Putin – từ bị cô lập thành người chơi quyền lực

Từng bị gây sức ép từ nhiều phía một năm trước, ông Putin giờ đây trở thành người ai cũng muốn gặp.
3938-5113-1447992651
Tổng thống Putin. Ảnh: AFP
Theo The Guardian, chiến tranh tạo nên sự khác biệt. Một năm trước, Tổng thống Nga Putin tham gia hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brisbane như cá nằm trên đĩa, còn các nhà lãnh đạo phương Tây xếp hàng để mỗi người có một phần ăn, đưa ra những chỉ trích gay gắt về việc Nga can dự vào Ukraine và sáp nhập bán đảo Crimea.

Tổng thống Mỹ Obama năm ngoái nói rằng Putin bị quốc tế cô lập. Thủ tướng Anh David Cameron nói rằng ông không tin Putin. Thủ tướng khi đó của Canada, ông Stephen Harper còn thẳng thừng nói với Tổng thống Nga rằng “hãy ra khỏi Ukraine”.

Phản ứng giận dữ với việc Nga bị áp đặt các lệnh trừng phạt, ông Putin cho rằng các lãnh đạo phương Tây đã hành động thiếu suy nghĩ, đồng thời chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi trừng phạt Nga. Nhưng những lời chỉ trích không hề thuyên giảm và ông Putin rời hội nghị sớm với tâm trạng tức giận.

Thời gian như bóng câu qua cửa, ở hội nghị thượng đỉnh G20 lần này tại Thổ Nhĩ Kỳ, mọi chuyện thay đổi hoàn toàn. Ông Putin có cuộc thảo luận mặt đối mặt nghiêm túc với Obama và cố vấn an ninh Nhà Trắng Susan Rice. Ông có những cuộc thảo luận tích cực với Thủ tướng Anh Cameron và các nhà lãnh đạo G20 khác. Không còn bị “tẩy chay”, Putin giờ đây trở thành người mà ai cũng muốn gặp.

Lý do không hề là ẩn số. Dưới sức ép từ những vụ tấn công khủng bố đẫm máu của IS, sự lúng túng trong việc xử lý dòng người di cư và mong muốn chấm dứt cuộc chiến ở Syria, các nhà lãnh đạo châu Âu, vốn được Obama hậu thuẫn, đã đi đến kết luận: Họ cần nước Nga.

Phát biểu sau vụ thảm sát của Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Paris hôm 13/11, cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy kêu gọi thành lập một liên minh quốc tế để cùng nhau chống lại IS. “Chúng ta cần phải có một hành động cụ thể đối với tình hình ở Syria”, ông nói. “Không thể có hai liên minh riêng rẽ ở Syria, liên minh của chúng ta cần có Nga. Chúng ta cần hợp sức để tiêu diệt tận gốc IS”.

Tổng thống Pháp Hollande một lần nữa nhắc lại lời kêu gọi của người tiền nhiệm về thành lập một liên minh quân sự gồm cả Nga khi phát biểu trước quốc hội hôm 16/11. Thủ tướng Anh Cameron cũng có quan điểm tương tự. Ông kêu gọi Putin tập trung sức mạnh quân đội Nga vào các mục tiêu của IS hơn là vào việc hậu thuẫn cho quân đội của ông Bashar al-Assad. Đồng thời, Thủ tướng Cameron cũng cho biết Anh sẵn sàng chấp nhận một khung hiệp ước hoà bình và tạo điều kiện cho việc chuyển đổi thể chế chính trị tại Syria.

Nhà Trắng nói rằng ông Obama và ông Putin đã nhất trí về sự cần thiết cho một “cuộc chuyển đổi chính trị vì Syria và do Syria dẫn dắt, việc này sẽ bắt đầu bằng các cuộc đàm phán do Liên Hiệp Quốc làm trung gian, giữa phe đối lập Syria và chính phủ, bắt đầu bằng một lệnh ngừng bắn”.

