Nga “chào hàng” tiêm kích hiện đại Su-35 tại châu Á

Nga đang đối diện với sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí, cụ thể là máy bay chiến đấu, tại châu Á. Tuy nhiên, Moscow đang có lợi thế riêng để mẫu Su-35 có thể “phủ kín” châu lục trong thời gian tới, theo Diplomat.

nga-chao-hang-tiem-kich-hien-dai-su35-tai-chau-a
Chiến đấu cơ Su-35 (Ảnh: TASS)
Từ lâu, Nga được biết tới là một trong những quốc gia xuất khẩu máy bay chiến đấu nhiều nhất thế giới. Khi bắt đầu xảy ra Chiến tranh Lạnh, các mẫu MiG, Sukhoi hay Yak của Liên Xô cũ đã trở thành “xương sống” của nhiều đơn vị không quân trên thế giới. Điều này có được một phần là do chính sách trong thời kỳ đó, các quốc gia có trách nhiệm mua các thiết bị quân sự từ khối mà họ lựa chọn.

Trong những năm qua, Nga đã thừa hưởng được những thành tựu nghiên cứu và phát triển, cũng như các dây chuyền sản xuất máy bay chiến đấu có từ thời Liên Xô cũ. Tới nay, nhu cầu mua máy bay chiến đấu của cường quốc này vẫn cao trên thế giới. Theo giới phân tích, máy bay Nga được ưa chuộng vì ba lý do, gồm giá cả, chất lượng và không bị ràng buộc bởi những lệnh trừng phạt của phương Tây.

Cũng như nhiều nơi trên thế giới, nhu cầu vũ khí tại châu Á ngày càng tăng cao. Trang mạng Diplomat cho rằng hiện có nhiều quốc gia châu Á đang có nhu cầu nâng cấp hoặc thay thế các phi đội. Tuy nhiên, Nga đang vấp phải sự cạnh tranh từ mẫu chiến đấu cơ Saab Gripen của Thụy Điển, mẫu Dassualt Rafale của Pháp, mẫu Typhoon của tập đoàn Eurofighter hay F/A-18 Super Hornet từ tập đoàn Boeing của Mỹ. Để “đối chọi” lại những mẫu máy bay hiện đại đang được các quốc gia phương Tây chào mời tại châu Á, Nga đã sử dụng tới một trong những con “át chủ bài” của nước này. Đó là mẫu Sukhoi Su-35.

Dựa trên sức mạnh đã được minh chứng và các hợp đồng khắp thế giới của mẫu Su-27, mẫu Su-35 được quảng bá là máy bay chiến đấu “thế hệ 4+” với nhiều công nghệ hiện đại. Theo trang Militaryfactory.com, Su-35 được tích hợp một hệ thống cho phép tiếp nhiên liệu khi đang hoạt động, cũng như các hệ thống đối phó được các thiết bị tác chiến điện tử của đối phương và một hệ thống radar Phazotron AESA cho phép theo dõi liên tục 24 mục tiêu khác nhau ở khoảng cách xa hàng trăm km và không bị gián đoạn bởi địa hình cản trở. Ngoài ra, mẫu tiêm kích này cũng được trang bị hệ thống radar Irbis-E được đánh giá cao.

Về mặt động cơ, Su-35 sử dụng động cơ tuốc bin phản lực 2 trục luồng kép Saturn AL-41F. Loại động cơ có lực đẩy véctơ này cho phép mẫu Su-35 đạt được tốc độ lớn hơn người tiền nhiệm Su-27 và đây cũng là loại động cơ đang được thử nghiệm cho mẫu SU PAK-FA, chiến đấu cơ “thế hệ thứ 4” của Nga. Vận tốc của Su-35 được cho là đạt tới 2.400km/giờ khi mang theo thùng nhiên liệu.

Nga đang có kế hoạch triển khai tổng cộng 48 mẫu Su-35 trong các đơn vị thuộc quân đội nước này. Moscow đánh giá đây là một kế hoạch quan trọng trong giai đoạn chuyển giao giữa các thế hệ máy bay thứ 4 hiện nay lên thế hệ máy bay thứ 5 của các mẫu như PAK-FA. Ở chiều hướng khác, Nga cũng giới thiệu ra thị trường châu Á các mẫu Su-35. Một số nguồn tin cho biết Trung Quốc và Indonesia đã đồng ý mua Su-35, trong khi các quốc gia khác như Pakistan hay Triều Tiên được cho là cũng quan tâm tới loại chiến đấu cơ này.

