Tổng kết thị trường gạo đầu năm 2015

Trong 6 tháng đầu năm 2015, lúa gạo là một trong 4 ngành hàng nông sản có kết quả sản lượng và giá trị xuất khẩu giảm sâu so với cùng kỳ 2014.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, tình hình xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm sẽ có những chuyển biến tích cực và có thể vẫn đạt mục tiêu xuất khẩu gạo đã đề ra trong năm 2015.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, cả nước xuất khẩu hơn 3 triệu tấn gạo, trị giá 1,29 tỷ USD, giá bình quân FOB 417,19 USD/tấn. So với cùng kỳ năm 2014, sản lượng xuất khẩu giảm 7,94%, trị giá giảm 12,18% và giá bình quân giảm 14,9 USD/tấn.

xuatkhaugao

Về thị trường, Trung Quốc, châu Phi và Philippines vẫn là những nhà nhập khẩu chính và truyền thống của Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm, đã có hơn 1,2 triệu tấn gạo được xuất sang thị trường Trung Quốc, trong đó có khoảng 150.000 tấn được xuất khẩu qua biên giới và là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Tiếp theo là Philippines với 427.607 tấn, châu Phi 402.000 tấn, Malaysia 260.243tấn… Trong cơ cấu gạo xuất khẩu, gạo trắng vẫn chiếm số lượng lớn.

Mặc dù Trung Quốc vẫn đứng đầu thị trường về tiêu thụ gạo của Việt Nam nhưng so với cùng kỳ năm ngoái thì giảm cả lượng và giá trị (giảm 10,59% và 14,64% so cùng kỳ). Xuất sang Philippines cũng giảm mạnh 37,77% về lượng và giảm 41,88% về giá trị so cùng kỳ.

Nguyên nhân của sự sụt giảm xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2015 chủ yếu vẫn là do nguồn cung dồi dào, sự xuất hiện của các nhà xuất khẩu mới và có sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải chịu sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới với các nguồn cung cấp chính như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Myanmar.

Tại thị trường châu Phi, hiện nay Việt Nam khó có thể cạnh tranh với Thái Lan về loại gạo 25% tấm bởi vì, gạo của Việt Nam có giá 330 USD/tấn, trong khi Thái Lan bán cho châu Phi loại gạo này chỉ ở mức 305 USD/tấn. Do đó, trong 6 tháng đầu năm 2015, sản lượng xuất khẩu gạo sang thị trường châu Phi chỉ đạt hơn 402.000 tấn. Bên cạnh đó, mặc dù gạo của Pakistan, Ấn Độ cao hơn Việt Nam 15 – 20 USD/tấn cho cùng loại gạo, nhưng quãng đường vận chuyển từ hai nước này tới châu Phi lại gần hơn Việt Nam. Tuy nhiên, đối với thị trường này, gạo 5% tấm và gạo thơm của Việt Nam có nhiều ưu thế vì giá cạnh tranh và được thị trường tin dùng.

Một điểm đáng lưu ý trong xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm là tỷ lệ hợp đồng tập trung (hợp đồng Chính phủ) tương đối thấp, chỉ chiếm hơn 23% trong tổng số các hợp đồng đăng ký xuất khẩu. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước đã chủ động tiếp cận thị trường và xuất khẩu bằng các hợp đồng thương mại là chính chứ không ỷ lại Nhà nước ký hợp tác liên Chính phủ như trước đây. Nhiều doanh nghiệp đã đa dạng thị trường và tăng cường khả năng cạnh tranh, xuất khẩu qua các hợp đồng thương mại.

Tại thị trường trong nước, nếu chỉ tính riêng trong tháng 6, thị trường lúa, gạo tại các tỉnh ĐBSCL rất ít giao dịch, và có chiều hướng giảm. Việc Việt Nam trúng thầu cung cấp 150.000 tấn gạo cho Philippines trong cuộc đấu thầu ngày 16-6 không đủ tác động đến diễn biến giá do khối lượng quá nhỏ.

Giá lúa tại một số tỉnh ĐBSCL giữ ở mức ổn định hoặc giảm nhẹ. Cụ thể, tại An Giang, lúa IR 50404 giảm từ 4.250 đồng/kg xuống còn 4.150 đồng/kg; lúa OM 2514, OM 1490, OM 2717 giảm từ 4.500 đồng/kg xuống còn 4.400 đồng/kg; lúa jasmine ổn định ở mức 5.700 – 5.800 đồng/kg.

Tại Bạc Liêu, lúa chất lượng cao ổn định ở mức 5.200 – 5.300 đồng/kg đối với lúa khô. Tại Kiên Giang, lúa tẻ thường ở mức 5.300 đồng/kg, lúa dài ở mức 5.600 đồng/kg.

Nhìn tổng thể “bức tranh” chung nửa đầu năm, giá lúa tại các tỉnh ĐBSCL cũng không khả quan hơn khi diễn biến giảm. Tính từ đầu năm đến nay, giá lúa tại An Giang đã giảm 400 – 500 đồng/kg, tại Bạc Liêu đã giảm 600 – 700 đồng/kg, tại Kiên Giang giảm 300 – 400 đồng/kg.

Thiếu vắng các hợp đồng xuất khẩu mới và nhu cầu nhập khẩu với khối lượng thấp của các khách hàng là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp xuất khẩu chỉ thu mua cầm chừng bởi lượng hàng tồn trong kho vẫn còn.

Trong thời gian diễn ra thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo theo chủ trương của Chính phủ (từ 1-3 đến 15-4), giá lúa trên thị trường nội địa có tăng nhẹ, song xu hướng này không giữ được lâu do nguồn cung từ thu hoạch vụ Đông Xuân dồi dào.

Số liệu thống kê sơ bộ của TCHQ xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2015

comments

Nội dung liên quan