Phiên tòa sơ thẩm xét xử “vụ án con ruồi giá… 500 triệu đồng” đã khép lại với bản án 7 năm tù đối với bị cáo Võ Văn Minh. Tuy nhiên, sau khi bản án tuyên, nhiều ý kiến cho rằng vụ án đã bị lộ bí mật điều tra, thiếu khách quan.
Những ngày qua, trên các diễn đàn bàn luận khá nhiều và bày tỏ sự không đồng tình khi trong quá trình điều tra, điều tra viên của vụ án là Trần Chí Tâm (công an tỉnh Tiền Giang) đã để luật sư bảo vệ cho Công ty Tân Hiệp Phát (THP) tham gia hỏi cung bị can Võ Văn Minh. Cụ thể, trong các ngày hỏi cung là 12/3/2015 và 13/3/2015 của điều tra viên Trần Chí Tâm với bị can Minh đều có sự hiện diện 2 luật sư của công ty Tân Hiệp Phát, đương sự liên quan trong vụ án.
Có sự “nể nang” nào đó trong quá trình điều tra vụ “con ruồi”
Các chuyên gia pháp lý cho rằng, việc điều tra viên cho luật sư của công ty THP tham gia quá trình hỏi cung bị can Minh là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Luật sư Phạm Hoài Nam, người tham gia bào chữa cho bị cáo Võ Văn Minh cho biết, tại phiên toà sơ thẩm ngày 17 và 18/12/2015, luật sư THP cũng công bố các lời khai hỏi cung khác trong quá trình điều tra, điều đó chứng tỏ họ biết được bí mật và hướng điều tra của cơ quan công an.
Tại phiên toà, luật sư Nguyễn Tấn Thi và luật sư Phạm Hoài Nam tham gia bào chữa cho bị cáo Võ Văn Minh đã phân tích về việc luật sư Tân Hiệp Phát tham gia hỏi cung bị cáo Minh nhưng không được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Thương hiệu Tân Hiệp Phát càng ảnh hưởng nặng nề sau khi anh Minh bị kết án 7 năm tù
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Giám đốc Hãng luật Giải Phóng (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 thì những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng chỉ được phép thực hiện đúng các quy định của Bộ luật này. Cụ thể, điều 3, điều 12 và điều 59 Bộ Luật tố tụng hình sự quy định, luật sư bảo vệ quyền lợi của bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (gọi chung là đương sự) chỉ có quyền sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của đương sự sau khi kết thúc điều tra; tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa; xem biên bản phiên tòa.
“Theo quy định của pháp luật, hoạt động lấy lời khai của bị can là một hoạt động tố tụng nằm trong giai đoạn điều tra phải đảm bảo giữ bí mật tuyệt đối. Vì thế, việc điều tra viên Trần Chí Tâm cho luật sư của Tân Hiệp Phát dự các buổi lấy cung bị can Võ Văn Minh là vi phạm pháp luật”, luật sư Nguyễn Kiều Hưng khẳng định.
Đồng quan điểm trên, luật sư Nguyễn Văn Trường, Trưởng Văn phòng Luật sư Trường (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, chỉ có luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can Võ Văn Minh thì mới được quyền tham dự các buổi hỏi cung của điều tra viên đối với bị can Minh. “Không hiểu vì lý do gì mà điều tra viên để luật sư của Tân Hiệp Phát tham gia hỏi cung trong khi chuyện này chỉ có luật sư của ông Minh mới đủ thẩm quyền. Chắc chắn có sự nể nang nào đó trong quá trình điều tra”, luật sư Trường nói.
Trao đổi với Dân trí, luật sư Phạm Hoài Nam cho biết sẽ có văn bản kiến nghị Cục điều tra – Viện kiểm sát Tối cao vào cuộc để xử lý các vấn đề vi phạm nghiêm trọng liên quan đến hoạt động tố tụng của những người tiến hành tố tụng vụ án này.
Công Quang
Thông báo tuyển dụng xuất khẩu Đài Loan nhập cảnh tháng 1/2016