Bộ Ngoại giao Nhật Bản hôm 30-9 cho biết Bắc Kinh đang giam giữ 2 công dân nước này vì tình nghi làm gián điệp.
Trung Quốc kết án tử hình một gián điệp quân sự
Vụ bắt giữ được phía Trung Quốc thực hiện hồi tháng 5 vừa qua, có liên quan đến một nhóm các nhà ngoại giao Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Những người này lúc đó đang sắp xếp một hội nghị thượng đỉnh bao gồm quan chức ngoại giao của 3 nước.
Tokyo từ chối xác nhận danh tính 2 công dân của mình – được cho là 2 người đàn ông. Vụ bắt giữ chỉ được công bố sau khi báo Asahi Shimbun đưa tin. Khi được hỏi liệu có phải Nhật Bản gửi gián điệp tới hoạt động ở Trung Quốc, một phát ngôn viên của chính phủ nước này tuyên bố: “Chúng tôi không bao giờ làm như vậy. Tôi muốn nói điều tương tự với tất cả các quốc gia khác”.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga trong một cuộc họp báo cho biết Tokyo đã được báo cáo về sự việc nhưng không muốn tiết lộ thông tin chi tiết lúc này. “Chúng tôi luôn nỗ lực vì sự an toàn của công dân mình” – ông Suga cho hay.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga từ chối tiết lộ thông tin vụ gián điệp.
Theo tờ Asahi Shimbun, một công dân Nhật Bản bị giam ở tỉnh Chiết Giang gần một căn cứ quân sự phía Nam TP Thượng Hải, công dân còn lại bị giam ở tỉnh Liêu Ninh gần biên giới Triều Tiên. Đài truyền hình NHK (Nhật Bản) cũng đang điều tra báo cáo Bắc Kinh giam giữ một công dân nước thứ 3 cùng thời điểm 2 người Nhật bị bắt giữ.
Quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh từ lâu đã bị cản trở bởi vấn đề lịch sử chiến tranh và tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Vụ việc nói trên có thể làm xấu thêm mối quan hệ giữa 2 cường quốc châu Á.
Trong năm 2010, 4 công dân Nhật Bản bị tạm giam ở Trung Quốc vì nghi ngờ vào một khu quân sự và chụp ảnh mà không có sự cho phép. Vụ bắt giữ xảy ra giữa thời điểm quan hệ Trung – Nhật đang leo thang căng thẳng. Hồi tháng 3 năm nay, Trung Quốc bắt doanh nhân Sandy Phan-Gillis (55 tuổi, người Mỹ gốc Hoa) và buộc tội bà làm gián điệp.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng siết chặt các quy định và luật an ninh, bao gồm việc thành lập một ủy ban an ninh quốc gia mới và đổi tên bộ luật an ninh quốc gia – có hiệu lực từ năm 1993 – thành Luật Phản gián.