Những người nước ngoài tại Nhật Bản, trong đó có người Việt Nam, có thể gọi điện thoại đến dịch vụ đa ngôn ngữ bằng tiếng Việt để đề nghị giúp đỡ sau các trận động đất mạnh tuần trước.
Dòng chữ “Cơm, nước, thực phẩm dự trữ và giúp đỡ“ được viết trên sân một trung tâm phúc lợi cho người già sau động đất ở thị trấn Mifune, tỉnh Kumamoto, miền nam Nhật Bản ngày 17/4.
Theo Asahi Shinbum, công ty BeBorn ở tỉnh Fukuoka đang cung cấp một dịch vụ thông dịch miễn phí qua điện thoại 24/24h bằng 10 ngôn ngữ để tạo điều kiện liên lạc cho chính quyền địa phương và những người nước ngoài đang gặp khó khăn do hậu quả của động đất trên đảo Kyushu.
“Thật không may cho cả người Nhật Bản và người nước ngoài nếu người nước ngoài chịu ảnh hưởng từ đợt thiên tai gần đây không được giúp đỡ chỉ vì vướng mắc về ngôn ngữ”, chủ tịch BeBorn, ông Toshiyuki Oniki, nói. “Trước tình hình khẩn cấp mà chúng ta đang đối mặt, chúng tôi đã suy nghĩ xem mình có thể giúp được gì”.
BeBorn từ lâu đã cung cấp dịch vụ thông dịch qua điện thoại cho các chính quyền địa phương, các hãng cho thuê xe và các bệnh viện có nhu cầu. Hiện công ty sẽ ưu tiên cho các cuộc gọi khẩn cấp liên quan tới động đất. Các ngôn ngữ mà BeBorn hỗ trợ là tiếng Anh, Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp và Nga.
Trước khi dịch vụ này bắt đầu, trong vòng hai ngày 15-16/4, sau khi cơn địa chấn đầu tiên mạnh 6,4 độ Richter làm rung chuyển tỉnh Kumamoto trên đảo Kyushu, BeBorn đã tiếp nhận khoảng 100 cuộc gọi.
Công ty dự kiến cung cấp dịch vụ đa ngôn ngữ đến cuối tháng 8. Người Việt ở khu vực động đất cần hỗ trợ có thể gọi điện bằng tiếng Việt đến số 092-687-5137.
Có hơn 1.600 người Việt đang sinh sống, làm việc và học tập ở tỉnh Kumamoto. Ngày 17/4, Tổng Lãnh sự quán Việt nam tại Fukuoka đã cử cán bộ mang theo đồ ăn, nước uống đến vùng bị nạn tại Kumamoto để trực tiếp nắm tình hình, động viên cộng đồng người Việt.
Hai trận động đất mạnh cuối tuần trước ở Nhật Bản làm ít nhất 44 người chết, hơn 1.000 người bị thương, hàng trăm nghìn người phải sống trong lều trại, ôtô, trung tâm tạm trú. Đây được coi là thảm họa tồi tệ nhất xảy ra ở Nhật sau thảm họa động đất, sóng thần và hạt nhân Fukushima năm 2011.