Gỡ vướng BHYT cho người nhiễm HIV

Từ quý III/2017, BHXH Việt Nam có thể bắt đầu chi trả tiền thuốc ARV cho người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT

Nhiều ý kiến lo ngại việc điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS có thể bị gián đoạn bởi nguồn lực tài trợ kinh phí cho việc điều trị HIV/AIDS đang cắt giảm trong khi phần lớn nhóm đối tượng này chưa tham gia BHYT.

Lo người nhiễm HIV bỏ dở điều trị

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện Việt Nam có khoảng 230.000 người nhiễm HIV/AIDS còn sống. Từ trước tới nay, chi phí điều trị kháng virus và các bệnh nhiễm trùng cơ hội cho người nhiễm HIV đều từ tài trợ quốc tế. Tuy nhiên từ năm 2017, các nhà tài trợ sẽ giảm và sau năm 2018 thì gần như sẽ ngừng tài trợ cho điều trị và dự phòng HIV ở Việt Nam. Ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, cho biết để bảo đảm tính bền vững cho công tác phòng chống HIV/AIDS, cần sử dụng nguồn từ BHYT để thanh toán chi phí chăm sóc, điều trị, xét nghiệm cho người nhiễm HIV/AIDS, bao gồm cả thuốc điều trị kháng virus (ARV). “Nguy cơ lớn nhất là người nhiễm HIV không có BHYT gặp khó khăn tài chính là việc người bệnh bỏ dở điều trị dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Hậu quả là việc điều trị sẽ vô cùng khó khăn và tốn kém gấp bội phần. Hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bằng BHYT của người nhiễm HIV ở Việt Nam vẫn còn thấp” – ông Cảnh lo ngại.

Theo thống kê đến hết năm 2016, cả nước có khoảng 116.000 bệnh nhân đang điều trị ARV. Trong khi đó hiện tỉ lệ bệnh nhân tham gia điều trị HIV/AIDS có thẻ BHYT mới đạt khoảng 50%. Hiện chi phí điều trị HIV/AIDS cho một bệnh nhân rất khác nhau. Nếu chỉ tính chi phí thuốc ARV với phác đồ phổ biến nhất (phác đồ bậc 1) thì tiền thuốc khoảng gần 4 triệu đồng/người/năm. Nếu người bệnh kháng thuốc phải sử dụng phác đồ cao hơn, chi phí cho thuốc ARV đắt hơn gấp nhiều lần.

thuoc-1491907060587

Một trong hàng trăm cơ sở cấp phát thuốc ARV miễn phí

Bảo hiểm sẵn sàng chi trả

Đại diện BHXH Việt Nam cho biết hiện cơ quan này đang cùng Bộ Y tế xây dựng thông tư hướng dẫn thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV. Dự kiến từ quý III/2017 có thể bắt đầu chi trả tiền thuốc ARV cho người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT. “Khi các nguồn tài trợ rút đi, quỹ BHYT sẽ chi trả những chi phí của thuốc ARV theo như quy định. Tuy nhiên, đối với việc làm thế nào để người nhiễm HIV có cơ hội tiếp cận với dịch vụ BHYT là câu chuyện chung của cả 2 ngành cũng như xã hội. Chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Y tế tổ chức các đợt tuyên truyền để người nhiễm HIV hiểu được lợi ích khi tham gia BHYT trong giai đoạn thuốc ARV không còn được cung cấp miễn phí nữa” – đại diện BHXH Việt Nam chia sẻ.

Ông Cảnh cũng cho biết khi tham gia BHYT, người nhiễm HIV bên cạnh việc được khám, điều trị, xét nghiệm và được thanh toán theo chế độ của BHYT, họ được cấp thuốc kháng virus, được hưởng các chế độ liên quan đến những bệnh nhiễm trùng cơ hội và được thanh toán liên quan đến chế độ thai sản nếu bị nhiễm HIV. Người nhiễm HIV tham gia BHYT có thể đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn cấp huyện, cấp tỉnh. Người nhiễm HIV đang điều trị ARV ở đâu, nếu có nhu cầu thì được tiếp tục điều trị tại cơ sở đó khi tham gia BHYT. Hiện nay, chúng ta có hơn 350 điểm điều trị cho người nhiễm HIV bằng thuốc ARV. Trong đó gần 250 điểm đang nằm ở các bệnh viện tỉnh, huyện.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Phòng chống HIV/AIDS thừa nhận dù đã có nhiều cải thiện nhưng vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS hiện nay vẫn là rào cản hạn chế việc tiếp cận các dịch vụ dự phòng, điều trị và chăm sóc cho người nhiễm HIV. Sự kỳ thị, phân biệt đối xử vẫn là nguyên nhân khiến dịch HIV tăng nhanh bởi người nhiễm HIV hoặc có nguy cơ nhiễm HIV lẩn tránh, không đến xét nghiệm sớm để biết tình trạng nhiễm.

Ông Cảnh cho biết hiện Bộ Y tế đang xây dựng chương trình hành động bao gồm tài liệu truyền thông và tập huấn nâng cao nhận thức của cán bộ y tế HIV/AIDS để giảm dần tới xóa bỏ kỳ thị phân biệt đối xử trong môi trường y tế. “Việc thanh toán qua BHYT chắc chắn không làm khó người nhiễm HIV khi tiếp cận dịch vụ bởi họ sẽ nhận thẻ BHYT, trong đó có mã số mà chỉ bác sĩ điều trị mới biết họ là người nhiễm HIV, tương tự như đối tượng người nghèo, người có công… đi khám chữa bệnh” – ông Cảnh nói.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng khẳng định sẽ tạo điều kiện để 100% người nhiễm HIV/AIDS được mua thẻ BHYT, có thể cho phép các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS mua BHYT theo cá nhân, không mua theo hộ gia đình mà vẫn bảo đảm quyền như những thẻ BHYT khác.

Mua thẻ BHYT không cần khai báo tình trạng bệnh

Đại diện BHXH Việt Nam cho biết khi mua thẻ BHYT, người dân không cần khai có bị mắc bệnh lý nào hay không. Người tham gia BHYT có quyền được giấu kín thông tin bị nhiễm HIV mà không phải cung cấp thông tin mắc bệnh gì khi mua thẻ BHYT.

Thông báo tuyển trực tiếp xuất khẩu lao động Nhật Bản

Thông báo tuyển dụng trực tiếp xuất khẩu lao động Đài Loan

comments

Nội dung liên quan