Việc sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất – TPHCM bị xếp loại “tệ nhất châu Á” không mới, nhưng “tệ” 2 năm liên tiếp là điều không thể không phàn nàn. Tại sân bay này, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn khiến hành khách khó chịu, wifi gần như không sử dụng được, thái độ phục vụ của nhân viên hàng không chưa đúng mực…
Trong bản báo cáo mới nhất dài 7 trang về chất lượng dịch vụ Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TPHCM) gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã tiến hành kiểm tra, rà soát và tổ chức 2 cuộc họp về công tác đảm bảo chất lượng dịch vụ tại cảng hàng không này. Tuy nhiên, từ những gì chứng kiến có thể thấy hạn chế, tồn tại nhiều hơn ưu điểm và thành tích.
Chất lượng quốc tế tương đương nội địa!
Ông Võ Huy Cường – Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam – cho biết: Tình hình chung tại sân bay Tân Sơn Nhất là hệ thống wifi miễn phí có tốc độ quá yếu! Chất lượng sóng wifi còn quá thấp và gần như không sử dụng được. Tần suất phát thanh trong các nhà ga cao nên gây ra tình trạng ô nhiễm tiếng ồn. Chất lượng vệ sinh, đặc biệt là nhà vệ sinh công cộng chưa đáp ứng được yêu cầu vào thời gian cao điểm. Dịch vụ ăn uống hạn chế, không đủ đáp ứng cho hành khách đi chuyến bay quốc tế sau 23h30 đêm.
“Thái độ phục vụ của một bộ phận nhân viên hàng không còn chưa đúng mực, đặc biệt là trong giai đoạn cao điểm” – ông Cường nhấn mạnh.
Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất – TPHCM
Nhà ga hành khách nội địa không đáp ứng các yêu cầu về diện tích mặt bằng đối với khu vực làm thủ tục, không gian lưu thông tối thiểu, vì vậy có hiện tượng ùn ứ hành khách tại khu vực làm thủ tục vào giờ cao điểm. Trong khi đó, việc chỉ có 3 cửa soi chiếu an ninh, trong đó có 1 cửa dành cho đối tượng ưu tiên, hệ thống biển chỉ dẫn chưa phù hợp và diện tích dành cho hành khách xếp hàng hạn chế là nguyên nhân chính gây nên tình trạng ùn tắc.
Ở khu vực cách ly ga đi trong nước, nhiều ghế ngồi cho hành khách bị bong rách đệm, đặc biệt tại khu vực cửa ra tàu bay từ 15-20, số lượng ghế ngồi bị bong rách đệm tương đối nhiều, gây mất mỹ quan khu vực nhà ga và ảnh hưởng xấu đến hình ảnh cũng như chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách. Không có dịch vụ sim, card điện thoại.
Một điều đáng phàn nàn khác là việc tổ chức điều hành dịch vụ taxi tại đây cũng chưa hợp lý, văn minh nên xảy ra tình trạng lộn xộn trong việc cung cấp dịch vụ taxi. Bên cạnh đó, việc dừng đỗ tùy tiện, không theo quy định của các xe ưu tiên tại làn ưu tiên là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ùn tắc trước cửa nhà ga nội địa.
Hành khách phải xếp hàng dài trong giờ cao điểm tại nhà ga Tân Sơn Nhất
Tại nhà ga quốc tế Tân Sơn Nhất tình trạng cũng không khá hơn quốc nội. Tại đây, chưa có quầy nước miễn phí, song wifi, dịch vụ ăn uống thiết yếu tại khu vực khách chờ nối chuyến tại sảnh đến, nhà ga hành khách quốc tế. Khoảng cách tại khu vực xuất nhập cảnh và an ninh hàng không không đủ để cho hành khách xếp hàng vào giờ cao điểm.
Biển chỉ dẫn hành khách nhỏ và ở vị trí chưa thuận tiện, hệ thống biển hướng dẫn hành khách đến các quầy làm thủ tục nhập cảnh tại khu vực nhập cảnh chưa hiển thị song ngữ tiếng Việt, tiếng Anh, nhân viên hỗ trợ hành khách còn thiếu. Khu vực cách ly ga quốc tế đi chỉ có 2 quầy thu đổi ngoại tệ hoạt động từ 7-23h hàng ngày, hành khách đi các chuyến bay sau 23h sẽ không thể đổi được ngoại tệ nếu có nhu cầu…
Thiếu học hỏi, quản lý yếu kém!?
Nói về nguyên nhân khiến chất lượng dịch vụ của sân bay “tệ” nhất châu Á này, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Võ Huy Cường cho rằng do Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã quá tải.
Tuy nhiên, những nguyên nhân quan trọng liên quan đến yếu tố con người cũng được Phó Cục trưởng Cục Hàng không chỉ ra, đó là: Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thiếu sự nghiên cứu, cập nhật, học hỏi và áp dụng các phương pháp quản lý tiên tiến trên thế giới và trong khu vực trong công tác quản lý, vận hành, thai khác; chưa có bộ phận chuyên trách và chưa có quy trình, quy định cụ thể về công tác kiểm tra, giám sát nội bộ đối với việc đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Sau mỗi chuyến bay, hành khách lại phải xếp hàng trong nhà vệ sinh
“Các đơn vị chưa kiểm soát tốt việc thực hiện phong trào “4 xin, 4 luôn” và nâng cao tính chuyên nghiệp của nhân viên hàng không làm việc tại sân bay” – ông Cường thừa nhận.
Những giải pháp khắc phục được Cục Hàng không đưa ra và yêu cầu Cảng Tân Sơn Nhất phải thực hiện trong thời gian tới là phải giải quyết ngay tình trạng yếu kém của hệ thống wifi, mất vệ sinh; nhanh chóng thay đệm ghế và khắc phục tình trạng đệm ghế bị bong rách, đảm bảo mỹ quan khu vực nhà ga nội địa…
Đối với dịch vụ phi hàng không, yêu cầu các nhà hàng bố trí hợp lý, nâng năng lực cung cấp dịch vụ đảm bảo chất lượng ăn uống, đa dạng hóa mặt hàng; khảo sát thực tế để tiến hành hiệp thương giá cả phù hợp với chất lượng; cần thiết thay nhà cung cấp dịch vụ…
Hiện tại, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có 4 hãng hàng không Việt Nam và 38 hãng hàng không quốc tế khai thác 33 đường bay quốc tế và 18 đường bay nội địa. Theo lịch bay mùa đông 2015/2016, số lượng hạ, cất cánh trung bình/ngày là 585 chuyến. Trong giai đoạn cao điểm Tết nguyên đán 2015, cảng hàng không Tân Sơn Nhất đã phục vụ tới 627 lần hạ, cất cánh.
Với năng lực thông qua 25 triệu khách/năm, 47 vị trí đậu máy bay, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất dự kiến tổng lượng khách thông qua cảng này sẽ vượt công suất trong năm 2015 và đạt xấp xỉ 26 triệu hành khách, trong đó có 10 triệu khách trên các đường bay quốc tế và 16 triệu khách trên các đường bay nội địa.
Châu Như Quỳnh