Dừng Tuyển chọn, đào tạo hộ lý, điều dưỡng viên sang Nhật Bản trái phép

Dù không được phép nhưng một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động vẫn “xé rào”, đàm pháp với các nghiệp đoàn Nhật Bản để tuyển hộ lý, điều dưỡng viên sang nước này

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolap) vừa có công văn gửi các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động (XKLĐ) yêu cầu dừng ngay mọi hoạt động tuyển chọn, đào tạo, đưa hộ lý, điều dưỡng viên sang Nhật Bản.

“Cầm đèn chạy trước ô tô”

Trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản, từ năm 2012, Bộ Y tế – Phúc lợi xã hội Nhật BảnBộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam hợp tác triển khai chương trình cung ứng điều dưỡng viên, hộ lý sang Nhật Bản thực tập và làm việc. Dolab và Tổ chức Phúc lợi xã hội quốc tế JICWELS – Nhật Bản được giao quản lý chương trình. Ngoài chương trình hợp tác cấp chính phủ này, Nhật Bản không chấp nhận hộ lý, điều dưỡng viên do DN XKLĐ của Việt Nam phái cử.

Người lao động tìm hiểu về chương trình điều dưỡng viên

Người lao động tìm hiểu thông tin về chương trình cung ứng điều dưỡng viên, hộ lý sang Nhật Bản do Dolab triển khai

Tuy vậy, thời gian gần đây, trên cơ sở đàm phán riêng với các nghiệp đoàn Nhật Bản, một số DN “cầm đèn chạy trước ô tô”, công khai tuyển chọn lao động. Thông qua trang tin điện tử, từ ngày 10-9, Công ty CP Tư vấn Đầu tư – Xây dựng và Thương mại TMDS (Hà Nội) rao tuyển điều dưỡng viên sang Nhật với số lượng 90 người. Thông tin này đến nay vẫn còn hiển thị, cho biết đối tượng tuyển từ 20-30 tuổi, thời hạn hợp đồng 3 năm, lương cơ bản 36 triệu đồng/tháng. Công ty CP Quốc tế Nhật Minh – Namico (chi nhánh tạiquận Bình Tân, TP HCM) cũng rao tuyển trên mạng, nêu rõ ứng viên xuất cảnh sang Nhật sau khi trúng tuyển từ 4-6 tháng, lương cơ bản 130.000-150.000 yen/tháng (khoảng 23-27 triệu đồng).

Để tránh bị “tuýt còi”, Công ty CP Phát triển Quốc tế Việt Thắng (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) đưa ra chương trình vừa học vừa làm tại Nhật, tuyển 90 học viên, tổ chức thi vào ngày 29-10. Trong số này, 30 người sẽ được chọn, xuất cảnh vào tháng 4-2016, lương theo hợp đồng trên 30 triệu đồng/tháng; nếu đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định sẽ được cấp visa vĩnh trú, bảo lãnh người thân sang Nhật. Ngoài ra còn rất nhiều cá nhân dưới danh nghĩa của DN XKLĐ cũng ra sức rao tuyển điều dưỡng viên, hộ lý sang Nhật.

Phải dừng ngay!

Khán hộ công làm việc tại Đài Loan
Khán hộ công làm việc tại Đài Loan

Đó là chỉ đạo của Dolab trước việc một số DN lập lờ tuyển dụng, lợi dụng nhu cầu của người lao động để tuyển dụng khi chưa được phép.

Liên quan đến vấn đề này, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết việc mở rộng tiếp nhận thực tập sinh ngành điều dưỡng đang được Chính phủ Nhật Bản đệ trình quốc hội và hạ viện để thảo luận thông qua. Tuy nhiên, hiện kỳ họp đã kết thúc và việc xem xét mở rộng lĩnh vực tiếp nhận thực tập sinh điều dưỡng vẫn chưa được thông qua. Do vậy, thực tập sinh kỹ năng Việt Nam chưa được phép sang thực tập ngành điều dưỡng ở Nhật Bản, trừ chương trình do Bộ Y tế – Phúc lợi xã hội Nhật Bản và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp thực hiện như nêu trên.

Theo chương trình này, từ năm 2012 đến nay, cơ quan chức năng 2 nước đã tổ chức 3 khóa đào tạo điều dưỡng viên, hộ lý để cung ứng sang Nhật với tổng số 510 ứng viên tham gia. Vì đây là chương trình phi lợi nhuận, ứng viên tham gia không mất chi phí tuyển chọn, đào tạo, đặc biệt không phải chi trả phí môi giới (1.500 USD) và phí dịch vụ (tương ứng mỗi năm làm việc 1 tháng lương theo hợp đồng).

Để tránh bị ảnh hưởng, Dolab khuyến cáo những người có nguyện vọng sang Nhật Bản làm điều dưỡng, hộ lý không đăng ký, nộp tiền cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào ngoài cơ quan này.

 

comments

Nội dung liên quan