Bắt đầu từ 1/12, Thái Lan tiến hành cấp phép cho lao động Việt Nam.
Đây là bước đi cụ thể đầu tiên trong quá trình Thái Lan mở cửa thị trường cho lao động Việt Nam với quy mô lớn, xây dựng cơ chế hợp tác lao động cũng như bảo hộ quyền lợi của người lao động Việt Nam tại Thái Lan.
Hiện nay Thái Lan có khoảng 38,3 triệu lao động và 0,3 triệu người thất nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp chỉ chiếm 0,8%, mức rất thấp so với các nước trên thế giới. Trong khi đó Thái Lan lại rất thiếu lao động do có thể tạo ra hơn 40 triệu việc làm trong các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là việc làm trong các ngành nghề liên quan lao động phổ thông.
Nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động này, riêng năm 2013 và 2014, Thái Lan đã chấp nhận cho 2,2 triệu lao động phổ thông của 3 nước giáp biên giới bộ là Myanmar, Lào và Campuchia làm việc, trong đó lao động Myanmar chiếm tới hơn 1,6 triệu.
Các nạn nhân bị lừa đảo sang lao động tại Thái Lan trên đường trở về Việt Nam
Trước tình hình nhiều lao động Việt Nam có nhu cầu làm việc tại Thái Lan và Thái Lan vẫn cần tới hàng trăm ngàn vị trí lao động phổ thông, các Bộ ngành hai nước đã tích cực thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực lao động. Cụ thể Việt Nam và Thái Lan đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác lao động Việt Nam – Thái Lan và Thỏa thuận về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam – Thái Lan nhân chuyến thăm chính thức Thái Lan của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào ngày 23/7/2015.
Một thực tế hiện nay là có nhiều lao động Việt Nam nhập cảnh vào Thái Lan thông qua con đường du lịch. Theo quy định, người nhập cảnh để du lịch được phép lưu trú trong vòng 30 ngày mà không phải xin thị thực hay được hiểu là miễn thị thực. Đây chính là điều Thái Lan đang tìm cách giải quyết, nhưng chưa thể làm dứt điểm do những nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.
Không chỉ lao động Việt Nam, một số lao động phương Tây cũng lợi dụng việc các nước này có thỏa thuận miễn thị thực khi du lịch, nhập cảnh Thái Lan để làm giáo viên dạy học, dạy tiếng Anh… Theo quy định của Thái Lan, nếu nhập cảnh vì mục đích khác như tham gia hội thảo, hội nghị, lao động… thì phải xin thị thực, nhưng nhập cảnh theo hình thức du lịch để lao động tự do đã gây nhiều vấn đề phức tạp trong xã hội Thái Lan do bản thân các ban ngành nước này cũng không quản lý chặt chẽ được số lao động này.
Xuất phát từ tình hình trên, Nội các Thái Lan trong các cuộc họp ngày 10/2, 10/11 và 24/11/2015 đã có các nghị quyết liên quan việc đăng ký cấp phép cho lao động Việt Nam. Đây là những quyết định nhằm hợp thức hóa cho một bộ phận, chứ không phải toàn bộ số lao động Việt Nam đang có mặt tại Thái Lan mà theo phía Thái Lan đánh giá, hiện có trên dưới 50.000 người.
Người lao động cần thỏa mãn điều kiện gì?
Trong lần đăng ký cấp phép lao động lần này, người lao động Việt Nam cần chú ý đặc biệt bởi phải hội đủ những điều kiện và thực hiện đúng quy trình do phía Thái Lan quy định.
Đầu tiên, người lao động Việt Nam phải thỏa mãn hai điều kiện là phải nhập cảnh hợp pháp lần cuối trước ngày 10/8/2015 và đến thời điểm ngày 1/12/2015 đã hết hạn cư trú. Như vậy nếu nhập cảnh hợp pháp trước ngày 10/8 bao nhiêu tháng đi nữa cũng thuộc diện được đăng ký, miễn là từ đó đến nay không xuất cảnh và nhập cảnh lại lần nào mà vẫn ở Thái Lan.
