Đi XKLĐ bị ngược đãi, gia đình phải đóng “phạt“ 40 triệu để giải thoát

Đêm 2.8, PV nhận được điện thoại kêu cứu từ TP.Vũng Tàu phản ánh trường hợp chị Huỳnh Ngọc Bích – giúp việc gia đình ở Ảrập Xêút – vì không chịu nổi áp lực công việc và bị đánh đập đã nộp 40 triệu đồng cho công ty xuất khẩu lao động, nhưng vẫn không được về nước và tiếp tục bị đánh đập, giam giữ.

Giấy-nộp-tiền
Giấy-nộp-tiền

Đi XKLĐ bị ngược đãi, gia đình phải đóng “phạt“ 40 triệu để giải thoát cho chị Bích về nước.

“Ôsin” bỏ của chạy lấy người vẫn không thoát

Chị Huỳnh Ngọc Bích (SN 1985, quê An Điền, An Nhứt, Long Điền, Bà Rịa – Vũng Tàu) đi xuất khẩu lao động giúp việc gia đình tại Ảrập Xêút theo hợp đồng ngày 1.11.2014 với Cty cổ phần Quốc tế Nhật Minh (trụ sở tại số 20, An Trung, Đằng Lâm, Hải An, Hải Phòng). Hoàn cảnh chị Bích hết sức khó khăn. Vợ chồng có 3 con: 12 tuổi, 9 tuổi và bé út 3 tuổi. Từ khi chị Bích đi nước ngoài, bé út thường xuyên đau ốm, phải điều trị tại bệnh viện, tiền thuốc men không đủ. Chồng chị Bích đi xuất khẩu lao động nhưng cũng rất khó khăn. Qua điện thoại, chị Bích than thở: “Em phải làm từ 5h rưỡi sáng đến 12h khuya mới xong. Mệt quá, em đi ngủ thì bà chủ lại la em và kiếm chuyện rầy em. Em đã kiệt sức nhưng không dám nghỉ vì công việc chưa xong. Em hay bị chóng mặt, đau đầu. Em chảy máu cam suốt 5 tháng nay. Em sợ không được về với con mình nữa”. Ngày 25.4, chị Bích mệt không dậy làm được, bị bà chủ lôi dậy, rồi ông chủ tát tới tấp làm chị thâm tím mặt.

Không chịu nổi, chị Bích đã phải cầu cứu gia đình xin về nước. Công ty Nhật Minh yêu cầu gia đình nộp 40 triệu đồng đền bù vì đã phá hợp đồng. Ngày 12.6, gia đình chị Bích đã chuyển khoản số tiền 40 triệu đồng cho Công ty Nhật Minh. Tưởng rằng sau khi đóng tiền, chị Bích sẽ được về nước ngay, nhưng gia đình chờ đợi mỏi mòn vẫn không có tin tức.

 

Chị Huỳnh Thục An – em gái chị Bích – điện thoại cầu cứu: “Thu tiền xong, em nghĩ chị Bích sẽ được về. Nhưng công ty lại nói ông chủ ông năn nỉ quá, do không có người nên xin chị em ở lại thêm một tháng để phụ cái lễ gì đó”. Theo chị An trình bày, chị Bích bị ông chủ tịch thu điện thoại, rồi đem tới chỗ môi giới; tại đây chị bị đánh đập bầm tím khắp người. “Chị em không biết tiếng nên không biết làm sao cả, không biết cầu cứu đại sứ quán ở đâu”, chị Huỳnh Thục An khẩn thiết.

chị-bích-bị đánh-tím-mặt
chị-bích-bị đánh-tím-mặt

Mệt không làm việc được, chị Bích bị ông chủ đánh cho mặt mày thâm tím.

Nghi án người giúp việc bị bắt cóc

Khi PV liên hệ trao đổi nội dung sự việc chị Bích, ông Nguyễn Hồng Nhật – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Nhật Minh – trả lời: “Gia đình chị Bích đã nộp số tiền 40 triệu đồng đền bù cho chủ vào ngày 12.6. Tuy nhiên, sau đó ngày 16.6 là tháng Ramadan của Ả rập, nên nhà chủ đề nghị chị Bích làm hết tháng Ramadan này rồi sẽ làm thủ tục cho chị Bích về. Công ty Nhật Minh có trao đổi điều trên với chị Bích thì chị Bích đồng ý. Do vậy, chị Bích đã làm đến hết ngày 24.7 và được lĩnh lương hết ngày này.

Sau đó, Công ty Nhật Minh liên lạc với công ty môi giới và đề nghị chủ sử dụng làm thủ tục visa để chị Bích về nước thì lúc này chủ sử dụng yêu cầu công ty môi giới phải đưa 1 giúp việc gia đình khác đến làm việc thay thế cho chị Bích, nếu không chủ nhà sẽ không làm visa cho chị Bích. Ngày 1.8, chủ nhà có đưa chị Bích đến 1 công ty môi giới nào đó (không phải đối tác của Công ty Nhật Minh), sau đó lại đưa chị Bích về. Khi chị Bích về nhà có mượn điện thoại của nhà chủ và gọi điện cho tôi, chị Bích nói bị một bà nào đó ở công ty môi giới đánh. Tôi có nói với chị Bích nếu bị đánh, thì ra cảnh sát và báo lại sự việc.

Chiều 3.8, chị Bích đã ra báo cảnh sát Ảrập, cảnh sát có gọi điện cho người đại diện của công ty tôi (tên là Phố) tại Ảrập Xêút và người đại diện công ty đã trao đổi với cảnh sát về việc lao động bị đánh. Dự kiến trong ngày hôm nay (3.8) hoặc ngày mai, cảnh sát sẽ gọi chủ sử dụng lao động đến để xác minh sự việc, nếu sự việc đúng, cảnh sát sẽ yêu cầu chủ sử dụng làm thủ tục visa để chị Bích được quay trở lại Việt Nam. Nếu chủ sử dụng không phối hợp, cảnh sát sẽ đưa chị Bích về đại sứ quán và Công ty Nhật Minh sẽ đề nghị đại sứ quán cấp giấy thông hành cho chị Bích về”.

Tuy nhiên, đến ngày 11.8, gia đình vẫn chưa thể liên lạc với chị Bích. “Liên hệ với công ty, họ cứ hứa lần này lượt khác. Họ nói là chị em đang ở cảnh sát, nhưng không thể gọi điện về. Chị em có phải là tội phạm đâu mà bị cảnh sát giữ, thậm chí không cho gọi về? Có thể chị em đã bị họ bắt cóc hoặc bán đi đâu rồi”, chị Huỳnh Thục An bật khóc.

 

comments

Nội dung liên quan