Ờ Chicago Tribune ngày 17.4 (giờ Mỹ) đưa tin Hãng United Airlines và TP.Chicago đã đồng ý lưu giữ video clip và các dữ liệu khác về chuyến bay UA 3411 vào ngày 9.4, thời điểm xảy ra vụ bác sĩ gốc Việt David Dao bị lôi khỏi máy bay để nhường ghế cho nhân viên hàng không.
Lưu giữ chứng cứ vụ bác sĩ gốc Việt bị ngược đãi
Từ tuần trước, luật sư đại diện của bác sĩ Dao là ông Thomas Demetrio đã nộp kiến nghị khẩn cấp lên tòa án của hạt Cook, yêu cầu United Airlines và phía thành phố quản lý sân bay quốc tế O’Hare lưu giữ chứng cứ liên quan, cũng như hồ sơ cá nhân của các cảnh sát hàng không đã lôi ông Dao khỏi máy bay một cách thô bạo. Phiên tòa dự kiến diễn ra vào sáng 17.4 bị hủy bỏ vì hai đương sự là Hãng United Airlines và TP.Chicago đã “đồng ý yêu cầu lưu giữ và bảo vệ chứng cứ”.
United Airlines từ chối nhận xét về diễn biến mới, dù vụ việc có thể mở ra cuộc chiến pháp lý với hành khách gốc Việt. Vụ bê bối liên quan đến cách ứng xử với hành khách của United Airlines khiến hãng hàng không ở Mỹ hứng chịu tổn thất to lớn về uy tín. Tuy nhiên, tình trạng các hãng hàng không bán vé quá chỗ để tối ưu hóa lợi nhuận vẫn xảy ra thường xuyên trên thế giới. Trong vụ việc mới nhất, một gia đình ở Canada vừa kể lại câu chuyện con trai mới 10 tuổi của họ (ảnh) không được phép lên máy bay dù đã mua vé, do Hãng Air Canada cho giữ chỗ nhiều hơn số ghế. Sau khi bị báo giới phản ánh, Air Canada đã xin lỗi và tặng phiếu mua vé trị giá 2.500 CAD (1.876 USD) cho gia đình, theo tờ National Post ngày 17.4. Cùng ngày, tờ The Independent đưa tin Hãng EasyJet của Anh đã buộc một cặp đôi rời khỏi máy bay với lý do tương tự và bỏ mặc hành khách tự xoay xở, khiến họ bỏ luôn chuyến nghỉ hè 6 ngày ở Sicily (Ý).