Tòa án đã cho rằng cảnh sát nổ súng không cần thiết khiến người dân bị liệt nửa người.
>> Người gốc Việt bị cảnh sát bắn được bồi thường 11,3 triệu USD
LTS: Ngày 21-12, một bồi thẩm đoàn ở bang California (Mỹ) đã ra quyết định bồi thường 11,3 triệu USD (hơn 256,8 tỉ đồng VN) cho một người đàn ông tên là Hung Lam, 38 tuổi, người Mỹ gốc Việt, sau khi anh bị cảnh sát bắn vào lưng dẫn đến bại liệt. Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu lại hồ sơ vụ án để độc giả có thể nắm thông tin toàn cảnh sự việc.
Những người sống tại khu vực xảy ra vụ án nói với Reuters đây là vùng tiếp giáp với Công viên Penitencia Creek, nơi rất yên tĩnh và hiếm khi thấy bóng dáng cảnh sát xuất hiện. Các vụ cảnh sát bắn nhầm người vô tội không phải là hiếm tại nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, vụ anh Hung Lam bị một nữ cảnh sát bắn nhầm hồi tháng 1-2014 cho thấy động cơ nổ súng của nữ cảnh sát là quá mức thận trọng.
Phát súng “đường cùng” của nữ cảnh sát?
Vào một buổi chiều thứ Sáu của tháng 1-2014, ở khu phố 1800 Cape Horn Drive – San Jose (Mỹ), hai người đàn ông, một trong đó là Hung Lam, đã xảy ra tranh cãi tại nhà riêng. Khi Hung Lam cầm khư khư một con dao và vẻ mặt toát lên sự bất thường, ngay lập tức cảnh sát được thông báo đến hiện trường để giải quyết sự việc vào khoảng 3 giờ chiều.
Người phát ngôn của cảnh sát San Jose – Albert Morales cho biết: “Các nhân viên cảnh sát đã cố gắng đi vào trong căn hộ và xoa dịu tình hình nhưng một người đàn ông (chính là Hung Lam – PV) vẫn cầm chặt con dao mà không chịu để xuống”.
Albert Morales kể trên tờ Mercury News rằng Hung Lam không những không nghe lời khuyên của cảnh sát mà còn từ từ di chuyển về phía nữ cảnh sát. Nữ cảnh sát TP San Jose ra hiệu, yêu cầu Hung Lam dừng lại và đặt con dao xuống trong khi đồng nghiệp của nữ cảnh sát đã ở thế thủ bằng súng.
“Dù trong tay Hung Lam chỉ là một con dao – thứ khó có thể tạo ra nguy hiểm trước các nòng súng của cảnh sát, tuy nhiên điều không may là sự việc diễn tiến quá nhanh và nữ cảnh sát đã không còn chọn lựa nào khác là nổ súng với nghi phạm” – Morales nói thêm.
Sau khi xảy ra vụ án Hung Lam, cảnh sát từ chối cho biết tên của nữ cảnh sát nhưng tiết lộ rằng cô ấy là một viên cảnh sát kỳ cựu với bề dày kinh nghiệm đáng nể trong đội cảnh sát San Jose. Về sau tên của nữ cảnh sát được công bố là Dondi West.
Dondi West kể lại trước tòa rằng Hung Lam cầm điện thoại di động nhưng ban đầu cô tưởng đó là con dao nên yêu cầu anh ta bỏ xuống. Hung Lam để cái điện thoại xuống nhưng sau đó rút ra từ thắt lưng con dao. Ngay lập tức Dondi West lùi lại, còn Hung Lam vẫn bước ra ngoài đường (xa dần nữ cảnh sát).
Tuy nhiên, khi Hung Lam ra đến con đường trước nhà, đột nhiên Hung Lam bắt đầu di chuyển ngược về phía nữ cảnh sát và nhìn vào mặt cô ấy. Dondi West nói thêm cô đã cố lùi lại nhưng phía sau đã vướng bụi cây, trong khi Hung Lam đã tiến rất gần đến cô nên cô phải nổ súng. Cô bóp cò ba lần vào Hung Lam. Một tình tiết quan trọng là Dondi West bị cận thị, khi xảy ra sự việc nữ cảnh sát đã không hề mang mắt kính.
Hung Lam (không muốn lộ mặt), tại văn phòng luật sư John L. Burris, trả lời báo chí sau phán quyết San Jose bồi thường cho ông 11,3 triệu USD. (Ảnh: MERCURY NEWS)
Dọa tự sát thì bất ngờ bị bắn
Các phương tiện truyền thông dẫn lại lời phía cảnh sát cho biết ông Hung Lam đã bị trúng ít nhất một viên đạn và ngay lập tức được chuyển đến bệnh viện. Đêm cùng ngày xảy ra sự việc, các bác sĩ cho biết vết thương không nghiêm trọng đến mức lấy đi sinh mạng của Hung Lam.
Cảnh sát tiến hành điều tra, kết luận Hung Lam và người đàn ông cãi nhau đều đã biết nhau trước khi xảy ra vụ việc. Không có dấu hiệu cho thấy vụ cãi nhau liên quan đến băng đảng hay phe phái.
Không đồng tình với lời khai của nữ cảnh sát Dondi West, Hung Lam cho rằng ông đã bị bắn oan. Theo lời khai của Hung Lam, khi cảnh sát San Jose ập đến, Hung Lam lo lắng sẽ còn ai đó khác đang ở trong nhà nên đã tiến ra ngoài sân trước nhà và dọa sẽ tự sát nếu có ai đi theo.
