Đề xuất năm 2030 cấm xe máy lưu thông’ (Báo ngày 21-4) vừa đưa ra đã thu hút rất nhiều bàn luận trái chiều. Dưới đây là góc nhìn của người cho rằng cần cấm xe máy để tạo điều kiện cho đất nước phát triển.
Chấm dứt sử dụng xe máy và tình trạng buôn thúng bán bưng
Thế là, một lần nữa “vấn đề xe máy” lại nổi lên mặt báo! Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề xe máy được công luận và báo giới nước ta tập trung mổ xẻ.
Rối chỉ khâu rất khó gỡ
Tôi nhớ hồi năm 2004, đã có một chiến dịch tương tự với sự tham gia rầm rộ của nhiều tờ báo uy tín của TP.HCM, như Sài Gòn Giải Phóng, Báo, Thanh Niên, Báo…
Đã có nhiều ý kiến đề nghị phải cấm sử dụng xe máy cũng như các phương tiện giao thông thô sơ trong TP. Rất nhiều lý do không kém phần xác đáng cho đề nghị này được nêu ra thời gian ấy.
Nhưng rồi tất cả cũng rơi vào quên lãng, bởi Chính phủ không quyết một chủ trương dứt khoát về vấn đề này.
Có thể hiểu rằng những ý kiến không ủng hộ việc cấm xe máy lưu thông trong TP cũng đều có lý cả. Những trăn trở không muốn quyết cấm xe máy chủ yếu vì lo ngại cho đông đảo người nghèo không có đường sinh nhai khi họ còn phụ thuộc quá nhiều vào xe máy hoặc các phương tiện lưu thông thô sơ khác.
Cũng bởi sự trăn trở rất nhân văn và nhân đạo ấy, mà từ đó đến nay xe máy cứ tăng theo cấp số nhân. Không biết bao nhiêu kilômet đường sá hiện đại đã được mở ra ở ven đô và những khu đô thị mới, nhiều khu vực đã được đô thị hóa nâng từ huyện lên quận…
Nhưng đường mở đến đâu thì xe máy tràn lan đến đó. Bao nhiêu nỗ lực nhằm giải quyết vấn nạn kẹt xe đều nhanh chóng hụt hơi, ngụp lặn trong biển xe máy mịt mùng!
Tắc nghẽn giao thông ở nước ta thuộc cấp độ nan giải cao hơn hẳn ở các quốc gia khác, bởi họ kẹt ôtô, còn ta kẹt xe máy. Rối dây thừng dễ gỡ hơn nhiều so với rối chỉ khâu!
Nguyễn Ngọc Hùng
“Đã đến lúc Nhà nước phải gánh trách nhiệm định hướng xã hội bằng những quyết sách về lộ trình phù hợp tiến tới chấm dứt sử dụng xe máy
NGUYỄN NGỌC HÙNG
Cần quyết sách về lộ trình phù hợp
Biết rằng với người nghèo, xe máy không chỉ là phương tiện đi lại, mà còn là cái cần câu cơm của nhiều người. Xe máy dùng làm “taxi” (xe ôm), dùng chở hàng thuê… Rồi các dịch vụ ăn theo xe máy như sửa chữa lặt vặt, rửa xe, mua bán xe cũ…
Một người nghèo thất nghiệp ở vùng sâu vùng xa, không cần tay nghề và vốn liếng gì, cứ ra TP, chấp nhận sống vất vả là có thể tồn tại nhờ một chiếc xe máy cà tàng hoặc một gánh hàng rong.
Các đô thị lớn ở nước ta cũng đang tiếp tục rầm rộ chiến dịch giải tỏa lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nhằm cải thiện bộ mặt văn minh đô thị.
Một trong các yếu tố lấn chiếm vỉa hè là đủ thể loại hàng rong. Gánh hàng rong và chiếc xe máy có lẽ đã trở thành biểu tượng cho các đô thị chưa thoát khỏi tình trạng lạc hậu.
Ùn tắc giao thông ở trình độ xe máy và bê bối nhếch nhác kiểu hàng rong vỉa hè tràn lan chẳng những làm xấu bộ mặt đô thị của chúng ta, mà còn khiến các nhà đầu tư nước ngoài e ngại làm ăn lớn tại Việt Nam và cản trở bước nhảy vọt của tăng trưởng khách du lịch.
