Vì sao hàng không Indonesia tệ nhất thế giới?

tai nạn máy bay

Vụ tai nạn của chuyến bay Lion Air 904 ở Indonesia năm 2013 – Ảnh: AFP

Chế độ bảo dưỡng kém, thời tiết khắc nghiệt, địa hình xấu và quá tải là vài trong số các lý do khiến tỷ lệ tai nạn hàng không nghiêm trọng ở Indonesia luôn gấp 3 lần thế giới.

 

Một bộ phận bị lỗi, một chế độ bảo dưỡng kém, thời tiết xấu, một sai lầm nghiêm trọng, nỗ lực giao tiếp thất bại và 162 người chết. Sự mất mát của chuyến bay AirAsia số hiệu 8501 vào một buổi sáng tháng 12 năm ngoái để lại cú sốc cho nhiều người, thậm chí ngay cả khi vụ tai nạn diễn ra ở Indonesia, một trong những quốc gia có hồ sơ hàng không tệ nhất thế giới.

Chiếc AirAsia khi đó còn tương đối mới, được điều khiển bởi một phi công có 10 năm kinh nghiệm trong lực lượng không quân và hơn 9.000 giờ bay máy bay phản lực thương mại. Song các cuộc phỏng vấn nhiều phi công, nhân viên kiểm soát không lưu, huấn luyện bay và giới chức cho thấy tổ hợp nhiều sai lầm và hỏng hóc gây nên cái chết của nhiều người trên chuyến bay hôm đó. Các sai lầm này cũng cho thấy vì sao Indonesia vẫn có tỷ lệ tai nạn hàng không nghiêm trọng gấp 3 lần so với mức trung bình của thế giới.

Vài năm qua, Indonesia đã tăng gấp đôi nỗ lực để cải thiện ngành hàng không, nhưng những thách thức mà nước này cần vượt qua vẫn còn rất lớn. Indonesia thiếu lực lượng phi công có tay nghề cao, phi hành đoàn và kiểm soát không lưu. Thiết bị và các máy bay thường đã lỗi thời hoặc hư hỏng. Nhiều trong số 296 sân bay của nước này có chất lượng thấp hoặc đường bay quá ngắn. Ngoài ra, đặc trưng địa lý 17.000 hòn đảo với núi lửa rải rác khiến nước này trở thành một trong các vùng có điều kiện bay nguy hiểm nhất thế giới.

 

Thất bại trong liên lạc

Ignasius Jonan, người được bổ nhiệm Bộ trưởng Giao thông vận tải Indonesia chỉ 2 tháng trước vụ tai nạn của chiếc AirAsia 8501 cho biết: ”Khi tôi được bổ nhiệm vị trí này, tôi hiểu được rằng ngành công nghiệp hàng không Indonesia cần phải cải thiện độ an toàn rất nhiều”. Ông cho hay chính phủ sẽ phân bổ khoảng 1 tỉ USD trong năm tới để cải thiện độ an toàn cho các vùng đất liền, biển và vận tải hàng không. Tuy nhiên, số tiền đó vẫn không thấm vào đâu.

Quá tải

Phần lớn hệ thống hàng không ở Indonesia, trong đó có các sân bay, chưa được đầu tư đúng mức và đang “gồng lên” để hoạt động gấp 3 lần so với năng lực thực sự. Đơn cử, Soekarno-Hatta ở Jakarta là sân bay bận rộn thứ 9 thế giới, hơn cả sân bay Changi và sân bay Amsterdam đang phải đón 60 triệu lượt khách mỗi năm trong điều kiện cơ sở chỉ đủ phục vụ 22 triệu lượt khách.

Ông Johan cho hay Indonesia có kế hoạch mở rộng, cải thiện đường băng hiện tại, xây thêm 15 sân bay vào năm 2018 để các hãng hàng không có thể dùng các máy bay phản lực thay cho các máy bay có cánh quá nhỏ vốn có tỷ lệ tai nạn cao. Song ngay cả với nhiều đường băng mới, hàng không Indonesia vẫn khó lòng đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Tăng trưởng kinh tế ở mức 5,8% trong thập niên qua giúp hàng triệu người Indonesia có khả năng bay. Số lượng hành khách hàng không tăng gấp 3 lần trong vòng 7 năm qua, đạt 87 triệu vào năm 2014.

chuyến bay 8501

Chuyến bay 8501 của AirAsia – Ảnh: AFP

Không phận Singapore

Một phần không phận của Indonesia không do nước này kiểm soát là khu vực được các máy bay sử dụng khi họ muốn đến sân bay Changi của nước láng giềng Singapore. Sân bay Changi đón khoảng 1.000 máy bay cất cánh và hạ cánh mỗi ngày, trong đó có nhiều máy bay chở khách lớn như Airbus A380. Indonesia giao quyền kiểm soát vùng không phận trên cho Singapore vào năm 1946 và giờ đây, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói rằng trong vòng 4 năm tới, nước này phải kiểm soát toàn bộ không phận của họ.

Vấn đề bảo trì

Phi công F. Novara, người có 23 năm lái máy bay thương mại, nhớ lại chuyến bay ông thực hiện hồi năm 2011 với 74 hành khách. Khi đó một trong những động cơ của máy bay cháy sau khi cất cánh vì một vòi phun nhiên liệu bị rò rỉ. “Tất cả những gì tôi làm khi đó là cầu nguyện rằng tất cả các hành khách trên chuyến bay của mình được an toàn”, ông F. Novara chia sẻ. May mắn thay, chuyến bay của ông cuối cùng hạ cánh an toàn. Trong vụ tai nạn của chuyến bay AirAsia 8501, hồ sơ bảo dưỡng cũng cho thấy có 23 vấn đề với các hệ thống bánh lái trên máy bay xảy ra trong 3 năm trước tai nạn.

Vùng đất của dông bão và địa hình hiểm trở

Indonesia thuộc khu vực có tỷ lệ sét đánh cao nhất thế giới. Thành phố Bogor từng có kỷ lục 322 ngày giông bão vào năm 1988. Ngoài ra, các vụ phun trào núi lửa cũng khiến tro bụi có thể bị hút vào động cơ phản lực và làm hỏng chúng. Nhiều hãng hàng không phải hủy hàng trăm chuyến bay đi và đến Bali sau khi núi lửa Rinjani gần đó thức giấc hồi tháng 10 và 11 năm nay.

Phi công Novara cho hay thời tiết là một trong những sự khác biệt của việc bay đến châu Âu và Indonesia. Thời tiết rất xấu ở Indonesia đang được dự báo là ngày càng phổ biến hơn. Theo tờ Jakarta Post, tỉnh Papua trong năm nay đã có cơn mưa đá kéo dài 3 ngày, nhiệt độ giảm xuống âm 2oC làm chết 11 người.

“Có hàng tá sân bay ở Papua dốc nghiêng”, phi công người Anh Matt Dearden đã làm việc ở Indonesia 6 năm cho biết. Một số đường băng dốc đến 30 độ và điều kiện làm việc ở đây không phù hợp với các phi công ít kinh nghiệm.

Thu Thảo

  • TAGS:
  • SÂN BAY
  • HÀNG KHÔNG
  • MÁY BAY
  • TAI NẠN
  • INDONESIA
  • AIRASIA
  • KHÔNG PHẬN
  • CHANGI

 

comments

Nội dung liên quan