Tham gia sâu hơn vào cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, Trung Quốc nguy cơ bị IS trả đũa, nhưng nếu không, uy tín và lợi ích của nước này có thể bị tổn thất.
Một nhóm các tay súng cực đoan Nhà nước Hồi giáo, trong đó có người được cho là đến từ Trung Quốc. Ảnh: IBTimes
Tình trạng bạo lực ngày càng tăng ở Syria mấy tuần qua dường như đang tạo ra không ít sức ép đối với Trung Quốc, buộc nước này phải cân nhắc tới lựa chọn tham gia sâu rộng và chủ động hơn trong nỗ lực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại đây, theo Bloomberg.
Nhà nước Hồi giáo (IS) đã đứng ra nhận trách nhiệm cho hàng loạt vụ tấn công mới nhất ở Beirut và Paris. Chúng cũng tuyên bố là thủ phạm khiến chiếc máy bay thuộc hãng hàng không giá rẻ của Nga rơi trên bán đảo Sinai, Ai Cập, hồi cuối tháng trước.
Việc một con tin Trung Quốc bị IS hành quyết hôm 18/11 cho thấy rõ ràng Bắc Kinh cũng nằm trong tầm ngắm của nhóm khủng bố. Bên cạnh đó, việc Nga triển khai không kích các mục tiêu khủng bố ở Syria còn khiến Trung Quốc trở nên lạc lõng khi vẫn duy trì quan điểm không can thiệp quân sự vào cuộc nội chiến ở Syria.
“Có lẽ những sự kiện gần đây đang kéo Trung Quốc lại gần hơn với cuộc khủng hoảng Syria”, Michael Clarke, giáo sư từ Đại học Quốc gia Australia, nhận định. “Ở một mức độ nào đó, hành động can thiệp của người Nga và các cuộc tấn công ở Paris đã làm thay đổi cuộc chơi, khiến giải pháp chính trị ưa thích của Bắc Kinh khó có thể thực hiện được. Cái chết của công dân Trung Quốc dưới tay IS chắc chắn sẽ tạo thêm những yếu tố mới ảnh hưởng đến tính toán của Bắc Kinh” liên quan đến vị thế mà họ muốn duy trì quanh xung đột ở Syria.
Dù quá trình khuếch trương quyền lực của Trung Quốc tại nước ngoài chủ yếu tập trung vào bảo vệ những lợi ích kinh tế đang phát triển và cam kết không can thiệp vào vấn đề của quốc gia khác, việc làm ngơ trước cuộc khủng hoảng ở Syria cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Điều đó sẽ ảnh hưởng tới uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế với tư cách là một cường quốc đang lên hay thậm chí làm xấu đi hình ảnh của tầng lớp lãnh đạo trong mắt công chúng, đặc biệt là khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thường xuyên đề cập tới tham vọng biến sức mạnh kinh tế của nước này trở thành quyền lực chính trị, chuyên gia nhận xét.
Uy tín và lợi ích
IS hôm 18/11 tuyên bố đã hành quyết con tin Trung Quốc Fan Jinghui (phải) và con tin Na Uy Ole Johan Grimsgaard-Ofstad sau khi một yêu cầu đòi tiền chuộc đưa ra trước đó không được đáp ứng. Ảnh: AP
Sau khi phiến quân IS thực hiện chuỗi vụ tấn công đẫm máu ở Paris hôm 13/11 khiến ít nhất 130 người thiệt mạng, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã thúc giục Nga và Mỹ chung tay tiến hành các chiến dịch không kích nhằm diệt trừ IS. Anh đang cân nhắc góp một phần sức lực trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria. Những gì đang diễn ra biến Trung Quốc thành thành viên có quyền phủ quyết duy nhất của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vẫn ủng hộ việc tìm kiếm một giải pháp chính trị thay vì can thiệp quân sự.
Đây là một vị thế không thoải mái đối với Trung Quốc, đặt trong bối cảnh nước này mới hai lần sử dụng quyền phủ quyết của mình mà không có Nga. Bắc Kinh và Moscow từng phủ quyết 4 nghị quyết liên quan đến Syria và gần đây nhất là phản đối một đề xuất được Mỹ ủng hộ nhằm đưa những cáo buộc tội ác chiến tranh chống lại chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad lên Tòa án Hình sự Quốc tế.