Kiên trì giải quyết được vấn nạn xe máy và giải tỏa thói quen hàng rong lấn chiếm vỉa hè, lòng đường sẽ tạo thành một sự khích lệ với những ai muốn đến định cư sinh sống ở TP.HCM thì phải tự nâng cao tay nghề và nhận thức văn minh đô thị tối thiểu.
Nếu không như vậy, sự nghiệp xóa đói giảm nghèo ở TP ta không biết đến bao giờ kết thúc?
Từ lâu, ở nước ta đã có những chủ trương rất tân tiến như xóa dần khoảng cách giàu/nghèo và đưa nông thôn phát triển sánh ngang đô thị.
Tuy nhiên, trong thực tế, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có tâm lý nhân văn theo kiểu “dùng cái nghèo dọa nhau”, việc triển khai thực hiện đã mang đến một hậu quả dường như là kéo người giàu xuống cho gần người nghèo và biến đô thị thành những cái làng lớn?
Thiết nghĩ đã đến lúc (thực ra là hơi muộn quá rồi) Nhà nước phải gánh trách nhiệm định hướng xã hội bằng những quyết sách về lộ trình phù hợp tiến tới chấm dứt sử dụng xe máy và tình trạng buôn thúng bán bưng nhếch nhác tại các đô thị lớn; để đưa đất nước phát triển xứng tầm với các quốc gia ở nửa đầu thế kỷ 21 này.
Báo chí, truyền thông cũng nên góp phần tích cực vào công cuộc định hướng này bằng cách đăng tải nhiều hơn nữa các ý kiến ủng hộ công cuộc cải cách văn minh, hơn là chú trọng khai thác các phản hồi theo kiểu bàn lùi.
PGS.TS Chu Công Minh (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM):
Dùng giải pháp về kinh tế
Xã hội càng phát triển, người dân ngày càng khấm khá hơn thì nhu cầu cho xe cá nhân càng tăng. Nhưng với thực trạng đất, hạ tầng dành cho giao thông hiện nay vốn đã thiếu ngày càng thiếu thêm, tình trạng ùn tắc giao thông chắc chắn lan rộng.
Hơn nữa, ở các đô thị lớn Việt Nam hiện nay, để thực hiện một dự án cho giao thông tốn rất nhiều tiền của, thời gian và công sức nhưng những dự án này không bao giờ chạy theo kịp nhu cầu.
Do đó việc hạn chế xe cá nhân là việc làm cần thiết. Vấn đề này đã từng nói, từng bàn nhưng trước một số ý kiến trái chiều thì các cơ quan chức năng chần chừ để kéo dài.
Việc hạn chế phương tiện cá nhân ở các nước trong khu vực và trên thế giới đã chứng minh được hiệu quả, vì vậy các cơ quan chức năng cần quyết đoán, quyết liệt hơn trong vấn đề này.
Hạn chế bằng cách nào? Theo tôi, việc này có thể thực hiện thí điểm trước ở những khu vực có điều kiện như khu vực trung tâm TP trước, trong đó chú trọng vào giải pháp kinh tế.
Cụ thể như việc thu phí ôtô vào trung tâm vào thời gian cao điểm, tăng phí giữ xe máy, tăng thuế – phí mua bán…
Hay việc đi xe máy vào khu vực trung tâm ở thời gian cao điểm, ngoài việc đậu xe trên lề đường bị phạt, tìm bãi giữ xe khó và giá giữ xe lại cao thì họ cũng phải cân nhắc.
Tất nhiên khi áp dụng giải pháp này thì phải chú trọng phát triển song song hệ thống công cộng như xe buýt, xe điện.
Hiện nay TP đang có chủ trương phát triển một số tuyến đi bộ như Nguyễn Huệ, Bùi Viện – trong đó cấm các phương tiện trong thời gian nhất định trong tuần, có thể xem đây như bước thử nghiệm dần dần tăng lên về thời gian trong ngày, trong tuần tiến tới nhân rộng một số khu vực khác.
Việc này là nên làm: thà muộn còn hơn không làm gì cả.