“Đu dây” qua sông, học sinh đánh cược mạng sống tìm con chữ

Biệt lập bên dòng sông Rin, hơn 2.000 người đồng bào H’re muốn liên lạc với thế giới bên ngoài còn cách vượt sông. Thấp thỏm từng chuyến “đu dây” qua sông, hàng trăm học sinh xã Sơn Bao (huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) đánh cược tính mạng mong tìm cái chữ giữa đại ngàn.

Cảnh tượng người dân “đu dây” qua sông Rin đã tồn tại qua biết bao mùa mưa lũ. 2.080 nhân khẩu (484 hộ) thuộc 4 thôn Nước Bao, Mang Nà, Nước Rinh và Nước Tang (xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà) muốn kết nối với thế giới bên ngoài thì chỉ có cách vượt sông bằng “phương tiện” nguy hiểm này. Hàng trăm học sinh hàng ngày ngồi trên chiếc bè mong manh, kéo sợi dây thừng để vượt qua dòng sông Rin chảy xiết đến trường.
.
Trên bè cũng có vài chiếc phao nhưng không đủ để cứu các em nếu chẳng may có tai nạn xảy ra.
Theo thống kê, huyện Sơn Hà còn 5 điểm người dân và học sinh phải “đu dây” qua sông; trong đó xã Sơn Bao có 2 điểm với số lượng người qua sông đến hàng ngàn lượt người mỗi ngày. Riêng tại xã Sơn Bao, địa phương hỗ trợ người đưa qua sông với mức “lương” 500.000 đồng/tháng. Học sinh và giáo viên được qua sông miễn phí, còn người dân mỗi lần qua sông tốn phí 1.000 đồng/người và xe máy 5.000 đồng/lượt.

Nhìn dòng sông chảy xiết sau giờ tan trường vào buổi trưa, cháu Đinh Thị Loan (học sinh lớp 4 trường Tiểu học Sơn Bao) bày tỏ: “Mỗi lần đi qua sông cháu sợ lắm, lúc nào cháu cũng ngồi gần cái phao, lỡ bị lật bè thì còn giữ cái phao cho nổi người. Sợ nhất là vào mùa mưa. Còn mùa lũ thì chúng cháu nghỉ học, không qua sông được đâu”.

Qua quan sát của PV Dân trí, những chiếc bè chở người qua sông được ghép bằng tre, dài khoảng 15m, rộng khoảng 5m. Chỉ cần 1 hành khách đứng lên bè là nước sông đã tràn lên, chưa kể có cả xe máy. Chiếc bè được thả trôi tự do, người đứng trên bè bám vào sợi dây thừng bắc ngang sông để lần sang bờ bên kia. Những hôm nước chảy mạnh, bè chòng chành rất nguy hiểm. Chỉ cần một lần trượt tay khỏi sợi dây thừng là cả bè lẫn người sẽ trôi ngay tức khắc.


Chỉ 4 chiếc xe máy và người lên qua sông thì chiếc bè bị ngâm dưới nước

Dây thừng nối hai bên đoạn sông chỉ cột với cọc tre đơn sơ.


Hàng ngàn số phận đu dây qua sông Rin khát khao có chiếc cầu vững chắc


Kết nối giữa bè tre tự tạo và dây thừng chỉ nhờ sức giữ của người thanh niên này
Ngao ngán với cảnh tượng “đu dây” qua sông, ông Đinh Văn Phèng – Chủ tịch UBND xã Sơn Bao chua xót nói: “Cách đi qua sông Rin thật nguy hiểm, lỡ có luồng nước đầu nguồn ập xuống thì bè và người bị cuốn trôi hết. Nhiều lần địa phương báo cáo, đề nghị các cấp hỗ trợ xây dựng cầu treo, thế nhưng đến nay vẫn chưa có ý kiến gì. Người dân nơi đây khát khao và mong mỏi có chiếc cầu đi qua lại trên sông Rin an toàn, đặc biệt là mùa mưa bão và nước thượng nguồn hay nước xả thủy điện ập xuống bất ngờ”.


Hàng ngày, người dân cùng học sinh đều đánh cược tính mạng mình qua dòng sông Rin chảy xiết


Đến khi mùa lũ hoặc nước lớn, chiếc ghe này mới được sử dụng đưa khách sang sông Rin
Trao đổi về thực trạng nguy hiểm khi người dân Sơn Bao “đu dây” qua sông Rin, ông Đặng Ngọc Dũng – Bí thư Huyện ủy Sơn Hà cho biết: “Xây dựng chiếc cầu đi qua sông ở Sơn Bao là nhu cầu cấp thiết, tuy nhiên địa phương không thể bố trí nguồn kinh phí vì đây là huyện nghèo thuộc diện chính sách 30a. Huyện rất mong muốn cấp tỉnh hoặc trung ương, sớm bố trí nguồn kinh phí để làm cây cầu phục vụ người dân, đặc biệt là con đường đến trường của học sinh bớt lo âu và thấp thỏm”.

Cũng theo ông Dũng, đề nghị Sở GTVT tỉnh thường xuyên mở các lớp tập huấn điều khiển phương tiện ghe máy, trang thiết bị ghe cùng áo phao, sát hạch tay nghề để người dân luân phiên điều khiển phương tiện đưa người qua lại an toàn. “Huyện mong muốn đầu tư loại cầu cáp treo, với 2 mố bê tông kiên cố hai bên bờ sông và kéo dây, hi vọng người dân có thể đi bộ và điều khiển xe máy qua lại là tốt rồi”, ông Đặng Ngọc Dũng hi vọng.

Dòng sông Rin ở xã Sơn Bao (huyện Sơn Hà) luôn chảy xiết, kể cả ngày nắng gắt. Ở vùng thượng nguồn đang có nhiều công trình thủy điện, hiểm nguy luôn rình rập hàng ngàn người dân H’re, khiến con đường tìm ánh sáng văn minh cùng con chữ của những đứa trẻ nơi đây mãi gập ghềnh, gian khó.

Tuyển dụng xuất khẩu lao động Đài loan

Thông báo tuyển trực tiếp xuất khẩu lao động Nhật Bản

comments

Nội dung liên quan