Mỹ bỏ cấm vận, kinh tế Cuba khởi sắc

Cuba

 

Du khách Mỹ tạo dáng chụp ảnh trước Tòa nhà Quốc hội Cuba ở thủ đô Havana – Ảnh: AFPTổ chức đánh giá tín dụng Moody’s (Mỹ) hôm 10.12 tăng mức tăng trưởng dự báo của Cuba vì cho rằng nền kinh tế của đảo quốc này sẽ hưởng lợi từ việc Mỹ bỏ cấm vận.

 

AFP dẫn báo cáo của Moody’s cho biết kinh tế Cuba sẽ tăng khoảng 3,5% trong năm nay. Con số ước tính này cao hơn hẳn so với mức 2,3% được tổ chức này đưa ra trước đó.

Moody’s cho rằng Cuba đang vượt qua khó khăn phát sinh từ việc Venezuela giảm viện trợ. Venezuela trong nhiều năm qua đóng vai trò như “giá đỡ” chủ chốt hỗ trợ cho kinh tế Cuba qua nhiều hình thức, chẳng hạn như bán dầu với giá cực thấp.

Mặc dù việc Venezuela giảm hỗ trợ làm trì trệ khoảng 1% tăng trưởng kinh tế Cuba hồi năm 2014, nhưng “chính sách đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại và tài chính (của Cuba) có vẻ đã thành công và đồng nhất với quá trình nới lỏng lệnh cấm vận từ phía Mỹ”, Moody’s bình luận.

Sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa 2 nước sau gần 6 thập kỷ đóng băng, Mỹ đang loại bỏ dần các biện pháp cấm vận đối với Cuba và điều này đã giúp thúc đẩy các chính sách cải cách, cũng như đem lại mức tăng đến 16% về doanh thu du lịch tại đảo quốc vùng Caribbe.

Theo Moody’s, nếu cứ tiếp tục xu hướng này, kinh tế Cuba sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn nữa.

“Việc Mỹ ngày càng tham gia vào kinh tế Cuba sẽ tác động mạnh đến các hoạt động về kinh tế vì nó có thể tạo ra làn sóng đầu tư từ các nhà đầu tư không phải người Mỹ, những người muốn đón đầu các đợt du khách ồ ạt đến Cuba”, Moody’s nhận định.

Mặc dù đánh giá cao triển vọng tăng trưởng kinh tế Cuba, nhưng Moody’s vẫn xếp tín nhiệm tín dụng của đảo quốc này ở mức rất thấp, CAA2, tức có mức độ rủi ro tín dụng rất cao.

Tuy nhiên, tổ chức Mỹ đã nâng mức đánh giá triển vọng kinh tế Cuba từ ổn định lên tích cực, qua đó dự đoán khả năng nền kinh tế này có thể sẽ tăng hạng tín nhiệm tín dụng nếu mọi việc tiếp tục được cải thiện.

Ngày 9.12, cuộc thảo luận đầu tiên giữa phái đoàn Cuba và Mỹ về vấn đề bồi thường lẫn nhau diễn ra tại thủ đô Havana của Cuba, theo AFP. Đại diện nước chủ nhà là Thứ trưởng Ngoại giao Abelardo Moreno Fernandez, còn đoàn Mỹ do bà Mary McLeod, quyền Cố vấn pháp lý của Bộ Ngoại giao dẫn đầu.

Tại cuộc gặp, Washington nêu yêu cầu bồi thường khoảng 7 – 8 tỉ USD cho gần 6.000 tập đoàn và cá nhân Mỹ có tài sản trên lãnh thổ Cuba bị tịch thu trong quá trình quốc hữu hóa kể từ năm 1959. Ban đầu, quy định về quốc hữu hóa của chính quyền cách mạng Cuba có đặt ra cơ chế đền bù và nhiều pháp nhân Mỹ đã tham gia đàm phán. Tuy nhiên, đến năm 1960, Washington ngừng hạn ngạch nhập khẩu đường mía từ Cuba, khi đó đang ở mức 700.000 tấn/năm, theo tờ The Washington Post. Để trả đũa, Havana thông qua luật 851 quy định quốc hữu hóa cưỡng bức mọi tài sản của Mỹ tại Cuba. Cần nhấn mạnh, quốc hội Mỹ xem việc Cuba đền bù là một trong những điều kiện tiên quyết để xóa bỏ lệnh cấm vận đã kéo dài hơn nửa thế kỷ, “tảng đá” lớn nhất trong lộ trình bình thường hóa.

Ở phía bên kia, Cuba yêu cầu được đền bù cho những thiệt hại khổng lồ phải gánh chịu do lệnh cấm vận nói trên. AFP ngày 9.12 dẫn thống kê do các cấp thẩm quyền Cuba thông qua vào năm 2000 ước tính thiệt hại kinh tế của nước này khoảng 121 tỉ USD. Còn lớn hơn nữa là yêu cầu đền bù 181 tỉ USD cho “thiệt hại về con người” liên quan đến cấm vận cũng như các cuộc tấn công phá hoại của lực lượng Mỹ và những người Cuba lưu vong gây ra, đưa con số đòi bồi thường tổng cộng lên đến hơn 300 tỉ USD.

Phát biểu sau cuộc gặp hôm 9.12, cả hai bên cho biết đã trao đổi trong không khí “chuyên nghiệp và tôn trọng lẫn nhau”. Mỹ và Cuba đưa ra những kiến nghị bồi thường của mình và nhất trí sẽ tiếp tục gặp nhau vào tháng 1.2016. The Washington Post dẫn lời giới quan sát đánh giá tuy chưa có kết quả cụ thể nhưng bản thân cuộc gặp đã là một bước đột phá. “Nội việc 2 nước chịu ngồi lại với nhau về yêu cầu đòi bồi thường sau quá nhiều thập niên thù địch đã là một thành công lớn”, chuyên gia Richard Feinberg thuộc Viện Brookings nhận định. Trước đó, Chủ tịch Cuba Raul Castro đã nói quá trình đàm phán “sẽ phức tạp và kéo dài”, theo AFP.

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh sắp tới kỷ niệm một năm ngày lịch sử khi Chủ tịch Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng thông báo hướng tới tái thiết lập quan hệ ngoại giao (17.12.2014). Từ đó đến nay, hai bên đã chính thức mở lại đại sứ quán tại thủ đô mỗi nước cũng như đạt được nhiều tiến triển khác.

Trọng Kha

 

comments

Nội dung liên quan