Ông Đặng Sỹ Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB- XH) cho biết: Sau khi thông tin tuyển chọn 3.600 lao động đi Hàn theo chương trình EPS năm 2017 được đăng tải, xuất hiện tình trạng đối tượng “cò” lừa thi đỗ, thi nhanh để đi xuất khẩu lao động.
Người lao động Việt Nam nhập cảnh vào Hàn Quốc.
Theo ghi nhận từ cuộc thi tiếng Hàn 2016, tại các tỉnh thành xuất hiện có một số cá nhân từng đi lao động ở Hàn Quốc, giờ trở về địa phương đã đứng ra môi giới đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc với giá từ 70 triệu đồng/người và hứa hẹn sẽ trúng đợt thi EPS và được doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn. Tình trạng này xuất hiện tương tự thời gian gần đây.
Ông Đặng Sỹ Dũng cho biết: “Toàn bộ nội dung thi chương trình EPS sẽ do Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc đảm nhận và Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) sẽ là đầu mối trực tiếp phối hợp, làm các thủ tục cho các lao động đi xuất khẩu đi theo chương trình EPS”.
Tuy nhiên, tiêu chí phía Hàn Quốc đưa ra người dự thi tuổi từ 18-39 tuổi, phải chưa từng đi làm tại Hàn Quốc theo chương trình EPS; hoặc đã đi làm việc tại Hàn Quốc và về nước đúng thời hạn, bỏ trốn nhưng tự nguyện về nước. Bên cạnh đó, người dự thi phải không thuộc khu vực đang bị tạm dừng tuyển cho do có nhiều lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc…
“Phía Hàn Quốc không quy định rõ phải đạt trình độ nào mới dự thi, miễn là thi đạt yêu cầu tiếng Hàn. Do đó, từ khi kết thúc hồ sơ vào trung tuần tháng 4 đến lúc thi viết với ngành sản xuất chế tạo, xây dựng và ngư nghiệp (ngày 17-18-6) và thi trên máy tính với ngành nông nghiệp (ngày 7/8-6/9), thí sinh có thể tham gia học các lớp tiếng Hàn. Tuy nhiên, phải phân định rõ giữa việc học nâng cao tiếng Hàn với tình trạng “cò” hứa học tiếng Hàn bảo đảm sẽ thi đỗ”, ông Đặng Sỹ Dũng cho biết.
Thực tế tại kỳ thi tuyển tiếng Hàn đi theo chương trình EPS năm 2016, có 30 trường hợp gian lận trong kỳ thi như có tai nghe đọc chép đề, dùng đồng hồ có thể chụp ảnh gửi tài liệu ra và nhận đáp án từ ngoài gửi vào… “Tất cả những người vi phạm quy chế thi tuyển EPS sẽ bị cấm thi trong 3 năm tiếp theo. Việc xử lý, phát hiện được đường dây gian lận thi thuộc chức năng của bên công an. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của năm trước, công tác đảm bảo an toàn, anh ninh trong kỳ thi tiếng Hàn theo chương trình EPS sẽ được tăng cường”, ông Đặng Sỹ Dũng cho biết.
Theo dự kiến, năm 2017 sẽ tuyển chọn khoảng 3.600 người đi xuất khẩu lao động theo chương trình EPS (sản xuất chế tạo: 1.500 người, xây dựng: 500 người, ngư nghiệp: 800 người và nông nghiệp là 800 người). Trong đó, riêng với ngư nghiệp sẽ chỉ tuyển chọn lao động tại các huyện, thị ven biển; lĩnh vực nông nghiệp lựa chọn tại 64 huyện nghèo, các xã thuộc bãi ngang, ven biển.
Hiện có khoảng 40.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc, trong đó, số lao động làm việc bất hợp pháp là 16.100 người, chiếm tỷ lệ 39%.