Theo đánh giá, khách hàng quan trọng nhất của Nga trong các thương vụ bán Su-35 chính là Trung Quốc. Trang Diplomat cho biết Bắc Kinh muốn mua tổng cộng 24 mẫu Su-35, với mức giá khoảng từ 83-85 triệu USD/chiếc. Tuy nhiên, có thông tin cho rằng mục đích chính của thương vụ này là việc Không quân Trung Quốc muốn có cơ hội tiếp cận công nghệ của Su-35 để từ đó phát triển cho các mẫu chiến đấu cơ do quốc gia châu Á này sản xuất.

Thời gian qua, Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển động cơ cho máy bay thế hệ thứ 5 của nước này. Trong khi vẫn loay hoay khắc phục những vấn đề của mẫu động cơ WS-15 sử dụng cho máy bay thế hệ thứ 5, Trung Quốc hoàn toàn có thể tính tới phương án học hỏi từ động cơ Saturn AL-41F của máy bay Su-35. Chưa kể, các lệnh trừng phạt của phương Tây sau sự kiện Thiên An Môn và mối quan hệ hợp tác quân sự được thắt chặt giữa Nga và Trung Quốc thời gian qua cho thấy Su-35 có thể là lựa chọn thực tế duy nhất của Bắc Kinh.

Trong khi đó, Indonesia cho biết sẽ mua 15 chiếc Su-35 Super Flankers nhằm thay thế phi đội F-5 “Tigers”. Dù vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ nhưng mẫu Sukhoi của Nga cuối cùng cũng được lựa chọn nhờ nhiều yếu tố, ví dụ như Nga đáp ứng các yêu cầu từ luật pháp Indonesia. Hơn thế nữa, Indonesia từng có thời gian phụ thuộc vào các loại vũ khí của phương Tây. Những năm 1980, Jakarta đã mua các mẫu F-16 với ý định sau này sẽ thay thế phi đội F-5E Tiger. Tuy nhiên, sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu áp đặt các lệnh trừng phạt vì sự can dự của Indonesia trong sự kiện Đông Timor năm 1999, quốc gia này đã thiếu những thiết bị thay thế để bảo dưỡng và nâng cấp các mẫu chiến đấu cơ. Trước những đòi hỏi mới, Không quân Indonesia đã lựa chọn các mẫu Su-27 và Su-30 của Nga trong những năm qua. Do vậy, việc quốc gia Đông Nam Á tiếp tục lựa chọn Su-35 cho thấy có khả năng Jakarta không muốn các máy bay chiến đấu của nước này bị “lỗi thời” vì những lệnh trừng phạt trong tương lai.

Ngoài hai quốc gia trên, Triều Tiên được cho là đã bày tỏ sự quan tâm tới mẫu Su-35. Tờ JoongAng Ilbo cho rằng một phái đoàn quân sự Triều Tiên đã tiếp cận các quan chức Nga hồi tháng 11/2014 để hỏi về khả năng mua máy bay hiện đại của Nga nhằm nâng cấp cho không quân nước này. Tuy nhiên, do lệnh cấm buôn bán vũ khí quốc tế, Nga đã từ chối đề nghị của Triều Tiên.

Thời gian qua, Pakistan cũng được đánh giá là một ứng viên tiềm năng muốn mua mẫu Su-35 Super Flanker. Theo chuyên gia Dave Majumbar của tạp chí National Interest, Nga đang đàm phán để bán cho Pakistan các mẫu Su-35 cùng với trực thăng tấn công Mi-35 Hind-E. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng Nga cần cân nhắc thái độ của Ấn Độ liên quan đến thương vụ này. Nếu mua số lượng lớn, các mẫu Su-35 sẽ giúp Không quân Pakistan đủ khả năng cạnh tranh, thậm chí là vượt trội, trước những mẫu Su-30MKI của Không quân Ấn Độ. Và khi đó, Ấn Độ có thể sẽ chuyển hướng sang phương Tây để mua các máy bay chiến đấu hiện đại và giàu sức chiến đấu nhằm áp chế các mẫu Su-35 của Pakistan.

Có thể nói Su-35 Super Flanker đang trở thành một mặt hàng “hot” tại châu Á. Tuy vậy, hầu hết các quốc gia muốn mua Su-35 đang phải chịu sức ép từ các lý do chính trị. Có quốc gia không thể mua thiết bị hay vũ khí của nước ngoài, trong khi có quốc gia lại lo ngại về những lệnh trừng phạt trong tương lai. Điều này cho thấy cạnh tranh trong thị trường buôn bán vũ khí ở châu Á rất khốc liệt và chính trị vẫn đóng vai trò quan trọng trong các thương vụ mua bán.

Tuyển dụng xuất khẩu lao động Đài loan

Thông báo tuyển trực tiếp xuất khẩu lao động Nhật Bản

comments

Nội dung liên quan