Người Syria trong thảm cảnh trên đầu bom nổ, dưới đất là IS

Khi các cuộc không kích nhằm vào IS ngày một ác liệt, cuộc sống của người dân Syria tại các thành phố bị nhóm khủng bố này kiểm soát càng thêm điêu đứng, khi trên đầu bom nổ, dưới đất là những vụ hành hình có thể diễn ra bất cứ lúc nào.

Thành phố Raqqa của Syria, nơi nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tuyên bố là đại bản doanh, đang trở thành mục tiêu ném bom của mọi quốc gia, từ Nga, tới Mỹ, Pháp và mới đây nhất là Anh.

nguoi-syria-trong-tham-canh-tren-dau-bom-no-duoi-dat-la-is
Một người bị ISIS kết tội giết người bị hành quyết nơi công cộng tại Raqqa (Ảnh: Daily Mail)
Các vụ không kích khiến các thành viên nhóm khủng bố này phải trốn chui lủi, ẩn náu trong thành phố có khoảng 1 triệu dân. Đồng thời, nó cũng giúp cư dân địa phương, nhất là phụ nữ, có vài ngày “dễ thở” hiếm hoi, khi sự kiểm soát của IS không còn ráo riết như trước

“Bạn có thể thấy họ ra ngoài ban công, ngó qua cửa sổ, để hít thở không khí và nhìn ngắm thành phố”, một người có biệt danh Tim Ramadan, nhà hoạt động của tổ chức nhân quyền có tên Raqqa đang âm thầm bị thảm sát (RBSS) nói. Cùng với những người khác, Ramadan ở lại thành phố để ghi lại những tội ác của IS dù công việc đầy nguy hiểm.

Còn tại Mosul, Iraq một thành phố khác do IS kiểm soát, cư dân đang phải chịu nỗi thống khổ từ các phiến quân cũng như bom đạn từ các vụ không kích. “Điều kiện sống đã xấu đi bởi không còn tiền tiết kiệm cũng không có việc làm trong thành phố”, Abdulkarim, một cư dân Mosul nói. “Mọi người đều hoảng sợ trước các cuộc ném bom của liên quân cũng như những vụ chặt đầu, ném đá tới chết của IS tại thành phố”.

Bất chấp áp lực ngày càng tăng những tuần gần đây, sự kìm kẹp của IS tại hai thành phố trên không hề giảm bớt, và sẽ là thách thức khó khăn cho bất kỳ lực lượng nào muốn giải phóng nơi này.

Sau khi bị đẩy khỏi Sinjar tại Iraq, rơi vào thế chống đỡ tại tỉnh Raqqa, giữa lúc các cuộc không kích ngày một lớn, các phần tử khủng bố đáp lại bằng cách củng cố sự cai trị tại Raqqa và Mosul. Người dân địa phương do vậy càng bị nô dịch ghê gớm hơn đồng thời không thể trốn đi.

nguoi-syria-trong-tham-canh-tren-dau-bom-no-duoi-dat-la-is (1)
Người dân tại Raqqa và Mosul đều phải trông chờ vào lương thực do IS phân phát (Ảnh: AP)
Các cuộc phỏng vấn với người dân và nhà hoạt động tại hai thành phố này cho thấy một bức tranh của chính quyền độc tài, không thể đáp ứng những dịch vụ cơ bản, cũng như công lý cho người dân.

Ramadan, một người sinh tại Raqqa, mô tả thành phố giống như “một nhà tù khổng lồ”. Rất khó để liên lạc với thế giới bên ngoài, bởi Internet hầu như bị cấm. Phụ nữ hiếm khi được ra đường do lo ngại bị cảnh sát IS “hỏi thăm”. Họ có thể gặp rắc rối với những lỗi nhỏ nhặt nhất như mang theo túi xách hơi sáng màu, thay vì màu đen.

Tuyệt vọng, thiếu đói

Với Abdulkarim, một cư dân Mosul, việc thành phố bị IS chiếm đóng ban đầu tưởng như tin mừng. Dưới sự cai trị của các phiến quân, giao thông khắp thành phố trở nên dễ dàng bởi các bức tường ngăn bị dỡ bỏ, an ninh được cải thiện. Trong thời gian đầu, các dịch vụ như điện, nước, vệ sinh đường phố đều tốt hơn dưới thời chính phủ Iraq quản lý.

