạy cảm. Lòng yêu mến và hâm mộ của người dân Nga dành cho ông một phần xuất phát từ sự quyết đoán và khả năng thể hiện sức mạnh nước Nga trên trường quốc tế của Putin, và tình cảm của dư luận phần nào sẽ chịu ảnh hưởng bởi vụ bắn rơi máy bay này.
Đây là lần đầu tiên một binh sĩ Nga thiệt mạng khi đang trực tiếp tham gia chiến dịch không kích ở Syria, và nó ít nhiều sẽ khiến dư luận Nga lo lắng về sự an toàn của các binh sĩ được triển khai ở vùng chiến sự. Thảm kịch này cũng làm dấy lên nỗi lo ngại rằng Nga sẽ dùng biện pháp quân sự đáp trả Thổ Nhĩ Kỳ, làm bùng lên cuộc xung đột mới châm ngòi cho “Thế Chiến III”.
Tuy nhiên, theo giáo sư Mark Galeotti, chuyên gia nghiên cứu về Nga tại Trung tâm Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học New York, Tổng thống Putin có thể sẽ có những hành động “vừa phải” để vừa thể hiện nỗi tức giận với Thổ Nhĩ Kỳ mà không đẩy hai nước vào một cuộc chiến lớn, vừa xoa dịu được nỗi bức xúc và lo lắng của dư luận trong nước.
Những hành động này ít nhiều mang tính biểu tượng, chẳng hạn như cấm các hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ hạ cánh trên sân bay Nga, áp đặt một số lệnh cấm vận kinh tế, tăng giá khí đốt bán cho Thổ Nhĩ Kỳ, và đưa ra những phản ứng về mặt ngoại giao.
Tại Trung Đông, Nga có thể sẽ có những hành động ngầm đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ, chẳng hạn như hậu thuẫn cho phiến quân người Kurd ở khu vực biên giới, tăng cường không kích các nhóm phiến quân người Turk được Ankara hậu thuẫn, hoặc gia tăng nỗ lực nhằm kiềm chế ảnh hưởng chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Đông.
Theo giáo sư Galeotti, mục đích cuối cùng của Nga trong chiến dịch can thiệp quân sự ở Syria là giúp Nga có tiếng nói trong quá trình tìm kiếm giải pháp chính trị cho vùng đất này. Điều mà ông Putin quan tâm nhất ở Syria là khía cạnh chính trị chứ không phải quân sự, và ông muốn đạt được giải pháp chính trị càng sớm càng tốt để Nga không sa lầy vào cuộc chiến tại đây.
Trong quá trình thực hiện các biện pháp đáp trả bằng ngoại giao và kinh tế này, nhiều khả năng Nga hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có những dấu hiệu dù là nhỏ nhất để ông Putin có thể tuyên bố với người dân rằng “người Thổ đã nhận lỗi” nhằm hạ nhiệt căng thẳng, ông Galeotti nhận định.
Tổng thống Nga Putin (trái) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh: Sputnik
Giải pháp quân sự
Từ khóa “Thế Chiến III” đã tràn ngập trên mạng xã hội Twitter ngay sau khi thông tin về vụ Su-24 bị bắn rơi được lan truyền. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng khả năng này gần như không thể xảy ra.
Theo ông Garver, trong bất cứ hoàn cảnh nào, nếu ông Putin chọn cách trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ bằng vũ lực, ông sẽ bị đặt vào thế đối đầu trực tiếp với một thành viên của NATO, khối quân sự với hiệp ước phòng thủ chung buộc các nước phải hỗ trợ bất cứ thành viên nào khi bị tấn công.
Ngay sau khi chiếc Su-24 bị bắn rơi, Thổ Nhĩ Kỳ đã lập tức triệu tập cuộc họp khẩn với đại diện các nước NATO, rất có thể là vì lo ngại rằng Nga sẽ có những phản ứng quyết liệt, các chuyên gia phân tích nhận định.
Đây có thể là lý do khiến các quan chức Nga có phản ứng ban đầu khá thận trọng. “Chúng ta phải kiên nhẫn, đây là một sự cố nghiêm trọng, nhưng khi chưa có đủ thông tin, chúng ta chưa thể nói được điều gì”, người phát ngôn điện Kremlin Dimitry Peskov tuyên bố.
Phản ứng sau đó của ông Putin có vẻ quyết liệt hơn, khi nói rằng sự cố này sẽ “gây hậu quả nghiêm trọng” đến quan hệ Nga – Thổ, tuy nhiên ông không nói rõ đó là những hậu quả nào, và chúng sẽ nghiêm trọng đến mức nào.
Bình luận viên Roland Oliphant của tờ Telegraph thì cho rằng những sự cố rơi máy bay như thế này đã nằm trong dự liệu của các tướng lĩnh Nga khi phát động cuộc chiến chống IS tại Syria. Bởi vậy, họ chắc chắn đã có những kế hoạch dự phòng để làm hạ nhiệt căng thẳng và giải quyết vấn đề theo hướng phù hợp nhất với lợi ích chiến lược của Nga.
Theo ông Oliphant, Nga không dại gì lao đầu vào một cuộc chiến không có khả năng giành chiến thắng trước NATO, bởi nước này đang phải chịu quá nhiều sức ép về kinh tế trước các lệnh cấm vận khắc nghiệt của phương Tây cũng như tình thế bị cô lập chính trị vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Các biện pháp về ngoại giao và kinh tế là lựa chọn tối ưu cho ông Putin để đáp trả hành động của Thổ Nhĩ Kỳ, chuyên gia này nhận định.