Lao động bỏ trốn, người ở nhà vạ lây

Năm 2017, Hàn Quốc chính thức tiếp nhận 3.600 lao động Việt Nam theo Chương trình EPS – chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc

xuat-khau-lao-dong-han-quoc

Với mức lương trung bình trên 25 triệu đồng mỗi tháng, đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc được xem như con đường thoát nghèo cho nhiều lao động Việt Nam. Tuy nhiên, quyền lợi của nhiều lao động có nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc đang bị ảnh hưởng bởi hơn 16.000 lao động cư trú bất hợp pháp tại thị trường này.

Dừng tuyển tại 58 quận, huyện

Thông tin từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết, năm 2017, Hàn Quốc sẽ tuyển chọn 3.600 lao động Việt Nam trong các ngành là sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp. Cụ thể, số lượng lao động làm việc trong lĩnh vực sản xuất chế tạo là 1.500 người, xây dựng là 500 người, ngư nghiệp là 800 người và nông nghiệp là 800 người.

NLĐ có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS cần phải tham dự và đạt yêu cầu qua kỳ thi tiếng Hàn và kỳ kiểm tra tay nghề, đánh giá năng lực. Chỉ những người đã đạt yêu cầu mới đủ điều kiện nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.

Về điều kiện, người dự thi phải nằm trong độ tuổi từ 18-39 và chưa từng đi làm tại Hàn Quốc theo chương trình EPS hoặc đã đi làm việc tại Hàn Quốc và về nước đúng thời hạn. Lao động bỏ trốn nhưng tự nguyện về nước cũng vẫn được tham gia. Ngoài ra, người dự thi phải không thuộc khu vực đang bị tạm dừng tuyển do có nhiều lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Theo thông tin từ Bộ LĐ-TB-XH, 109 quận, huyện có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước, chiếm trên 30% địa phương thuộc 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số lao động cư trú bất hợp pháp cao nhất tại Hàn Quốc thuộc diện đưa vào xem xét tạm dừng tuyển chọn trong năm 2017.

Đáng chú ý, phía Hàn Quốc đề nghị tạm dừng tuyển đối với 58 quận, huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên. Trong đó, Nghệ An là tỉnh có số huyện bị dừng tuyển nhiều nhất (13 huyện), tiếp sau là Hà Nội với 12 huyện, Hà Tĩnh 11 huyện. Các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Bắc Ninh, Hưng Yên, Phú Thọ, Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình có từ 10 huyện trở xuống bị dừng tuyển.

39% lao động hết hạn hợp đồng nhưng không về nước.

Liên quan tới kỳ thi tiếng Hàn năm nay, ông Đặng Sỹ Dũng, Phó Cục trưởng Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, Trung tâm Lao động ngoài nước là cơ quan duy nhất có thẩm quyền phái cử NLĐ sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS, đồng thời đây cũng là đơn vị duy nhất được chỉ định phối hợp cùng phía Hàn Quốc tổ chức kỳ thi.

 

“Quá trình thi, tuyển chọn đều do phía Hàn Quốc thực hiện, nên việc can thiệp, gian lận từ phía Việt Nam là không thể. Do nhu cầu đi Hàn Quốc rất lớn, số lượng tuyển chọn có hạn, nên có nhiều luồng thông tin bên ngoài. Vì vậy, người lao động không nên tin vào cò mồi, môi giới hứa hẹn việc giúp thi đỗ, đi nhanh… dễ bị mất tiền oan”, ông Đặng Sỹ Dũng cảnh báo.

Trước năm 2012, Hàn Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu lao động giàu tiềm năng. Mỗi năm, Hàn Quốc tiếp nhận 10.000 – 12.000 người lao động với mức lương hấp dẫn từ 1.000-1.500 USD/tháng. Tuy nhiên, tình trạng lao động hết thời hạn bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp tăng cao đã làm gián đoạn các chương trình xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Hệ lụy là 14.000 lao động Việt Nam đã hoàn thành hồ sơ, chứng chỉ tiếng Hàn chuẩn bị xuất cảnh đi Hàn Quốc làm việc bị tạm ngừng.

Từ đó, xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc gần như bị “đóng băng”. Đến năm 2016, Bộ LĐ-TB-XH Việt Nam, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc mới ký bản ghi nhớ bình thường hóa việc phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, số lượng lao động tiếp nhận mỗi năm cũng chỉ bằng khoảng 1/3 so với giai đoạn trước năm 2012.

Ông Đặng Sỹ Dũng cho hay, hiện có khoảng 40.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc và 39% trong số này đã hết hạn hợp đồng làm việc nhưng không về nước. “Hiện nay, tỷ lệ lại tăng lên 39%, tức có tới trên 16.000 lao động của ta đang làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc nên phía bạn đã cảnh báo chúng ta”, ông Đặng Sỹ Dũng nói.

Theo Phó Cục trưởng Quản lý Lao động Ngoài nước, việc 58 quận, huyện bị tạm dừng tuyển trong năm nay cũng do các địa phương này có tỷ lệ lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc quá cao. “Nếu tình trạng này không được khắc phục thì chắc chắn sang năm 2018, số quận, huyện bị cấm sẽ còn tăng, thậm chí chúng ta sẽ đối mặt với khả năng Hàn Quốc lại ngưng ký thỏa thuận”, ông Đặng Sỹ Dũng lo lắng.

Thông báo tuyển trực tiếp xuất khẩu lao động Nhật Bản

Thông báo tuyển dụng trực tiếp xuất khẩu lao động Đài Loan

comments

Nội dung liên quan