Tiêm kích đa nhiệm, tàu hộ tống tàng hình và các vũ khí lợi hại khác là đòn bẩy của Thổ Nhĩ Kỳ, khiến nước này trở thành một lực lượng quốc phòng đáng kể trong khối NATO.
Từ trước khi chiến đấu cơ F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay ném bom Su-24 của Nga hôm 24/11 tại Syria, nơi đây đã luôn là nguồn gốc chính của những căng thẳng giữa Ankara và Moscow. Ngay từ đầu cuộc xung đột tại Syria năm 2011, Nga và Iran đã ủng hộ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, còn Thổ Nhĩ Kỳ cùng Arab Saudi, Qatar và Mỹ hậu thuẫn cho phe nổi dậy chống Assad.
Sau khi lực lượng của ông Assad bắn rơi máy bay trinh sát RF-4 của Thổ Nhĩ Kỳ trên Địa Trung Hải tháng 6/2012, Ankara đã áp đặt luật giao chiến mới, với những quan điểm pháp lý khá mơ hồ, chống lại Damascus. Trong 3,5 năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn rơi hơn nửa tá chiến đấu cơ cùng trực thăng và máy bay không người lái Syria bị cáo buộc vi phạm không phận.
Theo National Interest, do Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO và có khả năng tiếp cận tốt hơn với chiến trường Syria, còn Nga có sức mạnh quân sự vượt trội, một cuộc chiến toàn diện giữa hai bên khó có khả năng xảy ra. Dù vậy, nguy cơ đối đầu lẻ tẻ, tương tự như vụ việc ngày 24/11 có khả năng xảy ra, nhất là sau khi Bộ Tổng tham mưu Nga tuyên bố sẽ giữ lập trường cứng rắn hơn với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Ankara cũng có những thiết bị quân sự đáng gờm, sẽ khiến Nga không dễ lấn lướt.
Tiêm kích F-16 và tên lửa tầm trung AIM-120
Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu khoảng 250 chiến đấu cơ F-16. Ảnh: TuAF
Không quân Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu gần 250 tiêm kích đa nhiệm F-16, trong đó có 30 chiếc thuộc phiên bản Block 50+ mới nhất. Những chiếc F-16 này được sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ theo giấy phép của Mỹ, và có trong biên chế không quân nước này từ giữa những năm 1980. Điều đó có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều kỹ năng và kinh nghiệm vận hành mẫu chiến đấu cơ đa nhiệm trong mọi hoàn cảnh.
Tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 do Mỹ chế tạo chính là vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ đã dùng để bắn rơi máy bay Su-24 Nga. Đây là vũ khí rất nguy hiểm khi song hành cùng F-16, với tầm bắn gần 50 km, được đánh giá là mối đe dọa nghiêm trọng cho máy bay Nga ở Syria.
Hệ thống gây nhiễu KORAL
Hệ thống gây nhiễu radar linh động KORAL là bổ sung mới nhất cho năng lực tác chiến điện tử của Thổ Nhĩ Kỳ. Được thiết kế bởi công ty nhà nước Aselan, hệ thống phòng thủ/tấn công điện tử này có khả năng gây nhiễu và đánh lừa các loại radar thông thường cũng như phức tạp của đối phương. KORAL có thể phân tích cùng lúc nhiều tín hiệu mục tiêu trông dải tần lớn, tự động phát ra những phản ứng phù hợp nhờ bộ nhớ tần số vô tuyến kỹ thuật số.
Với tầm hoạt động hiệu dụng trên 150 km, KORAL được cho là có thể làm nhiễu và đánh lừa bất kỳ hệ thống radar trên không, trên biển và trên bộ nào. Hệ thống mới này có thể hạn chế khả năng nhận biết tình huống của người Nga, tăng cường gây nhiễu và làm mù các hệ thống vũ khí có thể đe dọa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Tàu ngầm lớp Gür
Tàu ngầm lớp Gür. Ảnh: Wiki
Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu 4 tàu ngầm lớp Gür, vốn được xem là một trong những loại tàu ngầm diesel – điện tốt nhất thế giới. Được thiết kế dựa trên mẫu Type 209 T2/1400 của Đức, tàu ngầm Gür được trang bị tên lửa đối hạm Harpoon (UGM-84), cùng các ngư lôi hạng nặng DM2A4 của Đức và Tigerfish của Anh.
Tàu ngầm Thổ Nhĩ Kỳ cũng được trang bị hệ thống phát hiện và bắt mục tiêu tối tân, khiến Gür trở thành một tay thợ săn yên lặng và nguy hiểm, có thể đe dọa các đội tàu nổi của Nga đóng tại đông Địa Trung Hải. Với việc lực lượng hải quân Nga tại Syria thiếu năng lực tác chiến chống ngầm, Gür sẽ là đòn bẩy lớn cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Tàu hộ tống tàng hình lớp Ada
Tàu hộ tống tàng hình lớp Ada. Ảnh: Defence
Tàu tàng hình lớp Ada là một nền tảng hải quân khác có thể là mối de dọa với các nhóm tàu nổi và hậu cần của Nga trên Địa Trung Hải. Do Thổ Nhĩ Kỳ tự thiết kế và chế tạo, Ada được trang bị 8 tên lửa Harpoon Block II, pháo OtoMelara Super Rapid 76 mm cùng nhiều vũ khí khác.
Các tàu có tính năng tàng hình cao này rất khó bị phát hiện do tín hiệu radar, hồng ngoại và âm thanh phát ra đều được giảm thiểu. Ada còn được hỗ trợ bởi radar ít khả năng bị can thiệp (LPI), có thể tiếp cận các tàu nổi của đối phương và ra đòn hiểm.
Lực lượng SAT. Ảnh: sualtihaberleri
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn có đội đặc nhiệm hải quân Sualtı Taarruz Timleri (Đội tấn công dưới nước) gọi tắt là SAT. Đây là lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. SAT có thể hoạt động trong mọi môi trường, xâm nhập vào sau giới tuyến địch từ trên không, trên bộ hoặc trên biển để đột kích các mục tiêu giá trị cao. Họ gây nhiễu loạn hoặc tấn công vào các cơ sở cảng biển, tàu đang thả neo.
Những “thợ lặn” này có khả năng tác chiến xuất sắc. Đặc biệt là trong một cuộc xung đột nhỏ, SAT sẽ có thể thực hiện những chiến dịch nguy hiểm nhằm vào hạ tầng ven biển Syria và tàu của Nga tại Địa Trung Hải.
Khi quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ngày càng xấu đi, Mỹ và NATO đang kêu gọi hai bên xuống thang căng thẳng. Một cuộc chiến tranh, ngay cả với phạm vi hạn chế, sẽ là điều tồi tệ với cả hai bên.
Xem thêm: Nga tăng răn đe Thổ Nhĩ Kỳ bằng tên lửa không đối không
Hoàng Nguyên