Những năm gần đây, người Trung Quốc đã thể hiện tham vọng cực lớn trong việc phát triển Trung Quốc thành một siêu cường công nghệ.
Khi mà các công ty Trung Quốc đang cố gắng dành hàng tỷ USD để mua lại các công ty đối thủ và công nghệ của họ, nhà đầu tư tại Trung Quốc trong khi đó lại đang cố gắng để thu hút các nhà điều hành công nghệ và nhà khoa học Trung Quốc quay trở về nước làm việc.
Nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư nhà nước Trung Quốc đã thành lập ra quỹ để thu hút nhân tài công nghệ tại nhiều công ty như Google, Apple, Airbnb và Facebook.
Họ muốn ngành công nghệ Trung Quốc phát triển nhanh và mang lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư. Chính phủ Trung Quốc đồng thời cũng thành lập ra một quỹ của chính phủ để tập trung thu hút sinh viên Trung Quốc giỏi tốt nghiệp từ các trường đại học nước ngoài.
“Họ nhận ra rằng nền kinh tế cần phải chuyển sang hoạt động sản xuất chất lượng cao. Chính vì vậy họ cần những tài năng người Trung Quốc còn đang ở nước ngoài quay trở về đất nước”, chuyên gia về kỹ thuật mới nhận tiền hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc để bỏ việc ở Đức quay lại Trung Quốc, ông Shan Guancun, nhận xét.
Một thập kỷ trước đây, phần lớn sinh viên Trung Quốc muốn ra nước ngoài để kiếm được việc làm tại một công ty Mỹ uy tín và chắc chắn họ không muốn đánh đổi cơ hội đó lấy bất kỳ điều gì khác, chuyên viên đầu tư công nghệ, ông Cheng Yuyuan, chỉ ra.
Tuy nhiên, khi mà hàng loạt công ty công nghệ Trung Quốc như Alibaba, Baidu hay Tencent ngày một lớn mạnh; cùng lúc tăng trưởng của thị trường công nghệ Internet, thương mại điện tử ngày một lớn; xu thế này ngày một khuyến khích nhiều chuyên gia công nghệ Trung Quốc đang sống tại Mỹ quay trở về nước.
“Chúng tôi vẫn tin rằng tài năng Trung Quốc còn đang làm việc rất nhiều tại các công ty Mỹ, chính vì vậy chúng tôi cố gắng đưa họ về nước”, ông Cheng cho biết.
Những năm gần đây, người Trung Quốc đã thể hiện tham vọng cực lớn trong việc phát triển Trung Quốc thành một siêu cường công nghệ. Trong năm ngoái, chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình tuyên bố chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu Trung Quốc sẽ đứng đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo vào năm 2030.
Từ năm 2014 đến nay, các công ty Trung Quốc đã dành khoảng 100 tỷ USD vào các vụ sáp nhập trong lĩnh vực công nghệ cũng như thâu tóm nhiều công ty công nghệ nước ngoài, theo tính toán của Dealogic.
Các quỹ thu hút nhân tài công nghệ Trung Quốc chi ra số tiền nhỏ hơn nhiều, thế nhưng cho đến nay cũng đã có thành công nhất định trong việc thu hút người tài.
Ví dụ như quỹ Zhen cho đến nay đã thuyết phục thành công một số giám đốc điều hành công nghệ, chuyên viên nghiên cứu đang làm việc tại Amazon, Apple, Oracle, Facebook, Intel, Google và Airbnb về Trung Quốc quản lý các công ty công nghệ mới được phát triển bằng tiền của nhà đầu tư.