Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn phàn nàn hội chứng “mật”, khi tài liệu mật, tối mật, tuyệt mật được áp dụng tràn lan – như chuyện sức khoẻ ông Nguyễn Bá Thanh có gì đâu mà mật, sao không cung cấp sớm cho báo chí
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng đang có tình trạng áp dụng tràn lan vấn đề mật
Sáng nay, 12-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe và cho ý kiến về dự án Luật Tiếp cận thông tin.
Góp ý dự luật, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn phàn nàn hội chứng “mật”, khi tài liệu mật, tối mật, tuyệt mật được áp dụng tràn lan. “Thậm chí thư mời đi họp cũng ghi là mật thì không biếtkhi bị hỏi sẽ trả lời sao” – Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo ông Sơn, trong khi đó, người dân muốn hỏi về thông tin đang tràn lan trên mạng có thật không nhưng căn cứ vào “mật” thì cơ quan chức năng có quyền từ chối. “Điển hình là chuyện ông Nguyễn Bá Thanh, nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương, mắc bệnh có gì đâu mà mật? Sức khoẻ ông Nguyễn Bá Thanh sao phải mật? Sao không cung cấp sớm cho báo chí, để báo chí phải canh chụp từ xa, rồi độc quyền ảnh…”- ông Sơn góp ý. Theo ông, cần ra soát lại hết, đã mở cố gắng mở hết sức, cái gì mật, tối mật quốc gia thì quy định cụ thể để không trả lời.
Trước đó, trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật (UBPL) của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết UBPL tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Tiếp cận thông tin nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền tiếp cận thông tin.
UBPL cho rằng hiện nay, các văn bản pháp luật chuyên ngành như Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước, Luật Lưu trữ… đã điều chỉnh việc tiếp cận đối với thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật đời tư, thông tin trong các tài liệu, hồ sơ đã được chuyển sang lưu trữ lịch sử, thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm toán, tố tụng. Đối với việc tiếp cận thông tin thuộc bí mật nhà nước, cần có giới hạn nhất định, nhằm bảo đảm lợi ích của quốc gia, của doanh nghiệp và của công dân. Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi của Luật Tiếp cận thông tin sau khi được ban hành, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản pháp luật, khắc phục những bất cập nêu trên, đề nghị Nhà nước sớm ban hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước để thay cho Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước theo hướng “Xem xét, sửa đổi các danh mục bí mật nhà nước nhằm mở rộng công khai”.
Về chủ thể có quyền tiếp cận thông tin, dự luật quy định công dân có quyền tiếp cận thông tin; đồng thời quy định người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam có quyền yêu cầu cung cấp thông tin liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của họ. Thường trực UBPL cơ bản nhất trí với quy định như dự luật song đề nghị cần làm rõ một số vấn đề như hiện nay, một số lượng không nhỏ người Việt Nam định cư ở nước ngoài về nước để đầu tư, kinh doanh, có nhu cầu được tiếp cận thông tin, có được tiếp cận thông tin không? Phạm vi tiếp cận đến đâu? Trình tự, thủ tục ra sao?… Mặt khác, không chỉ cá nhân mới có nhu cầu tiếp cận thông tin mà kể cả các tổ chức, nhất là các doanh nghiệp cũng có nhu cầu này. Trong khi đó, không phải lúc nào luật chuyên ngành cũng quy định bao quát hết việc tiếp cận thông tin của các chủ thể này. Trong những trường hợp như vậy thì các tổ chức này sẽ thực hiện việc tiếp cận thông tin theo quy định nào?
Dự thảo luật quy định chủ thể cung cấp thông tin là tất cả cơ quan nhà nước, bao gồm cơ quan lập pháp, hành pháp, toà án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, kiểm toán nhà nước. Về vấn đề này, trong UBPL còn có ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đồng ý với quy định nêu trên vì đây là các cơ quan chủ yếu tạo ra và quản lý nhiều thông tin liên quan đến các lĩnh vực của đời sống xã hội; quy định chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin như vậy là phù hợp với điều kiện hiện nay ở nước ta.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị cần nghiên cứu mở rộng chủ thể cung cấp thông tin bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp, các đơn vị sự nghiệp công lập, các doanh nghiệp nhà nước đều có trách nhiệm cung cấp thông tin. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, các trường học, bệnh viện có thu viện phí, học phí, tuyển dụng công chức, viên chức; nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và thực hiện các chương trình, đề án lớn của Nhà nước…. Những thông tin này cũng rất cần thiết công khai, minh bạch để công dân tiếp cận nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị nên mở rộng chủ thể cung cấp thông tin bao gồm cả tổ chức Đảng, cụ thể là: “Công bố công khai các nghị quyết, chương trình hành động của cấp uỷ, tổ chức Đảng (nhất là cấp cơ sở) có liên quan đến phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, nghĩa vụ và quyền lợi của nhân dân (không thuộc bí mật của Đảng và Nhà nước), để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra các hoạt động của Đảng, xây dựng và bảo vệ Đảng”. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc, không nên mở rộng phạm vi cung cấp thông tin của các cấp ủy, tổ chức đảng; mà nên quy định trong các văn bản của Đảng sẽ phù hợp hơn.
Đặc biệt, về việc từ chối cung cấp thông tin, dự luật quy định các trường hợp từ chối cung cấp thông tin theo yêu cầu: Thông tin được yêu cầu cung cấp không do cơ quan mình tạo ra và nắm giữ; thông tin đã được cung cấp hai lần cho chính người yêu cầu; thông tin được yêu cầu với số lượng quá lớn, vượt quá khả năng đáp ứng của cơ quan, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan. Ông Phan Trung Lý cho rằng UBPL đề nghị cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn đối với các trường hợp nêu trên, tránh tình trạng các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin lợi dụng để từ chối việc cung cấp thông tin cho công dân.
Về biện pháp bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân và về trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành và UBND trong việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin, UBPL nhận thấy, việc quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân phụ thuộc vào điều kiện kinh tế – xã hội. Vì vậy, UBPL đề nghị cần báo cáo rõ về việc dự kiến nguồn nhân lực, kinh phí, ngân sách nhà nước khi triển khai thực hiện luật.
Góp ý dự luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển khẳng định người dân càng biết nhiều thông tin thì xã hội càng tiến bộ, dân chủ, văn minh. Thông tin sức khoẻ cộng đồng là rất quan trọng như cung cấp thông tin về bệnh dịch, khu vực có dịch nhưng luật rất chung chung mà cũng không nói giao Chính phủ quy định cụ thể.
Theo ông Hiển, về giá dịch vụ cung cấp thông tin, nên quy định là phí, lệ phí, vì vậy luật quy định yêu cầu cung cấp thông tin cần làm rõ khi nào phải trả, không phải trả. Đặc biệt, ông Hiển cho rằng cần đánh giá luật này ra đời thì sốtiền ngân sách phải bỏ ra là bao nhiêu, số tiền chắc chắn sẽ lớn. Như phải thiết lập cổng thông tin điện tử, nơi tiếp nhận, cung cấp thông tin xuyên suốt từ cấp trung ương đến xã phường. “QH phải được biết về toàn bộ chi phí này từ đầu tư hạ tầng, con người” – ông Hiển yêu cầu.