Bí thư Đà Nẵng: Phân quyền, làm không được tự khắc phải thôi

Đà Nẵng sẽ phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các sở, ngành, địa phương theo nguyên tắc có chức phải có quyền, có quyền phải có trách nhiệm; được giao quyền mà làm không được, làm sai thì tự giác phải thôi; nếu không thì tổ chức cũng buộc phải thôi.

 

Tại hội nghị lần 2 để đánh giá những kết quả năm 2015 và bàn một số nhiệm vụ, phương hướng lớn trong năm 2016, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã đề cập nhiều đến việc TP sẽ tiến hành phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trong thời gian đến.

Theo ông Xuân Anh, Thường trực Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã có chủ trương thời gian tới sẽ tiến hành phân cấp mạnh. Cơ chế tập quyền, tập trung quyền lực đã lỗi thời, cần phải tiến hành phân cấp mạnh. Phân cấp đi đôi với trách nhiệm.

Việc đầu tiên trong phân cấp là bố trí vốn. Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã thống nhất năm 2016, trong nguồn vốn tập trung của TP (khoảng 2.000 tỉ đồng, trừ 500 tỉ cho cải cách tiền lương, còn lại 1.500 tỉ) sẽ cắt ra 20% (khoảng 300 tỉ) phân bổ thẳng xuống cho các quận, huyện. Mỗi quận, huyện trung bình 40 – 50 tỉ để toàn quyền sử dụng theo mục đích của địa phương. Ngoài ra, hơn 80 tỉ duy tu, bảo trì, bảo dưỡng cũng chuyển thẳng xuống quận, huyện.

bis thư Đà Nẵng

Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng

“Theo cơ chế trước đây thì mỗi quận, huyện được cho quyền 8 – 15 tỉ, vượt quá số đó phải đi xin. Sửa cái cống mấy chục triệu, sửa con đường vài ba tỉ, các quận, huyện lại phải đi xin TP thì vất vả quá. Trong khi TP cũng nhiều việc, không giải quyết hết. Cơ chế xin – cho cần phải được triệt tiêu. Để hạn chế tối đa quan hệ trực tiếp giữa người với người trong việc này thì cần phân cấp” – ông Xuân Anh nói.

Có chức phải có quyền, có quyền phải có trách nhiệm

Ông cũng cho hay đã trao đổi và Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ đồng tình về việc nghiên cứu phân cấp quản lý các dự án do TP làm chủ đầu tư cho các sở, các ban quản lý. Hiện UBND TP đang quản lý tất cả các dự án từ 500 tỉ đồng trở lên. Ông Nguyễn Xuân Anh đề nghị UBND TP căn cứ nghị định 59/CP, nghiên cứu phân cấp cho các sở, các ban quản lý quản lý các dự án này chứ Văn phòng UBND TP không “ôm” nữa.

Ông Nguyễn Xuân Anh nêu rõ, không biến Văn phòng Ủy ban thành sở chuyên môn thay vì tập trung công tác tham mưu cho lãnh đạo TP. Các sở có cả bộ máy từ Giám đốc đến cán bộ, chuyên viên ít nhất cũng 50 – 70 người, Văn phòng Ủy ban lại còn làm công tác chuyên môn của sở là không hợp lý. TP cần tập trung cho công tác lãnh đạo; các sở không thể thoát khỏi sự lãnh đạo, điều hành của Ủy ban, nên cần mạnh dạn phân cấp. Có chức phải có quyền, nhưng có quyền thì phải có trách nhiệm.

“Trong việc phân cấp, TP sẽ ‘xử’ rất công bằng. Giao quyền, nhưng nếu ai làm không được, làm sai thì tự khắc phải thôi, để người khác làm chứ không thể ngồi đó mãi. Nếu anh không tự giác thôi thì tổ chức cũng sẽ buộc phải thôi. Mình không giao quyền, khi người ta có lỗi, người ta làm sai, mình quy trách nhiệm thì cũng oan cho người ta. Người ta không nói được vì không có quyền hành gì cả, nhưng cứ sai là đổ cho người ta. Chẳng hạn Giám đốc Sở GTVT không có cái quyền cần có. Khi HĐND TP chất vấn, ổng không biết nói làm sao cả. Vì vậy phải phân cấp hết sức mạnh mẽ, chức quyền đi đôi với trách nhiệm” – ông Nguyễn Xuân Anh nói.

Sở Nội vụ chấm dứt can thiệp tuyển dụng

Ông Nguyễn Xuân Anh cũng yêu cầu Giám đốc Sở Nội vụ kể từ 12h trưa 4/12, “nếu đang có thì chấm dứt, nếu chưa có thì thôi” can thiệp vào việc tuyển lao động của các đơn vị, mà phải để các đơn vị tự chủ.

Sở Nội vụ chỉ giao cho các đơn vị tổng mức và cơ cấu biên chế, còn tuyển dụng là do giám đốc các đơn vị sự nghiệp toàn quyền chủ động, chứ không phải chạy lên chạy xuống như trước đây. Nếu làm sai thì giám đốc đơn vị đó phải chịu trách nhiệm.

Thậm chí Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, ông còn muốn Giám đốc Sở GD-ĐT được quyền bổ nhiệm các hiệu trưởng, Giám đốc Sở Y tế được quyền bổ nhiệm giám đốc các bệnh viện, nhưng dường như quy định hiện hành theo ngành dọc chưa cho phép.

Theo ông Nguyễn Xuân Anh, lãnh đạo giỏi không phải là người biết tất cả, cũng không cần phải biết tất cả, vì không ai có khả năng làm được tất cả, mà là người biết tập hợp mọi người lại cùng làm. Ông bày tỏ: “Tôi là Bí thư nhưng đâu có làm được tất cả. Tôi chỉ nói chủ trương, đường lối, còn làm là các đồng chí. Chứ tôi ôm tất cả việc của các sở, làm sao đi nói về y tế, làm sao đi nói về giáo dục? Tôi không biết gì về cầu cống, làm sao nói về giao thông? Vì vậy cần phải thay đổi quan niệm về sự phân cấp”.

Ông Nguyễn Xuân Anh cho hay, kể cả trong phân cấp lãnh đạo, Đà Nẵng cũng sẽ thực hiện phân quyền mạnh mẽ. Thành ủy, UBND TP chỉ lãnh đạo chung, điều hành, giám sát, đôn đốc và tập trung làm những việc lớn, đưa ra được các đề án, chương trình lớn để báo cáo với Ban Thường vụ. Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cũng đồng ý quan điểm này và đang nghiên cứu để triển khai thực hiện phân cấp thật mạnh mẽ.

“Điều đó sẽ giúp mọi người cảm thấy tự tin, thấy có trách nhiệm gắn với mình thì sẽ làm việc tốt. Tôi nghĩ là sẽ tốt hơn. Còn ai làm việc không tốt thì mình cũng nói thẳng với nhau là không tốt nên phải để người khác làm. Rất thẳng thắn, sòng phẳng” – Bí thư Đà Nẵng chỉ rõ.

 

comments

Nội dung liên quan