Do quy định được ở hợp pháp trong vòng 30 ngày sau lần nhập cảnh này, nên hiển nhiên là đến ngày 1/12 là hết hạn cư trú mà người lao động Việt Nam tại Thái Lan hay gọi là “hộ chiếu chết” mà thực ra phải gọi là “thị thực chết”. Mặc dù chiểu theo luật cư trú Thái Lan thì những lao động này vi phạm pháp luật, tuy nhiên nghị quyết Nội các Thái Lan đã hợp thức hóa, quy định từ 1/12 – 30/12/2015, khi ra đăng ký cấp phép lao động thì được coi là hợp pháp. Các trường hợp không thỏa mãn hai điều kiện vừa nêu, là vi phạm luật pháp Thái Lan.
Thứ hai, người lao động phải thực hiện đúng quy trình đăng ký cấp phép lao động do chính quyền Thái Lan quy định theo các nghị quyết của Nội các Thái Lan, theo đó khi lên nộp Đơn xin cấp phép lao động, phải có chủ lao động là người Thái Lan cùng hợp đồng thuê nhân công.
Trong hợp đồng thuê nhân công phải ghi rõ một trong những ngành nghề sau: Công việc phục vụ trong gia đình; hoặc công việc lao động chân tay trong ngành nghề xây dựng, cửa hàng ăn uống và ngư nghiệp. Riêng về ngư nghiệp thì theo như thông báo mới nhất của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan hôm 30/11, phía Thái Lan quy định là ngư nghiệp trên biển.
Cục Tuyển dụng và hướng dẫn nghề nghiệp – Bộ Lao động Thái Lan chịu trách nhiệm nhận Đơn xin cấp phép, lao động Việt Nam đến các Văn phòng đại diện của Cục này tại các tỉnh mình cư trú để nộp đơn. Riêng tại Bangkok, lao động Việt Nam có thể đến đăng ký tại một trong 10 Văn phòng chi nhánh của Cục.
Sau khi nộp Đơn xin cấp phép lao động, người lao động được nhận lại một biên lai xác nhận để dựa vào đó tiến hành tiếp các thủ tục như xin cấp thị thực mà theo quy định là được 1 năm. Các tỉnh xin tại Văn phòng Xuất nhập cảnh tỉnh, nếu tỉnh nào không có thì xin tại tỉnh liền kề.
Tại Bangkok, xin tại 2 địa điểm là Trung tâm dịch vụ một cửa thuộc tòa nhà Major Hollywood, ngõ 60 đường Suk Sawat và Trung tâm dịch vụ một cửa thuộc tòa nhà Imperial, ngõ 83 đường Lat Phrao. Tiếp đến, người lao động phải đi kiểm tra sức khỏe và đóng bảo hiểm y tế (một năm). Các thủ tục này phải hoàn thành chậm nhất là ngày 30/12/2015.
Tuy nhiên trong cuộc làm việc giữa đại diện Đại sứ quán Việt Nam với Bộ Lao động Thái Lan ngày 30/11/2015, phía Thái Lan cam kết có thể kéo dài thời gian này thêm 30 ngày nữa. Sau khi hoàn thành thủ tục, người lao động nộp các giấy tờ xác nhận tại nơi nộp Đơn xin cấp phép lao động và sẽ được quy chế lao động đến ngày 30/11/2016. Mẫu tờ khai và mẫu hợp đồng lao động người lao động có thể tải về trên Website của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan.
Mặc dù chưa giải quyết được toàn bộ các trường hợp lao động Việt Nam đang có mặt ở Thái Lan, tuy nhiên với việc lần đầu tiên tiến hành cấp phép cho lao động Việt Nam, một bộ phận lao động Việt Nam tại Thái Lan sẽ được hợp pháp hóa về mặt lưu trú và được phép lao động chính thức.
Các cơ quan hữu quan Thái Lan cũng nắm được số lượng những lao động Việt Nam hiện đã hết thời hạn lưu trú tại Thái Lan, tạo điều kiện tốt hơn cho công tác quản lý lao động nước ngoài nói chung và lao động Việt Nam nói riêng.
Việc tìm hướng ra trong việc giải quyết tình trạng lao động tự do Việt Nam tại Thái Lan cũng hạn chế tội phạm lừa đảo lao động, nạn buôn người núp bóng lao động di trú… cũng như bảo vệ quyền lợi của người lao động di trú, đặc biệt trong không gian Cộng đồng ASEAN vừa thành lập mà Việt Nam và Thái Lan là hai nước thành viên.
Theo Xuân Sơn