Ông khẳng định không có ý tấn công bất kỳ ai, kể cả cảnh sát Dondi West. Lời khai này của Hung Lam được Helen Anderson, nhân chứng quan trọng của vụ án, đồng tình. Anderson là cảnh sát trưởng đã về hưu của quận San Mateo, cũng là hàng xóm của Hung Lam.
Khi nữ cảnh sát nổ súng, Anderson cũng có mặt tại hiện trường. Vị này kể lại: “Nữ cảnh sát Dondi West đã nổ súng bắn Hung Lam khi Hung Lam đang quay lưng về phía các viên cảnh sát (chứ không phải quay mặt về phía cảnh sát như Dondi West kể lại). Khi đó Hung Lam chĩa con dao vào bụng mình. Tuy Hung Lam có di chuyển nhưng đã dừng với khoảng cách an toàn đối với Dondi West trước khi nữ cảnh sát này quyết định nổ súng.
Anderson cho rằng Hung Lam không có ý định và cũng không có dấu hiệu cho thấy sẽ tấn công nữ cảnh sát Dondi West. Thậm chí con dao cũng không gây nguy hiểm với cảnh sát trong tay có súng. Việc nữ cảnh sát dùng “phương án cuối cùng có thể gây thiệt mạng Hung Lam – nổ súng” là hoàn toàn không cần thiết, gây hậu quả nghiêm trọng.
Không chỉ Anderson, chính một cảnh sát khác có mặt ngày hôm đó – Dan Phelan cũng kể lại mặc dù Hung Lam đã di chuyển một cách bất định trong suốt quá trình xảy ra vụ việc, tuy nhiên Dan Phelan không thấy Hung Lam có ý định di chuyển về phía nữ cảnh sát Dondi West.
Mức bồi thường 11,3 triệu USD
Hôm 22-12 vừa qua, hai luật sư của Hung Lam, Ben Nisenbaum và John L. Burris, cho rằng chiếu theo luật pháp Mỹ, cảnh sát San Jose đã lạm dụng bạo lực quá mức đối với trường hợp của Hung Lam.
Theo các luật sư của Hung Lam, đối với các trường hợp nghi ngờ cảnh sát nổ súng không hợp lý trước đây, thường thì phía cảnh sát sẽ được bồi thẩm đoàn “trao cho niềm tin tuyệt đối” trong việc thực thi công lý nhưng bây giờ điều đó không còn nữa. Các mối quan ngại ngày càng gia tăng về việc cảnh sát lạm dụng bạo lực với nghi phạm đã buộc phía bồi thẩm đoàn phải thay đổi quan niệm.
Các luật sư tại TP San Jose trong suốt phiên tòa kéo dài ba tuần cho rằng nữ cảnh sát Dondi West đã phải đối diện với nỗi sợ vượt ngưỡng về an toàn của bản thân trước khi nổ súng. Tuy nhiên, bồi thẩm đoàn gồm tám thành viên, trong đó có sáu người châu Á (nhưng không có người Việt Nam) cho rằng Dondi West đã phạm phải sai lầm lớn khi nổ súng bắn Hung Lam.
Theo luật pháp Mỹ, TP San Jose phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với những gì đã gây ra với nạn nhân. Sau khi bị bắn, Hung Lam đã bị liệt nửa người, phải ngồi xe lăn suốt đời.
Tuy nhiên, phía bồi thẩm đoàn cũng phán quyết, với hành vi “nhạy cảm” của mình (cầm dao với các hành động khác thường), Hung Lam phải chịu 35% trách nhiệm đối với sự việc đã xảy ra. Phía TP San Jose đề xuất bồi thường 4 triệu USD, trong khi người bảo vệ pháp lý của Hung Lam cho rằng ông ta xứng đáng được bồi thường 20 triệu USD. Bồi thẩm đoàn quyết định San Jose phải bồi thường tổn thất kinh tế và tổn thất tinh thần số tiền 11,3 triệu USD cho Hung Lam.
Luật sư Rick Doyle – đại diện cho phía cảnh sát San Jose đang cân nhắc việc kháng cáo để giảm bớt thiệt hại cho TP, tuy nhiên ông cũng đồng ý rằng phán quyết của bồi thẩm đoàn được đưa ra trong bối cảnh các lo ngại về việc cảnh sát lạm dụng bạo lực ngày càng tăng khiến không khí chính trị trên toàn nước Mỹ trở nên căng thẳng.
“Rõ ràng là như vậy. Có rất nhiều bài báo về cảnh sát lạm dụng bạo lực trên đất nước này” – Doyle cho hay. Chính quyền San Jose đang tìm cách ngăn chặn các vụ việc tương tự xảy ra tại TP vốn có rất đông (hơn 100.000) người Mỹ gốc Việt đang sinh sống tại đây.
Người Việt ít gọi cảnh sát Mỹ vì sợ bạo lực
Luật sư Rick Doyle cho rằng rất nhiều người trong hơn 100.000 người Việt ở San Jose rất lo lắng chuyện gọi cảnh sát đến nhà khi có tội phạm. Người đứng đầu TP San Jose – Jethroe Moore cho rằng người Việt ở đây không tin cảnh sát là những người bảo vệ họ, nhất là sau các vụ tai tiếng đình đám như việc cảnh sát bắn chết bà Bich Cau Thi Tran, một người mẹ gốc Việt bị tâm thần hồi năm 2003.
Các vụ tai tiếng của cảnh sát khiến người Việt ở San Jose lo lắng cảnh sát không được tập huấn cụ thể kỹ năng giải quyết các trường hợp có dấu hiệu tâm thần hay có vấn đề về tâm lý. “Rất nhiều người Việt ở đây cho rằng cảnh sát đến nhà sẽ dùng vũ lực. Kết quả là bạo lực gia đình thường xảy ra”.