Việc Nga triển khai cùng lúc nhiều hệ thống phòng không nhạy bén ở Syria khiến Mỹ phải thận trọng khi tiến hành không kích IS.
“Chim ăn thịt” F-22 Raptor bay huấn luyện hồi tháng 6/2009. Ảnh: Defenseone
Sau vụ khủng bố Paris, liên quân do Mỹ dẫn đầu có thể sẽ đẩy mạnh các cuộc không kích phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS). Giới phân tích cho rằng chiến dịch không kích này sẽ không thể ồ ạt như Nga, mà phải được tiến hành một cách thận trọng, không hẳn vì lý do giảm thiểu thương vong cho thường dân.
Ông Jahara Matisek, chuyên gia về công nghệ không quân ở Đại học Northwestern, cho rằng Mỹ và đồng minh đang đứng trước nguy cơ để lộ các thông tin tuyệt mật về hệ thống vũ khí của mình trước một loạt “mắt thần” tối tân mà Nga đã triển khai để liên tục canh gác bầu trời Syria, theo Defenseonse.
Hồi tháng 9, khi bắt đầu triển khai máy bay chiến đấu tới Syria, Nga cũng gửi kèm các hệ thống phòng không SA-22 Greyhound. Là một trong những vũ khí phòng không tiên tiến của Nga, SA-22 có thể khai hỏa diệt các mục tiêu ở khoảng cách gần 29 km.
Nga hầu như không phải lo lắng về mối đe dọa trên không của IS, và các chiến đấu cơ của NATO cũng không thể tấn công lực lượng dưới mặt đất của họ. Vì vậy, ông Matisek cho rằng nhiều khả năng Nga đang sử dụng hệ thống ăng-ten tinh vi của SA-22 để phát hiện và thu các sóng điện tử từ các máy bay chiến đấu tối tân của Mỹ và đồng minh.
Một trong những mối quan tâm đặc biệt của người Nga là tiêm kích tàng hình F-22 Raptor, vốn được coi là chiến đấu cơ tối tân nhất thế giới. Tháng 12/2014, các phi công F-22 Mỹ đã thực thi nhiệm vụ tác chiến đầu tiên vào các mục tiêu phiến quân IS ở Syria. Kể từ đó, F-22 vẫn được Mỹ sử dụng cho các cuộc không kích tại khu vực này.
Theo ông Matisek, việc theo dõi hoạt động của F-22 và các máy bay khác trong khu vực chiến sự là cách tốt nhất để cải thiện khả năng hoạt động trên thực tế của SA-22 và phần mềm của nó. Các thông tin thu thập được có thể được sử dụng để tăng cường thuật toán theo dõi, khả năng phòng không, cũng như năng lực nhận biết vũ khí của liên minh đang tham chiến trong một không gian chật chội.
Nga mới đây còn điều tuần dương hạm tên lửa Moskva trang bị một hệ thống phòng không S-300 Grumble có khả năng thu nhận tín hiệu xa tới 144 km đến bờ biển Syria. Ngoài ra, Nga còn triển khai cả hệ thống phòng không S-400 Triumf được cho là tối tân nhất thế giới, với “mắt thần” radar có phạm vi hoạt động 400 km, có thể phát hiện và bắn hạ cả F-22.
Nga mới triển khai hệ thống phòng không tối tân nhất thế giới S-400 tới Syria. Ảnh: Sputniknews
Việc triển khai các hệ thống phòng không hiện đại này đồng nghĩa với việc khi Mỹ có ý định tấn công các mục tiêu IS thì cần phải có chiến lược để che giấu các đặc điểm vũ khí và tránh bị các “mắt thần” trong hệ thống radar của Nga phát hiện.
Nếu không có các biện pháp đề phòng, Mỹ và đồng minh sẽ tạo điều kiện cho các chuyên gia chống tiếp cận/chống thâm nhập của Nga có không gian, thời gian và dữ kiện thực tế để cải thiện các phần mềm và hệ thống phòng không của họ.
Ông Matisek cho rằng để đảm bảo an toàn, Mỹ cần phải ngừng sử dụng F-22 ở Syria, bởi khả năng tàng hình của nó gần như không còn cần thiết nữa, trong khi mỗi lần F-22 xuất kích đều có thể bị Nga theo dõi. Hạn chế sử dụng các hệ thống điện tử tiên tiến khác cũng có nghĩa là hạn chế các nỗ lực của tình báo Nga nhằm thu thập thông tin và tái định hình các vũ khí, học thuyết, chiến lược và các chiến thuật của Mỹ và đồng minh.
Theo đó, Matisek cho rằng cường kích A-10 là loại chiến đấu cơ thích hợp nhất cho kiểu môi trường tác chiến ở Syria, chủ yếu là nhờ hỏa lực mạnh cùng công nghệ và thiết bị điện tử đời cũ của nó.
Nếu Mỹ để lộ các thông tin nhạy cảm về máy bay tối tân nhất cùng hệ thống điện tử và các chiến thuật của mình, họ sẽ có nguy cơ thất bại trong cuộc chiến trong tương lai khi đối thủ của họ thật sự có khả năng bắn hạ cả những “át chủ bài” tiên tiến nhất, chuyên gia này nhấn mạnh.