Bắc Kinh đã không cho thấy nhiều chuyển biến lớn trong hành động cũng như chính sách sau khi IS tuyên bố hành quyết chặt đầu một công dân Trung Quốc. Trong phiên họp báo thường kỳ hôm 19/11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tái khẳng định Trung Quốc muốn để “Liên Hợp Quốc thực hiện vai trò điều phối của mình” trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.
Trung Quốc hôm 20/11 lên tiếng ủng hộ một nghị quyết của Hội đồng Bảo an, lên án IS là “mối đe dọa chưa từng có đối với hòa bình và an ninh toàn cầu”, cùng lúc kêu gọi nỗ lực nhằm “phá hủy” nơi trú ẩn an toàn của quân khủng bố ở Iraq và Syria.
Theo ông Raffaello Pantucci, giám đốc ban nghiên cứu an ninh quốc tế thuộc Viện các Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh, dù Trung Quốc có thể cung cấp một số hỗ trợ về hậu cần, nước này vẫn sẽ không cam kết sử dụng vũ lực hay tán thành những đề xuất làm suy yếu chính quyền Assad.
“Tôi không nghĩ đó thực sự là một động thái có khả năng thay đổi cục diện cuộc chơi”, Pantucci nói.
Giới chuyên gia cho rằng chính vì lợi ích toàn cầu ngày càng tăng cao nên Bắc Kinh có lẽ đang muốn xem xét lại chính sách không can thiệp được cố thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đề ra vào năm 1955. Song, sự mở rộng này cũng khiến Trung Quốc phải đối mặt thường xuyên hơn với các mối đe dọa khủng bố trên khắp thế giới.
Đáng chú ý hơn cả là việc ba giám đốc điều hành thuộc Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc cuối tuần trước nằm trong 22 người thiệt mạng sau khi các tay súng có liên hệ với al-Qaeda tấn công Khách sạn Radisson Blu ở thủ đô Bamako, Mali.
Theo Bloomberg, mọi phân tích chi phí – lợi ích đều dẫn các lãnh đạo Trung Quốc tới quyết định duy trì một vai trò không quá lớn tại Syria. Nhưng nếu không làm gì cả, hậu quả sẽ rất khủng khiếp nếu một ngày IS tiến hành các cuộc tấn công quy mô nhằm vào lợi ích của Trung Quốc.
Song, hệ quả của một hành động trực tiếp cũng sẽ rất nghiêm trọng. Dù Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh tối cao của IS, năm ngoái liệt Trung Quốc vào danh sách 20 nước có hành vi “đàn áp” quyền lợi của người Hồi giáo, nhóm này vẫn chỉ coi Trung Quốc như một phần nhỏ của nỗi tức giận hướng về phương Tây, quan sát viên Ting Shi nhận định.
Nếu tham gia tích cực hơn vào cuộc xung đột ở Syria, nguy cơ Trung Quốc phải hứng chịu các cuộc tấn công trả đũa từ IS là rất lớn, đặc biệt là ở Tân Cương, nơi an ninh còn bất ổn và tập trung nhiều người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.
Từ tháng 12 năm ngoái đến nay đã có ít nhất 300 người Duy Ngô Nhĩ gia nhập IS, tờ Global Times đưa tin. Một cổng thông tin ở Tân Cương hôm 20/11 xác nhận lực lượng cảnh sát đã tiêu diệt 28 kẻ bị buộc tội khiến 5 cảnh sát và 11 dân thường thiệt mạng trong một vụ tấn công ở khu vực Aksu. Các đối tượng trên được cho là bị xúy giục bởi “một tổ chức cực đoan nước ngoài”.
Mặt khác, Trung Quốc cũng không hề muốn theo chân Mỹ can thiệp quân sự vào Trung Đông, ông Li Guofu, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông thuộc Viện nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, đánh giá. Thay vào đó, họ chọn cách nhấn mạnh vào việc tăng cường hợp tác toàn cầu để chống khủng bố.
“Bắc Kinh hiểu rõ rằng cách tiếp cận của Mỹ ở Syria và Trung Đông không đem lại hiệu quả”, Li nói. “Bạn thấy điều gì xảy ra rồi đấy, không kích càng nhiều, khủng bố càng mạnh”.
Vì thế, theo giáo sư Clarke, ông Tập có lẽ sẽ chọn một vị trí trung lập. “Vấn đề ở đây là có quá nhiều bên tham gia vào xung đột đã chọn xong phe phái. Điều này đặt ông Tập vào thế khó”, Clarke nói.