4000-1-4972-1447992651
Kỹ thuật viên Nga kiểm tra chiến đấu cơ Su-30 tại căn cứ không quân Hmeimim tại Latakia, Syria. Ảnh: AFP
Hat-trick ngoại giao

Một cú hat-trick ngoại giao vừa được ghi cho Putin. Đầu tiên, phương Tây đành công nhận vai trò của lực lượng quân sự Nga tại Syria, để nhận lấy lời hứa trong việc hợp tác với liên minh do Mỹ dẫn đầu. Điều này đánh dấu một sự đảo ngược hoàn toàn quan điểm trước đây của Mỹ, cho rằng sự can thiệp của Nga là không được chào đón và “chắc chắn thất bại”.

Điều này giúp Putin về mặt chính trị ở trong nước, đặc biệt là sau khi Kremlin xác nhận máy bay MetroJet chở 224 người bị khủng bố đánh bom cuối tháng 10. Biến cố này lấy đi số mạng người gần gấp đôi vụ thảm sát ở Paris.

Putin sau đó tuyên bố tăng cường hoạt động quân sự ở Syria, và ông đã nhanh chóng giữ lời, bằng việc cho phóng tên lửa hành trình và máy bay ném bom tấn công tầm xa. Giờ đây Putin đã rảnh tay nhờ sự đồng thuận của phương Tây, và ông sẽ sử dụng lợi thế. “Chúng tôi sẽ tìm kiếm IS ở bất cứ nơi nào chúng có thể lẩn trốn. Chúng tôi sẽ truy tìm mọi ngóc ngách trên thế giới và trừng phạt chúng”, ông nói.

Thứ hai, ông Obama và ông Cameron đã buộc phải chấp nhận rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn có thể được tại vị trong thời gian thương lượng về thỏa thuận hòa bình do Liên Hợp Quốc giám sát, có thể kéo dài khoảng 18 tháng.

Cho đến gần đây, các nhà lãnh đạo phương Tây và Arab luôn yêu cầu ông Assad từ chức ngay lập tức. Ông Cameron còn đưa ra lời đảm bảo rằng, những lợi ích chiến lược của Nga tại Syria, chẳng hạn như căn cứ không quân và hải quân của Nga ở Địa Trung Hải, sẽ được công nhận tính hợp pháp và bảo vệ. Đây lại là lợi thế nữa cho ông Putin.

Thứ ba, ông Putin dường như đã thành công trong việc đạt được sự thỏa hiệp ngầm về tình hình tại Ukraine. Giao tranh ở đông Ukraine đã giảm xuống sau thoả thuận Minsk. Tuy nhiên, Nga vẫn giữ sự kiểm soát vững chắc đối với Crimea, và bất chấp các phản đối trước đây của phương Tây, vị thế của vùng đất này đã dần trở thành một thực tế trong chính trường thế giới.

Các quan chức nói rằng ông Obama đã nêu vấn đề Ukraine với Putin trong hội nghị G20, nhưng câu chuyện sáp nhập Crimea không được thảo luận. Như vậy là, với Kiev, Crimea đã trở nên xa vời.

Tuy nhiên, The Guardian cũng viết rằng, sẽ là sai lầm nếu cho rằng những điều kể trên là bằng chứng cho sự hồi phục hoàn toàn của Putin. Nga vẫn đang chịu những lệnh trừng phạt. Moscow đang phải đối mặt với khó khăn kinh tế, một phần do giá dầu thấp. Putin vẫn là người gây nghi ngờ sâu sắc trong mắt những nhà lãnh đạo phương Tây về những gì mà ông có thể làm sắp tới ở Trung Đông.

Dù vậy, những ai từng cho rằng Putin là chiến lược gia yếu kém giờ đây sẽ phải nghĩ lại. Sự can dự của Nga vào Syria không khiến Putin suy yếu mà ngược lại, đưa Moscow trở về chiếu trên. Không còn là “món ăn trên đĩa nữa”, Putin giờ là chủ tiệc của ngoại giao nước lớn.

Tuyển dụng xuất khẩu lao động Đài loan

Thông báo tuyển trực tiếp xuất khẩu lao động Nhật Bản

comments

Nội dung liên quan