Nhân viên công chức 31 tuổi này từng dễ dàng trích một khoản nhỏ từ số lương 835.000 dinar (738 USD)/tháng để nộp cho IS. Thậm chí ông còn tự nguyện đóng góp thêm 7000 dinar nữa cho các phiến quân, những người đối xử với cư dân một cách tôn trọng và chào hỏi họ khi gặp trên đường.

Nhưng khi cư dân Mosul chuẩn bị cho mùa đông thứ hai dưới sự cai trị của IS, những ngăn chặn về kinh tế từ Baghdad, cùng các vụ không kích của Mỹ và liên quân đã khiến cuộc sống trở nên u ám.

Từ tháng 7, chính quyền Baghdad đã ngừng chi lương cho nhân viên chính phủ sống tại khu vực IS kiểm soát, trong đó có Abdulkarim. Thiếu tiền có nghĩa là họ không thể mua được bất kỳ thứ gì, ngoài những hàng hóa cơ bản nhất. Nhiều cửa hàng phải đóng cửa, giá nhiên liệu, khí đốt tăng 4-5 lần.

Raafat Alzirai, một cư dân tại Mosul và thành viên của nhóm phóng viên đưa tin về thành phố, khẳng định sự tuyệt vọng đã đẩy nhiều người vào vòng tay của IS.

nguoi-syria-trong-tham-canh-tren-dau-bom-no-duoi-dat-la-is (2)
Một tòa nhà tại Raqqa được cho là trúng bom của liên quân do Mỹ lãnh đạo (Ảnh: RT)
“Chúng tôi có thông tin cho thấy 60 – 70 người đã tuyên bố trung thành với nhà nước Hồi giáo tại đền thờ Omar al-Aswad, để hàng tháng được nhận một khoản lương nhỏ”, Raafat nói. “Mosul giờ như một nhà tù lớn và mọi người dường như chỉ còn biết hy vọng một ngày nào đó tình hình sẽ thay đổi”.

Những ai làm việc cho IS được hưởng những lợi ích nhất định. Maajid, 56 tuổi, một thợ cơ khí tại Mosul cho biết một số người hợp tác với các phiến quân được phân phối nhiều thực phẩm và nhiên liệu hơn. Bản thân gia đình ông, với 11 đứa con, thì tình hình giờ hầu như không thể chịu nổi.

“Cuộc sống đang ngày một khó khăn hơn”, Maajid trả lời tờ Guardian. “Cho dù bạn sống ở nơi tồi tệ nhất thế giới, bạn vẫn cần thực phẩm, nước uống và điện để tồn tại”. Maajid cho biết ông chỉ nhận được 80.000 dinar (62 USD), 10kg bột mỳ và 10kg cũng như một lượng nhỏ đồ ăn từ IS. “Tôi không thể sống với lượng thực phẩm đó khi có một gia đình lớn. Mọi người đều tức giận nhưng không thể phản đối”.

Điện thoại di động hoàn toàn bị cấm, do các phiến quân lo ngại người dân có thể thông tin cho phía địch. Khoảng một tháng trước, một người đàn ông đã bị phạt 45 roi vì có điện thoại trong túi. Trong lúc bị đánh, ông hét lên, nguyền rủa lãnh đạo IS và lập tức bị xử tử.

Quá mệt mỏi trước sự cai trị hà khắc và nỗi lo sợ thường trực từ các phiến quân và các vụ không kích, nhiều cư dân Mosul bất chấp lệnh cấm đã tìm cách bí mật trốn đi, sang vùng đất của người Kurd. Những ai bị bắt đều bị trừng phạt tàn tệ.

“Chúng tôi đã thu thập thi thể của 3 trẻ em bị chết vì đói, trong khi các gia đình đi bộ nhiều giờ để tới khu vực của chiến binh peshmerga”, Ali Mohammad, chỉ huy lực lượng an ninh tại thị trấn Dibis, gần Kirkuk cho biết.

Salah, 34 tuổi, từng là sỹ quan cảnh sát đã trốn khỏi Mosul bằng cách bơi qua sông Great Zaab. Ông cho biết, bạn thân nhất của mình đã bị IS hành quyết bằng cách nhốt vào lồng rồi thả xuống nước. Chúng quay phim lại cảnh hành hình.

“Tôi đã khóc khi anh bạn từ thời niên thiếu của tôi ra đi. Nếu một ngày nào đó Mosul được giải phóng, tôi sẽ là những người đầu tiên tới đó và giết IS”, Salah tuyên bố.

“Hai khẩu súng cộng hai khẩu súng bằng cái gì?”

Tại Raqqa, hoạt động giám sát của IS diễn ra rầm rộ. Camera được gắn ở hầu hết các giao lộ, và gần các trụ sở của IS. Mọi người dân bị giám sát chặt chẽ. Lực lượng tuần tra liên tục sục sạo.

Nam giới cũng buộc phải tuân thủ quy định về trang phục, gồm quần áo rộng, không được cạo râu, và có thể bị chặn lại khám người bất kỳ lúc nào. Cảnh sát có thể kiểm tra điện thoại di động để tìm kiếm dấu hiệu bất tuân lệnh hay vi phạm đạo đức.

Tháng trước, IS đã cấm người dân rời thành phố, ngoại trừ trường hợp đặc biệt về y tế. Các chốt kiểm soát quanh thành phố đều được tăng cường. Chúng không ngừng luân chuyển binh sỹ, để khiến người dân có cảm giác lực lượng vẫn đông đảo, dù thất bại trên chiến trường. Điện lúc có lúc không, tùy theo ý thích của các phiến quân.

Các chương trình tuyên truyền và giáo huấn ở khắp nơi. Hình ảnh các vụ chặt đầu và chặt tay thời trung cổ nhan nhản tới mức người dân Raqqa trở nên thờ ơ. Cảnh phạt người nghi phạm bằng đòn roi tại nơi công cộng giờ không còn xa lạ với bất kỳ ai. “Trước đây mọi người thường nhắm mắt”, Ramadan nói. “IS giờ khiến điều đó trở nên bình thường”.

Tồi tệ hơn, chúng đã đưa tư tưởng của mình vào giáo trình của trường học, và chiêu mộ nhiều người trẻ tuổi vào cơ quan an ninh. Nhiều người trở thành kẻ đánh bom liều chết, trong khi không ít trẻ vị thành niên được giao quản lý an ninh trong thành phố.

“Tại trường học, sách không có những bài toán kiểu hai cộng hai là bao nhiêu; bài toàn luôn là hai khẩu súng cộng hai khẩu súng có kết quả là gì”, Ramadan nói. “Chúng mang bom vào lớp học để cho trẻ em thấy, và nói với chúng không việc gì phải sợ bởi chúng là đàn ông. Các bài văn thì chủ đề có thể là về một cậu bé có cha là người đánh bom liều chết”.

“Những gì xảy ra tại Pháp thật kinh khủng”, Ramadan nói. “Nhưng chúng tôi chứng kiến những thảm kịch đó ở đây hàng ngày, có lẽ không ở mức độ lớn như vậy trong một ngày, nhưng hãy cứ tưởng tưởng bạn phải sống với IS suốt thời gian dài. Điều đó tồi tệ hơn nhiều. Thế nhưng một số chính trị gia phương tây lại nói rằng phải mất 10 năm để tiêu diệt IS. Bạn có tưởng tượng sống 10 năm nữa trong tình cảnh này là thế nào không?”

Tại Raqqa, các nhà hoạt động cho biết người dân không sợ các cuộc không kích, bởi thường nó nhắm vào các vị trí biệt lập của IS. Nhưng họ cho biết các phiến quân đang tìm cách ẩn náu lẫn với dân thường, trong các tòa nhà và khu lân cận. Chúng dùng còi báo động mỗi khi một cuộc không kích chuẩn bị diễn ra.

Tuyển dụng xuất khẩu lao động Đài loan

Thông báo tuyển trực tiếp xuất khẩu lao động Nhật Bản

comments

Nội dung liên quan